Sống vì tiền

Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược

Từ khóa

Tác giả

Chia sẻ

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

Sống vì tiền

Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược

Từ khóa

Tác giả

Chia sẻ

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

Ngày 10 tháng 6 vừa rồi, hai tàu hải quân Canada lần đầu cập cảng Cam Ranh. Họ mời ba công dân Canada lên tàu dự tiệc, gồm Raj Taneja – giám đốc một chuỗi cửa hàng ẩm thực, đại sứ Canada tại Việt Nam Barbara Paul và tôi.

Những người lính mời tôi uống bia Canada và trò chuyện. Hầu hết họ là các đô đốc, thuyền trưởng và những vị trí cấp cao trong hải quân. Mọi người ăn mặc rất đẹp và đàng hoàng. Tôi nhìn xuống áo mình, hơi cũ, không quá xấu nhưng đây là đồ đẹp nhất tôi có. Lâu quá rồi tôi không có tiền mua áo mới.

Tôi tự thấy mình khác với mọi người nhiều. Ở đây, nói về tài chính, họ rất thành công. Tôi có quan điểm sống riêng, làm việc vì đam mê, nhưng gần đây bắt đầu chìm vào nợ nần. Tôi đã phải mượn tiền từ những người bạn thân nhất, tôi thấy có lỗi ghê gớm. Nó giống như việc tôi đang mắc chân trong đầm lầy, càng cố vùng vẫy thì càng lún sâu, chìm trong tuyệt vọng. Nhưng tôi vẫn giữ khuôn mặt hạnh phúc suốt bữa tiệc.

Sau tiệc, Raj mời tôi đến một quán bar sân thượng gần đó tiếp tục nói chuyện. Gọi là mời vì trong túi tôi chỉ còn đúng 100 ngàn đồng, và tôi vẫn cần nó để về lại Sài Gòn. Thành thật mà nói chi phí đến Cam Ranh lần này cũng là vay mượn.

Đây là cơ hội tốt để xin lời khuyên từ một chuyên gia tài chính về vấn đề của tôi. “Raj, em không hiểu sao, em cố gắng hết sức để làm tốt nhưng vẫn nghèo. Em nghĩ mình vẫn được xem là thành công nên mới có vinh dự được chính phủ mời đến bữa tiệc này, nhưng sao em vẫn không thoát khỏi vấn đề tài chính. Có phải em đã sai khi chọn đam mê hơn tiền bạc không?”.

“Nghề nghiệp chính của em là gì nhỉ?”, Raj hỏi lại. Tôi nói hiện đang tham gia khoảng 10 dự án, viết báo, viết sách, diễn hài độc thoại bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt. Tôi vừa nói vừa nghĩ về những việc tôi làm, thấy rất nhiều.

Raj đáp, vấn đề của tôi là quá tải công việc. Đúng là chúng ta nên chọn đam mê, làm những điều mình thấy hạnh phúc và sáng tạo, nhưng chỉ nên tập trung một việc thôi, cho đến khi nào có thể cân bằng được tiền bạc và đam mê. Chứ như hoàn cảnh của tôi bây giờ, không biết mấy chục năm nữa mới thành công được cả 10 lĩnh vực đó. “Anh nghĩ em không sai khi chọn đam mê. Jesse có bao giờ nghe về lý thuyết trò chơi chưa?”, anh hỏi.

Tôi nói đã nghe sơ sơ, nhưng tôi khá dị ứng với những người sống chỉ vì tiền. Anh giải thích, đó là một công cụ để hiểu hơn về kinh tế học. Nó có hai luật chính. “Zero-sum game” là trò chơi có kết quả bằng 0, trong đó bất cứ thứ gì có được bởi một bên đều bị mất bởi bên kia, chỉ những người thu gom lợi tức về cho bản thân mình mà không cần quan tâm đến bất kỳ ai. Luật thứ hai là “hợp tác” – khi mọi người cộng tác, hỗ trợ lẫn nhau bằng cách cung cấp những thứ có ích cho tất cả, qua đó mình kiếm được tiền và ai cũng đều có lợi.

