Trang chủ » ‘Made in Vietnam’
‘Made in Vietnam’
Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược
Từ khóa
Tác giả
admin
Chia sẻ
‘Made in Vietnam’
Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược
Từ khóa
Ngày đăng
Tác giả
admin
Chia sẻ
Gia đình tôi sống tại thành phố Caen, Pháp. Vùng biển Normandy vốn mát mẻ nhưng đang phải trải qua những ngày hè nắng nóng kỷ lục chung với châu Âu. Nhiệt độ ngoài trời có khi lên tới gần 45 độ C.
Gần 10 năm sống ở lục địa già, chưa bao giờ tôi bị khó chịu với thời tiết như vậy. Cậu con trai vừa đầy tuổi mấy hôm nay khó ngủ, hay khóc vặt, thức giữa giấc. “Phải tìm mua chiếc chiếu tre như ở Việt Nam cho cu cậu để dễ ngủ”, vợ tôi bảo. Tôi lên mạng tra cứu, phát hiện ra nhiều bà mẹ Việt trong một nhóm các gia đình sống tại Pháp cũng bàn về chủ đề tương tự. Họ hỏi nhau chỗ nào bán chiếu tre, trúc. Chúng tôi lên chợ bán hàng online lớn nhất, với đủ loại hàng hóa trên đời, thấy ngay rất nhiều loại chiếu tre, trúc giống y như ở Việt Nam.
Nhưng tiếc thay, chúng đều là hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Tôi không mua.
Chẳng phải riêng chiếu tre, nhiều lần trước, chúng tôi tìm mua các vật dụng gia đình của Việt Nam kể cả trên mạng hay tại các siêu thị, các món hàng ấy đều dán nhãn “Made in China” hoặc tên một công ty Trung Quốc nào đó. Chiều hôm vừa rồi, ghé vào Carrefour – hệ thống siêu thị lớn nhất của Pháp, tôi thấy rất đông người xếp hàng ở các quầy tính tiền, trong tay là những chiếc quạt máy. Tôi tò mò nhìn kỹ, chúng mang nhãn hiệu Trung Quốc, và đặc biệt là chúng không phải cái tên nổi tiếng nào.
Tôi vẫn tự hỏi điều gì đã xảy ra với hàng Việt Nam tại châu Âu – thị trường lớn thứ hai thế giới. Ngoài một số ít hàng thủ công đơn giản được gia công cho hãng nội thất IKEA, tôi rất khó tìm được mặt hàng khác đến từ Việt Nam, cho dù đó là gạo hay cà phê, hạt tiêu – những nông phẩm Việt Nam tự hào đứng đầu thế giới. Gạo bị thống lĩnh tuyệt đối lâu nay bởi Thái Lan và gần đây ngạc nhiên hơn, có sự xuất hiện ồ ạt của gạo Campuchia. Cà phê hầu hết dán nhãn Brazil hay Colombia. Các loại đậu, đậu đen, đậu xanh, bột năng, bột làm bánh đều là hàng Trung Quốc. Nước mắm Phú Quốc hay nước mắm các loại, cả mắm tôm, đều ghi “made in Thailand”.
Các loại bún, phở khô tuy là hàng Việt Nam, bao bì bằng tiếng Việt, nhưng không phải hàng nhập trực tiếp vào EU mà đã gắn thêm nhãn phụ tiếng địa phương, tức hiểu đơn giản là đi dạng tiểu ngạch, vòng qua nước khác. Chúng được nhập về qua một vài đơn vị ở nước trung gian nào đó như Séc, rồi ghi nhãn phụ tiếng Pháp nếu bán ở Pháp. Sản phẩm sản xuất tại Việt Nam mà tôi bắt gặp nhiều nhất ở châu Âu chỉ là điện thoại hay máy tính bảng Samsung.
Cũng có thể gạo Thái Lan mà tôi ăn ở Pháp là những hạt gạo từ cánh đồng sông Cửu Long. Chúng được người Việt xuất thô sang Thái Lan để rồi người Thái làm cho những hạt ngọc này long lanh lên và đáp ứng các tiêu chuẩn của châu Âu.
Liệu Hiệp định thương mại tự do Âu-Việt ký tại Hà Nội hôm qua có phải là chiếc đũa thần cho phép những người xa quê như chúng tôi được thấy hàng hóa Việt trong các hệ thống bán lẻ? Liệu “một hiệp định thương mại tự do tham vọng nhất đối với một nước đang phát triển” như lời đại diện Hội đồng châu Âu đã nằm trong kế hoạch của các doanh nghiệp Việt hay chưa?
