Tác giả: Patrick Turchi

Chuyển đổi số hiện là một trong số những chủ đề kinh doanh nóng nhất (thậm chí có thể là chủ đề “nóng nhất”) trong các hội nghị bàn tròn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, các yếu tố quan trọng của chuyển đổi số vẫn chưa được vạch ra rõ ràng. Do đó, phạm vi cần can thiệp trong môi trường doanh nghiệp khi thực hiện chuyển đổi số vẫn khó có thể xác định.

Theo Alessandro Braga (CIO của Talent Garden), chuyển đổi số có sáu trụ cột (mà ông gọi là \’trục\’): 3 trục từ nội bộ công ty (con người, quy trình và công nghệ) và 3 trục từ bên ngoài (khách hàng, mối quan hệ và sản phẩm/dịch vụ).

Trong một nghiên cứu khác của Peter Weill và Stephanie L. Woerner (Chủ tịch và nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Hệ thống Thông tin tại Trường MIT Sloan), mức độ sẵn sàng cho chuyển đổi số của các tập đoàn có thể được đánh giá từ hai khía cạnh kinh doanh: trải nghiệm khách hàng và hiệu quả vận hành.

Về tổng thể, chuyển đổi số thực tế là một phương thức kinh doanh mới và một cách tiếp cận mới về các mô hình doanh nghiệp.

Như nhận định của George Westerman: “Khi nói đến chuyển đổi số, trọng tâm không nằm ở “số nằm ở chuyển đổi.”

  1. Mô hình kim tự tháp chuyển đổi số

Mô hình “Kim tự tháp chuyển đổi số” được xây dựng nhằm giúp hiểu rõ về tác động của công nghệ và kỹ thuật số đối với các hoạt động kinh doanh.

Theo đó, có 3 cấp độ mà chuyển đổi số cần được tiếp cận trong doanh nghiệp là Chiến lược; Thực thi; Công nghệ.

Một chương trình chuyển đổi số hiệu quả phải bao gồm ít nhất 02 trong 03 cấp độ – và về lâu dài, lý tưởng nhất phải bao gồm cả 03 cấp độ.

Ví dụ: Nếu không được thực thi theo phương thức tiếp cận thị trường mới thì một mô hình kinh doanh ‘số’ sẽ chỉ là một bài tập lý thuyết thuần túy và có thể sẽ chỉ được duy trì ở cấp độ hội đồng quản trị mà không thể thay đổi cách thức doanh nghiệp vận hành. Mặt khác, việc triển khai một hệ thống CNTT mới (chẳng hạn như ERP hoặc CRM) hay xây dựng một kênh thương mại điện tử độc lập sẽ không phải là một sáng kiến chuyển đổi số nếu đây không phải là một phần của quá trình chuyển đổi mô hình hoạt động tổng thể hoặc một phần của phương thức tiếp cận thị trường mới.

  1. Các cấu phần của Kim tự tháp chuyển đổi số

Mô hình Kim tự tháp chuyển đổi số bao gồm 05 cấu phần:

  • Mô hình kinh doanh/Chiến lược kinh doanh
  • Mô hình hoạt động
  • Các hoạt động tác nghiệp
  • Phương thức tiếp cận thị trường
  • Công nghệ

Tầng 1: Chiến lược (Mô hình kinh doanh)

Ở vai trò một nhà tư vấn chiến lược, tầm quan trọng của chiến lược trong các quy trình chuyển đổi số có được đề cao tới đâu cũng là không đủ. Cần nhấn mạnh rằng, không có cái gì gọi là chiến lược số, chỉ có chiến lược kinh doanh trong môi trường số mà thôi.

Khi xây dựng chiến lược kinh doanh trong môi trường số, các doanh nghiệp phải đánh giá các cơ hội và tác động, cũng như các thách thức tiềm ẩn của những mô hình kinh doanh được công nghệ hỗ trợ (hay còn gọi là mô hình kinh doanh số), chẳng hạn như:

  • Mô hình kinh doanh Flatform và Marketplace
  • Sự phát triển của mô hình sở hữu (với sự chuyển đổi từ quyền sở hữu sang quyền truy cập, thông qua các mô hình trả tiền cho mỗi lần sử dụng)
  • Các dịch vụ giá trị gia tăng thông qua công nghệ kỹ thuật số
  • Sản phẩm (và dịch vụ) dựa trên dữ liệu

Tầng 2: Thực thi

Chúng ta chưa biết Ngài Winston Churchill có thực sự đã nói “Dù chiến lược có đẹp đến đâu, đôi khi bạn cũng nên nhìn vào kết quả” hay không, nhưng luận điểm ở đây đã rất rõ ràng: thực thi là chìa khóa để chuyển đổi doanh nghiệp và các chương trình chuyển đổi số cũng không ngoại lệ.

