Trang chủ » Từ tầm nhìn đến chiến lược và chính sách
Từ tầm nhìn đến chiến lược và chính sách
Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược
Từ khóa
Ngày đăng
Tác giả
admin
Chia sẻ
Nội dung
Từ tầm nhìn đến chiến lược và chính sách
Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược
Từ khóa
Ngày đăng
Tác giả
admin
Chia sẻ
Xác định được tầm nhìn là một công việc khó đối với mọi tổ chức, nhưng xây dựng được chiến lược và chính sách đúng đắn để hiện thực hoá tầm nhìn còn khó hơn rất nhiều. Dưới đây, các chuyên gia của Viện Lãnh đạo Chiến lược (SLEADER) cung cấp một góc nhìn thực tiễn về việc kết nối giữa tầm nhìn với chiến lược, giữa chiến lược với chính sách. Mối liên kết này là chuỗi quyết định nhất quán và cũng là thách thức to lớn đối với các nhà lãnh đạo.
Tầm nhìn (Vision) – một hình ảnh rõ ràng về tương lai cần hướng đến
Điều đầu tiên các nhà lãnh đạo đứng đầu cần làm để đưa tổ chức đi đúng hướng là xác định tầm nhìn, hay nói cách khác là xác lập hình ảnh của tổ chức đó trong tương lai. Tầm nhìn trả lời câu hỏi: Chúng ta muốn đi đâu và sẽ như thế nào trong 5, 10 năm hoặc xa hơn nữa? Tầm nhìn thể hiện mong muốn và khát vọng lớn lao của lãnh đạo. Viễn cảnh tương lai phải tạo được cảm hứng, khát vọng và mang tính thách thức đối với cấp dưới. Không những thế, tầm nhìn cần phải được thể hiện một cách rõ ràng để mọi người trong tổ chức đều hiểu được và có niềm tin mãnh liệt vào điều đó.
Chẳng hạn, nhà lãnh đạo của Singapore, cố thủ tướng Lý Quang Diệu đã đưa ra tầm nhìn cho Singapore ngay từ khi thành lập nước (1965), đó là: trở thành quốc gia thuộc thế giới thứ nhất. Khát vọng của Ông Lý Quang Diệu là đưa Singapore, thời điểm đó thuộc thế giới thứ ba (đang phát triển) trở thành quốc gia thuộc thế giới thứ nhất (đã phát triển). Chính vì vậy, sau này (1999), Ông đã đặt tên cho tập 2 cuốn Hồi ký của mình là: Từ thế giới thứ ba vươn lên thứ nhất.
Chiến lược (Strategy) – con đường và cách thức để hiện thực hoá tầm nhìn
Sau khi xác lập được tầm nhìn, nhà lãnh đạo phải có một chiến lược khôn ngoan để có thể đạt được tầm nhìn lớn lao với những nguồn lực hạn chế. Đây chính là sự vi diệu của chiến lược vì nó hoá giải được mâu thuẫn giữa mong muốn (vốn rất cao) và nguồn lực (vốn bị hạn chế). Quay trở lại ví dụ về Singapore, chúng ta có thể thấy, ông Lý Quang Diệu đã tìm ra chiến lược khôn ngoan với mục tiêu chiến lược là trở thành đảo quốc xanh, sạch, đẹp và giải pháp chiến lược là làm ngược (khác biệt hoá). Ông diễn đạt chiến lược này một cách sinh động và dễ hiểu, đó là ở các quốc gia văn minh người ta xây công viên trong thành phố còn Singapore sẽ xây thành phố trong công viên. Chính nhờ chiến lược sáng tạo mà độc đáo này mà Singapore hàng năm thu hút khoảng 15 triệu khách du lịch quốc tế đến với đảo quốc sư tử và đem lại nguồn thu rất lớn cho đất nước, hơn nữa, góp phần tạo ra nguồn lực để phát triển mạnh mẽ.