Tôi nhận ra rằng kiếm tiền cũng có nhiều con đường, không cần thù ghét việc kiếm tiền một cách cực đoan. Quê tôi giờ có rất nhiều người đổi mới, sáng tạo, họ làm nhiều thứ mang lại lợi ích cho môi trường và cộng đồng, cân bằng giữa thiên nhiên và kinh tế. Tất cả đang tiến triển mượt mà vì mọi người biết cách hợp tác với nhau, vừa tạo ra giá trị cho xã hội, vừa có tiền.

Tôi lên đường về Sài Gòn, suy nghĩ rất nhiều. Có thể điểm yếu của tôi là thời gian. Tôi chọn làm quá nhiều việc đem lại ít thu nhập trong khi có thể chọn ít việc lại và tập trung phát triển nó, thu lại nhiều tiền hơn. Nên tập trung vào hài độc thoại, vừa hài hước vừa ý nghĩa như cách tôi vẫn viết cho báo, hay chỉ viết thật nhiều sách mà tôi thích? Tất cả ý tưởng cứ lượn lờ trong đầu. Tôi cảm thấy tôi phải nắm bắt cơ hội này. Thời kỳ đen tối cuối cùng có thể biến mất và mặt trời sẽ ló dạng, ban ấm áp cho tôi.

Ngồi ở nhà, uống trà và suy nghĩ về tương lai, tôi biết rằng có rất nhiều người đã chọn sai con đường cho đất nước Việt Nam rồi. Họ chọn “zero-sum game”, cố gắng thu tích được đồng nào hay đồng đó về cho bản thân, càng nhiều càng tốt, mặc sức cào nát xã hội. Chúng ta đang tập trung lượm nhặt những con số vô hồn. Từ bé, trẻ em được khuyến khích sao cho đạt điểm cao nhất “hôm nay con được mấy điểm?”, lớn lên đi làm thì tập trung vào “số điểm” khác là tiền bạc “lương một tháng được bao nhiêu rồi?”, rồi họ cố mua sắm thật nhiều thứ đắt tiền không cần thiết cũng vì mong muốn “điểm” của mình sẽ cao lên trong mắt người khác.

Trong triết học, nếu cứ chạy theo những con số thì đức hạnh sẽ bị bỏ quên, đặc biệt là khi một số người ăn gian, tham nhũng để giành lấy “điểm” nhanh hơn so với con đường công bằng, liêm khiết. Đức hạnh là đạo đức và các phẩm chất tốt của con người. Nó đặc biệt quan trọng trong tôn giáo, cả Phật giáo, Kito giáo, Hồi giáo, trong bộ nguyên tắc ngầm của các hiệp sĩ châu Âu hay các đạo sĩ Nhật Bản. Đức hạnh đã đưa chúng ta ra khỏi hang động, hợp tác với nhau tổ chức ra xã hội văn minh.

Có quá nhiều người đang tập trung vào túi tiền của họ. Để thay đổi một đất nước mà rất nhiều người chỉ sống vì tiền, nền giáo dục và những người đứng đầu phải chịu khó làm gương, nghĩ tới lợi ích chung của cộng đồng.

Tôi nhận ra chúng ta dường như không có đủ thời gian để tập trung giáo dục con trẻ về đức hạnh như ngày xưa nữa, hay ít nhất nó không phải ưu tiên hàng đầu. Rất hiếm nơi nào người ta có thể học được đức hạnh khi mà cha mẹ, nhà trường, công ty chỉ say mê kết quả dựa trên các con số mà quên mất sự trung thực, tử tế, tính chính trực, lòng dũng cảm, tính kiên nhẫn, sự bao dung, khiêm nhường… Giá trị của nó lớn hơn tất cả những con số mà người ta đang đua nhau đi nhặt mỗi ngày.

Theo: Jesse Peterson (VnExpress)
(Nguyên tác tiếng Việt)