Thế kỉ 21 với những sự kiện phức hợp và khó đoán định: từ vụ khủng bố ngày 11/9 tại Mỹ đến cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và gần đây nhất là dịch bệnh SARS Covid 2, đã khiến cho các nhà quản trị gặp nhiều khó khăn trong việc điều hành và xác định hướng đi của tổ chức. Mặc dù, trước đó, Giáo sư Fredmund Malik đã cho rằng, sẽ có “Cuộc chuyển đổi vĩ đại” trong thế kỉ 21, nhưng khi điều đó xảy ra cả thế giới vẫn đón nhận một cách  bị động và bất ngờ.

Cuộc Đại chuyển đổi – sự thay đổi sâu sắc nhờ đổi mới (Nguồn: Fredmund Malik, Quản lý hiệu quả trong một thế giới Đại chuyển đổi, NXB Thanh Niên, 2017)
Cuộc Đại chuyển đổi – sự thay đổi sâu sắc nhờ đổi mới
(Nguồn: Fredmund Malik, Quản lý hiệu quả trong một thế giới Đại chuyển đổi, NXB Thanh Niên, 2017)

Khi quá trình đại chuyển đổi xảy ra, những “cái hiện tại” được thay thế bởi những “cái mới”. Thế kỉ 21 đang chứng kiến kỷ nguyên của Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 với đặc trưng là sự cải tiến công nghệ một cách nhanh chóng thông qua việc tăng cường sử dụng truyền thông di động, kết nối Internet, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ robot, công nghệ đám mây. Fredmund Malik miêu tả quá trình đại chuyển đổi này giống như việc một con sâu bướm biến thành một con bướm. Quá trình này sẽ rất đau đớn và con sâu bướm sẽ phải chết để con bướm được sống. Nói cách khác, đây là “một quá trình thoát thai đau đớn” của một Thế giới mới. Thế giới mới với những quy luật, trật tự mới sẽ được khai sinh nhờ vào nguồn gốc của thế giới cũ.

Một đặc điểm của quá trình đại chuyển đổi là tính phức hợp ngày càng cao. Tính phức hợp được hiểu là sự đa dạng và tương tác mang tính hệ thống, khó đoán định và không theo quy luật nhất định. Tính phức hợp thúc đẩy các chủ thể của sự việc liên kết với nhau một cách có hệ thống và chặt chẽ. Nếu không quản trị tốt sự phức hợp, sẽ dễ dẫn đến sự căng thẳng và sụp đổ của cả hệ thống. Ví dụ như dịch bệnh Covid 19 là một sự phức hợp vì nó là căn nguyên của cuộc khủng hoảng không chỉ về lĩnh vực y tế mà còn là kinh tế, xã hội ở hầu hết mọi quốc gia trên thế giới. Một cuộc suy thoái toàn cầu với những tác động mạnh mẽ hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 là điều đã được nhiều tổ chức kinh tế dự báo. Tuy nhiên, tính phức hợp cũng có thể thúc đẩy sự sáng tạo, đem lại những cơ hội mới và định hướng mới cho sự phát triển của xã hội. Cũng trong đại dịch Covid 19, thương mại điện tử đang lên ngôi và các doanh nghiệp cần phải đón đầu xu thế này để có thể sống sót qua cuộc đại chuyển đổi trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Để có thể làm chủ sự phức hợp, các doanh nghiệp cần phải quản trị hiệu quả. Một trong các mô hình quản trị hiệu quả được Giáo sư Fredmund Malik, thuộc Viện Malik Thụy Sĩ phát kiến và đưa vào áp dụng cho hơn 1.000 doanh nghiệp và tổ chức trên thế giới là mô hình Đồng hợp. Đồng hợp giúp quản trị sự phức hợp hiệu quả bằng việc tạo ra những thay đổi toàn diện một cách nhanh chóng và mạnh mẽ. Những thay đổi này sẽ giúp doanh nghiệp vận hành thông minh hơn và có khả năng thích ứng nhanh với cuộc đại chuyển đổi.

Như ở Hình 1 đã chỉ ra, con đường màu xanh là con đường của sự phát triển tối ưu trong tương lai, đến với thế giới mới; còn màu đỏ thể hiện con đường của sự phát triển hiện tại. Giữa hai con đường chính là vùng ra quyết định trọng yếu, nơi doanh nghiệp và tổ chức bắt buộc phải có những bước chuyển lớn và nhanh chóng để có thể vận hành hiệu quả trong Thế giới mới. Đây chính là thách thức lớn của các tổ chức, khi họ cần phải tạo ra sự thay đổi, nhưng lại đối mặt với sự hoài nghi và không chắc chắn.

Trong một cuộc khảo sát gần đây với  lãnh đạo của các công ty về  “Sự chuyển đổi vĩ đại của thế kỉ 21”, họ đều nhận định rằng các phương pháp truyền thống không còn hiệu quả trong việc đưa ra quyết định để đón đầu thách thức. Trong thế giới của sự phức hợp với sự liên kết chặt chẽ toàn cầu, các phương pháp truyền thống bao gồm làm việc nhóm, workshop, hội thảo, hội nghị cấp cao sẽ không thể mang lại một sự thay đổi đáng kể và nhanh chóng cho tổ chức. Các hình thức này giới hạn số người có thể làm việc cùng lúc, hạn chế việc chia sẻ kiến thức và tận dụng trí tuệ tập thể. Vì vậy, cần có một phương pháp mới để đối mặt với những thách thức mới, đó là Đồng hợp.

Tên gọi Đồng hợp (Syntegration®) bắt nguồn từ việc kết hợp của cụm từ Đồng bộ (Synergy) và Tích hợp (Integration). Đó là sự Đồng bộ và tích Hợp về trí tuệ và năng lực cảm xúc của các lãnh đạo và nhân viên. Đồng hợp là kết quả nghiên cứu độc quyền từ Viện Malik, Thụy Sĩ trên các lĩnh vực từ Khoa học hệ thống, Điều khiển học, Sinh Kỹ thuật, Lý thuyết về Giao tiếp và thông tin, Lý thuyết về sự liên kết được mô phỏng bằng Hình học. Nhờ việc ứng dụng của nhiều lĩnh vực khoa học, phương pháp Đồng hợp đã vượt qua khỏi những công cụ thông thường trong Quản trị doanh nghiệp, tổ chức. Đồng hợp Malik giúp tối ưu hóa các cuộc họp và thảo luận, phát huy tối đa trí tuệ tập thể, tạo ra sự đồng thuận cao nhằm giải quyết những vấn đề phức tạp của tất cả các tổ chức một cách toàn diện và nhanh chóng. Phương pháp này đã được thử nghiệm và kiểm chứng hơn 1.000 lần ở các tổ chức thuộc mọi lĩnh vực của xã hội, có thể kể đến như Tập đoàn Airbus, Tập đoàn BMW, thành phố Zurich (Thụy Sĩ).

Tóm lại, việc ứng dụng phương pháp Đồng hợp đã chứng minh được tính vượt trội khi giúp các tổ chức thích ứng một cách hiệu quả với các thách thức lớn và đi trên con đường màu xanh của sự phát triển tối ưu trong thế giới mới.

Nguồn: Viện Lãnh đạo Chiến lược (Sleader) nghiên cứu và tổng hợp