Chính sách (Policy) – đưa chiến lược vào thực tiễn hành động
Xác định được tầm nhìn và lựa chọn chiến lược khôn ngoan cũng chưa đảm bảo sự thành công, vì nếu không có hành động trong thực tiễn thì cả tầm nhìn và chiến lược cũng chỉ là những tuyên bố trên giấy hoặc nằm trong hồ sơ lưu trữ mà thôi. Để khuyến khích các hành động hướng theo chiến lược thì cần phải có hệ thống chính sách mang tính thực tiễn, tạo động lực thực sự cho những người thực thi chiến lược.
Đối với Singapore, ông Lý Quang Diệu đã thi hành những chính sách trong đó tập trung vào việc tạo điều kiện tốt nhất cho công chức để họ phát huy hết năng lực cá nhân và làm việc hết lòng vì mục tiêu chung cũng như tầm nhìn và chiến lược đã được vạch ra. Việc đầu tiên ông Lý đã làm khi trở thành thủ tướng là lắp đặt máy điều hoà nhiệt độ vào tất cả các công sở của Singapore. Quyết định này, theo lời ông, được coi là chìa khoá để đảm bảo Chính phủ làm việc hiệu quả. Bên cạnh đó, ông cũng đưa ra chính sách trả lương cao cho công chức. Trong bối cảnh mà ngân sách của Singapore không có do mới tách ra khỏi Liên bang Malaysia, mức sống của người dân rất thấp, điều hoà là thứ rất đắt đỏ và xa xỉ ngay cả với các quốc gia giàu có lúc đó, thì việc đưa ra những chính sách này cho thấy đây là quyết định mang tính đột phá và đòi hỏi bản lĩnh của người lãnh đạo.
Một chính sách khác thể hiện tầm nhìn và sự quyết đoán của ông Lý Quang Diệu là chính sách song ngữ. Mặc dù 80% người dân Singapore, trong đó có ông Lý là người gốc Hoa, nhưng tiếng Anh đã được chọn là ngôn ngữ chung của nước Cộng hoà Singapore. Chính sách này đã vấp phải sự phản đối của đa số người dân lúc đó, đặc biệt là cộng đồng người nói tiếng Hoa, nhưng ông Lý đã kiên quyết thi hành.
Những câu chuyện về đất nước Singapore cho thấy, xác lập được tầm nhìn và tìm ra chiến lược là một công việc đầy khó khăn đối với mọi tổ chức, thế nhưng lựa chọn chính sách còn gian nan hơn rất nhiều vì liên quan đến lợi ích trực tiếp hiện có và các thói quen về tư duy và hành động đã ăn sâu từ quá khứ.
Giữ vững tầm nhìn và chiến lược nhưng linh hoạt về chính sách
Tóm lại, đối với tầm nhìn, chiến lược và chính sách, các nhà lãnh đạo cần phải có chút gì đó vừa mềm dẻo vừa cứng rắn. Hãy giữ vững khát vọng, tầm nhìn. Mặc dù trong quá trình thực thi chính sách không hề dễ dàng, đừng để những thay đổi của ngoại cảnh đánh gục. Tầm nhìn phải là một mỏ neo vững chắc để có thể níu giữ được mọi thứ còn lại với nhau.
Chiến lược phải được thực hiện dài hạn cần kiên trì và không nên thay đổi. Trong trường hợp phải thay đổi do những biến đổi lớn lao của nội và ngoại cảnh, các nhà lãnh đạo cần phải cân nhắc kỹ lưỡng và chỉ nên thay đổi chiến lược khi đã có phương án thay thế. Ngược lại, chính sách phải linh hoạt và thay đổi để thích ứng, nếu chính sách nào đó không còn hiệu quả thì tốt nhất là nên điều chỉnh và tìm kiếm một chính sách mới phù hợp hơn.
Nguồn: VIỆN LÃNH ĐẠO CHIẾN LƯỢC (SLEADER)