“Nhân vô thập toàn”, con người ai cũng có điểm yếu. Tuy nhiên, có người đạt được kết quả vượt trội trong công việc, có người thì không. Vậy, lý do của sự khác biệt này là gì?

Để dễ hình dung, chúng ta hãy bắt đầu từ lĩnh vực bóng đá, nơi mà kết quả có thể nhìn thấy một cách khá rõ ràng. Manchester United (MU) dưới thời Sir Alex Ferguson là một đội bóng giàu thành tích nhất nước Anh, thậm chí cả châu Âu. Trong suốt 20 năm làm huấn luyện viên trưởng MU, Alex Ferguson đã chứng tỏ năng lực quản lý hiệu quả của mình, hơn thế nữa, ông còn được Đại học Havard mời sang trao đổi kinh nghiệm quản lý cho các học viên MBA của trường Kinh doanh Havard (HBS). Sở dĩ MU có thể duy trì thành tích cao và ổn định như vậy là do các cầu thủ chủ chốt của đội bóng đã phát huy được sở trường và không tìm cách khắc phục điểm yếu của mình.

Lấy ví dụ, cầu thủ mang áo số 7 là David Beckham. Cầu thủ này có điểm yếu là thể lực và khả năng va chạm trong tranh chấp bóng. Tuy nhiên Beckham đã không tìm cách khắc phục điểm yếu mà thay vào đó, cầu thủ này tập trung rèn luyện 2 kỹ năng sở trường, đó là, sút phạt và chuyền bóng cho đồng đội. Chính vì vậy, Beckham luôn có mặt trong đội hình chính, luôn nổi bật và có công rất lớn trong những thành tích của MU.

Tương tự, trong lĩnh vực kinh doanh, Sony của Nhật Bản đã trở thành một thương hiệu toàn cầu, bởi hai đồng sáng lập đã biết được điểm yếu của mình và hợp tác với nhau để thành công. Akio Morita không giỏi kỹ thuật, Masaru Ibuka không giỏi marketing và bán hàng. Vì vậy, Akio Morita đã đảm trách phần bán hàng, thậm chí năm 1953 ông còn đưa cả gia đình sang Mỹ để đẩy mạnh xâm nhập thị trường Hoa Kỳ; Masaru Ibuka phụ trách phần kỹ thuật và chế tạo, đã cho ra đời các sản phẩm tiên phong: đài bán dẫn, Walman…

Ở mỗi cá nhân, điểm mạnh thường khó nhận ra, điểm yếu thì luôn “lộ thiên”. Do vậy, về mặt tâm lý, người ta thường che dấu điểm yếu hoặc khắc phục điểm yếu. Che dấu điểm yếu  thường sẽ dẫn đến hỏng việc, còn khắc phục điểm yếu thì sẽ dẫn đến sự tiến bộ nhưng chỉ là so với thành tích trước đó của bản thân cá nhân đó chứ không phải so với tiêu chuẩn cao mà công việc đòi hỏi. Tuy nhiên, cả hai cách làm này đều sai lầm xét trên góc độ quản lý.

Đối với tổ chức, trong các báo cáo tổng kết hàng năm, các thông tin về những điểm hạn chế hay  yếu kém luôn được nhấn mạnh, cùng với đó là việc phân tích nguyên nhân và đưa ra các biện pháp khắc phục. Đây cũng là sai lầm cố hữu nhưng ít ai để ý, thậm chí còn trở thành thông lệ.

Giáo sư F. Malik là người đã chỉ ra một cách tường tận sai lầm của các nhà quản lý trong điều hành tổ chức, trong đó có việc khắc phục điểm yếu của cá nhân, thậm chí ông còn cho rằng, bắt các nhân viên khắc phục điểm yếu là một việc làm phi nhân tính.

Các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp có thể tìm hiểu thêm về các nội dung nói trên trong cuốn sách “Quản lý: Những điều cốt lõi” của Giáo sư F. Malik.

Bài viết: Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược (Sleader)