Trên thực tế, việc thực thi sẽ luôn đi theo hai hướng: hướng vào trong công ty và hướng ra ngoài công ty (tới thị trường hiện có, hoặc những thị trường mà công ty sẵn sàng phục vụ).

Có 03 cấu phần trong “thực thi”:

  • Mô hình hoạt động của công ty
  • Mô hình hoạt động của hệ thống tác nghiệp
  • Phương thức tiếp cận thị trường

Ở cấp độ này, điều quan trọng cần lưu ý là chiến lược cuối cùng phải được hiện thực hóa thông qua các yếu tố căn bản nhất của một công ty:

  • Sản phẩmKhách hàng: xác định được thứ doanh nghiệp có thể cung cấp (xét đến các yếu tố chính như giá bán, kênh phân phối, phương thức tiếp thị và truyền thông, tuyên bố giá trị các sản phẩm có công nghệ hỗ trợ, v.v.).
  • Tổ chức, Quy trìnhCông cụ: phác họa cấu trúc của công ty và cách thức hoạt động của công ty thông qua mô hình hoạt động
  • Hoạt động tác nghiệp: xác lập cách thức công ty tạo ra những sản phẩm (và dịch vụ) đã sẵn sàng để tung ra thị trường.

Tất nhiên, đây là các cấu phần tiêu chuẩn để thực thi chiến lược và không chỉ phù hợp với bối cảnh của chuyển đổi số. Tuy nhiên, trong bối cảnh này, cần có một cách tiếp cận cụ thể thông qua việc đánh giá tác động của kỹ thuật số và công nghệ lên từng cấu phần. Ví dụ: “sản phẩm” của nền tảng dùng chung ô tô như Uber sẽ là gì? Đó là dịch vụ được cung cấp, điểm đến cuối cùng, cơ hội tiếp cận xe, hay thời gian di chuyển cần thiết, v.v.? Và nên nhớ rằng, chính định nghĩa về “sản phẩm” này sẽ ảnh hưởng đến việc định nghĩa về giá, giá trị được cung cấp, sản phẩm cốt lõi được cung cấp, v.v.

Tầng 3: Công nghệ

Công nghệ không phải là cốt lõi của chuyển đổi số nhưng lại thực sự là yếu tố hỗ trợ cho chuyển đổi số. Công nghệ phục vụ (và hỗ trợ) việc thực hiện mục tiêu kinh doanh và mục tiêu chiến lược thông qua các cấu phần \’thực thi\’. Công nghệ là yếu tố thúc đẩy sự phát triển của mô hình hoạt động, của các hoạt động tác nghiệp (với cách tiếp cận của nền Công nghiệp 4.0) và hiện thực hóa phương thức tiếp cận thị trường.

Mặt khác, công nghệ cũng là động lực cho những thay đổi ở từng cấp độ của kim tự tháp. Khả năng xác định tác động của công nghệ lên từng cấp độ chính là một năng lực chiến lược quan trọng của doanh nghiệp. Quan trọng là phải nhận diện được những thay đổi trên thị trường được công nghệ thúc đẩy để từ đó có những phản ứng chiến lược tương ứng (hoặc có thể dự liệu được những bước đi chiến lược chính xác).

Điều quan trọng nhất trên hành trình chuyển đổi số là con người.

Chuyển đổi số là một hành trình, không phải là đích đến”

Cũng như mọi hoạt động chiến lược khác trong lĩnh vực doanh nghiệp, các sáng kiến chuyển đổi số cần được xem xét và đánh giá liên tục. Việc công ty chấp nhận các công nghệ mới, quy trình mới và hình thức tổ chức mới là một khía cạnh quan trọng đòi hỏi phải theo dõi liên tục và điều chỉnh kịp thời (nếu cần). Và tất nhiên, như trong bất kỳ chương trình chuyển đổi doanh nghiệp nào khác, quản lý sự thay đổi là cần thiết để hiện thực hóa các sáng kiến. Vì vậy, chuyển đổi số liên quan đến con người nhiều hơn là công nghệ. Sự cởi mở (và sự quan tâm) một cách thực sự đối với công nghệ và đổi mới trong tổ chức (và đặc biệt là trong ban lãnh đạo cấp cao) là yếu tố quyết định để sáng kiến chuyển đổi số thành công.

Các bộ phận phụ trách mảng công nghệ sở hữu kiến thức và bí quyết công nghệ. Tuy nhiên, hiểu đúng về ý nghĩa (và lợi ích) của công nghệ liên quan đến mỗi chức năng của công ty là chìa khóa đảm bảo sự thành công của các sáng kiến chuyển đổi số.


Nguồn: Patrick Turchi (2018), The Digital Transformation Pyramid: A Business-driven Approach for Corporate Initiatives, The Digital Transformation People, <The Digital Transformation Pyramid: A Business-driven Approach for Corporate Initiatives – The Digital Transformation People> trích dẫn ngày 04/07/2023