Ở đây, phải nói thêm về tính cách người tiêu dùng EU. Tôi và gia đình thường có thói quen giống nhiều người Việt khác là đánh đồng chất lượng với sự bền, đẹp của món hàng hay sự thơm ngon, hợp khẩu vị. Đó cũng là lý do các doanh nghiệp Việt Nam thường tập trung bài toán cạnh tranh bằng giá bán và độ bền, mẫu mã bắt mắt hoặc đơn giản như “thơm ngon” trước các yếu tố khác.
Tuy nhiên, châu Âu lại là một thị trường nổi tiếng về độ khó tính. Người tiêu dùng EU có khả năng mua sắm và hiểu biết cao nên đòi hỏi sự an toàn rất cao, ít khi đánh đổi tiêu chí an toàn với độ bền và giá rẻ. Tâm lý đặc trưng khác của giới tiêu dùng trẻ ở EU là thích tiện lợi. Họ hoặc vào siêu thị lớn cần gì có nấy hoặc mua sắm online, với dịch vụ giao hàng nhanh lẹ, trừ với sản phẩm cao cấp họ mới vào cửa hàng riêng để mua. Vì vậy, muốn bán hàng sang EU, doanh nghiệp phải thương lượng đưa được hàng vào hệ thống phân phối lớn.
Hàng hóa muốn được lưu thông tại thị trường châu Âu phải tuân thủ bộ Quy chuẩn châu Âu (CE). Hàng hóa thực phẩm và dệt may không phải tuân theo bộ quy chuẩn này nhưng phải chịu sự điều chỉnh bởi các quy định của Cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu (EFSA) hoặc bộ quy định dệt may (ví dụ quy định 1007/2011).
Vì lẽ đó, độ vênh trong chất lượng hàng hóa giữa nhà sản xuất Việt Nam và liên minh châu Âu đã khiến cho hàng hóa Việt Nam ít có cơ hội xuất hiện tại thị trường lớn thứ hai thế giới. Một người họ hàng của tôi có công ty thực phẩm sản xuất cà pháo, mắm tôm, tôm chua, củ kiệu bán khá tốt ở Việt Nam. Nhưng nhiều lần ông thử mà không thể đưa hàng sang EU vì gặp khó về quy chuẩn. Đây là tình thế chung của nhiều doanh nghiệp Việt Nam.
Hiệp định này giúp hàng hóa Việt Nam được xuất phát đồng hành với hàng hóa nhiều nước khác cũng chạy đua vào EU chứ không đưa hàng Việt vượt lên trước các đối thủ đầy kinh nghiệm như Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản. Nó không phải là chiếc đũa thần để hàng hóa Việt Nam nằm trên kệ siêu thị EU nếu không có sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Nhà nước bên cạnh việc sửa các luật quan trọng liên quan đến hoạt động sản xuất cần có biện pháp để thúc ép các nhà sản xuất nội địa làm ra sản phẩm thỏa mãn các quy chuẩn của các thị trường khó tính như EU.
Sẽ không thừa nếu cả nhà nước và doanh nghiệp Việt học hỏi người láng giềng Trung Quốc. Cho dù người Trung Quốc có sử dụng bộ quy chuẩn còn tranh cãi China Export (cũng viết tắt là CE, một cách dễ gây nhầm lẫn với bộ quy chuẩn châu Âu) thì vẫn phải thừa nhận rằng, ngày càng nhiều nhà sản xuất Trung Quốc đáp ứng được thị trường này.
Chính phủ cũng cần ban hành các chính sách pháp lý cân bằng hơn giữa xuất khẩu tiểu ngạch và chính ngạch. Tỷ lệ xuất khẩu tiểu ngạch của Việt Nam khá lớn vì thuận lợi nên các doanh nghiệp rất ưa hình thức này. Điều này càng khiến doanh nghiệp phụ thuộc thị trường láng giềng Trung Quốc cũng như đánh mất “bản năng săn mồi” với các thị trường khác như EU, Nhật Bản. Các chiến dịch giải cứu nông sản đã chứng minh sự phụ thuộc đó trong khi chúng tôi vẫn phải chấp nhận mua vải thiều Madagascar hay dứa Ecuador ở trời Âu.
Song song đó, cần nhớ Hiệp định sẽ giúp “đầu tư của EU vào Việt Nam tăng trưởng vượt bậc” như lời bà Cecilia, Cao ủy châu Âu. Tức các doanh nghiệp EU có thể đầu tư vào sản xuất tại Việt Nam và đem hàng về châu Âu bán, cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp Việt dễ hơn. Nếu mỗi doanh nghiệp tự đánh mất “bản năng săn mồi” của mình bằng cách hài lòng với thị trường đã có thì việc nhà nước giúp họ được bình đẳng trước vạch xuất phát ở thị trường châu Âu là điều vô nghĩa.
Theo: Võ Nhật Vinh (VnExpress)