Một nhà quản lý thành công, trước hết phải là nhà quản lý hiệu quả. Nhưng như thế nào là “hiệu quả” và làm sao để “hiệu quả” thì mỗi cơ quan, thậm chí là mỗi người lại có cách nhìn nhận khác nhau. Không giống với các công việc chuyên môn vốn có những chuẩn mực và quy định riêng theo ngành dọc, nghề “quản lý” được đánh giá tùy thuộc vào từng cơ quan, từng công việc và thậm chí là tùy thuộc vào đánh giá của từng lãnh đạo cấp trên. Ở Việt Nam, quản lý còn chưa được coi là một nghề nghiệp thực thụ, những người có cương vị quản lý thường vẫn muốn có một chuyên môn nhất định nào đó để có thể làm việc tiếp sau khi thôi giữ cương vị quản lý, hoặc là làm quản lý nhưng vẫn tham gia các hoạt động chuyên môn…

Chính vì vậy, quản lý hiệu quả vẫn là thách thức không chỉ với các cơ quan nhà nước mà còn cả với các doanh nghiệp. Để từng bước góp phần hoá giải thách thức đó, Viện Lãnh đạo chiến lược (Sleader) trân trọng giới thiệu với anh/chị quan điểm hiện đại về “quản lý hiệu quả” dựa trên học thuyết quản trị của GS. Peter Drucker và GS. Fredmund Malik.

Quản lý được coi là một chuyên môn

Ngày nay nhiều công ty, tập đoàn đã quen với việc thuê tuyển giám đốc hay tổng giám đốc để có những nhà quản lý điều hành thực sự chuyên nghiệp. Quan điểm hiện đại coi quản lý là một chuyên môn chứ không phải là một chức danh và không chỉ nhà quản lý mà cả nhân viên cũng cần đến quản lý hiệu quả. Đặc biệt, trong nền kinh tế tri thức, không chỉ các tổ chức cần đến quản lý mà mỗi người lao động tri thức đều phải là một nhà quản lý bởi họ không làm việc như một cỗ máy theo mệnh lệnh mà còn hoạt động sáng tạo và linh hoạt. Bước vào thế kỷ 21 với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, hơn bao giờ hết “hiệu quả” chính là yêu cầu đặt ra hàng đầu với bất kỳ người lao động ở bất cứ ngành nghề nào. Yêu cầu này đối với người quản lý lại càng cao hơn nữa bởi, theo GS. Fredmund Malik, nghề quản lý chính là nghề của sự hiệu quả – chỉ có hiệu quả mới bắt buộc người quản lý tìm cách biến các nguồn lực thành giá trị gia tăng.

Làm đúng và làm hiệu quả

Làm đúng và làm hiệu quả là hai việc khác nhau. Theo Peter F. Drucker – người đặt nền móng cho thuyết quản trị hiện đại – “đúng đắn là làm những điều hợp lý; hiệu quả có nghĩa là làm mọi thứ một cách hợp lý”. Làm việc đúng sẽ chỉ đạt năng suất còn làm đúng việc thì sẽ đạt hiệu quả. Ngày nay rất nhiều các khóa học về “bí quyết lãnh đạo hiệu quả” hay các cuốn sách kiểu như “trở thành người quản lý trong 5 phút” dường như trở thành cứu cánh cho những người muốn “thành công không tốn sức” và nhanh chóng đạt hiệu quả. Nhưng thành công hầu như không bao giờ đến theo cách này. Dường như ai cũng có thể làm việc đúng nhưng những người thành công vượt trội lại là những người biết tìm đúng việc hiệu quả để làm. Nhà quản lý chính là người phải có khả năng tìm đúng việc, phân công đúng người, từ đó mới tạo ra được hiệu quả cao, đóng góp vào chuỗi giá trị của doanh nghiệp/tổ chức.

Quản lý hiệu quả có thể học và cần phải học

Trong khi quan niệm truyền thống cho rằng quản lý giỏi là do tài năng bẩm sinh thì quan niệm quản trị hiện đại coi đó là một chuyên môn cần được đào tạo. Rất nhiều nhà quản lý được học về ra quyết định, làm chính sách, xác định mục tiêu, quản lý nhân sự, tài chính, marketing … nhưng lại không hề được đào tạo để vận hành bộ máy tổ chức, triển khai các quyết định, giám sát quá trình thực thi để đạt các mục tiêu đề ra, trong khi đây lại là các yếu tố tạo nên quản lý hiệu quả. Quản lý hiệu quả cần được đào tạo như một chuyên môn với những khái niệm đúng, phương pháp đúng và cần có công cụ để thực hiện. Không thể có một cuốn sách nào hay một khóa học chớp nhoáng nào có thể làm nên những nhà quản lý hiệu quả.