Tư duy hệ thống chính là chìa khóa để các doanh nghiệp Việt Nam bắt kịp xu hướng của thế giới, vượt qua những thách thức, tận dụng được các cơ hội trong một thế giới chuyển đổi mạnh mẽ như hiện nay. Xã hội toàn cầu đang trải qua những biển đổi lớn trong lịch sử, những cuộc khủng  hoảng có kiểm soát và có hệ thống, từ đó mở ra thời đại Thế giới mới, tại đó mọi thứ đều thay đổi cách thức vận hành. 

Tổng quan về tư duy hệ thống

Trải qua hàng triệu năm, thế giới ngày càng phát triển và thay đổi thành một hệ thống phức hợp. Chúng ta đang sống trong môi trường bao bọc bởi các hệ thống và là một phần của hệ thống. Tuy nhiên, hầu hết những phương pháp nghiên cứu và giải quyết các vấn đề phức hợp hiện nay đều mang tính tình thế và không hệ thống.

Vì vậy, các vấn đề nảy sinh liên tục mà không được giải quyết một cách thỏa đáng từ việc bảo vệ môi trường tới quy hoạch thành phố. Từ đó chỉ ra rằng, xã hội nên từ bỏ cách tư duy chỉ nghĩ tới các biện pháp “đối phó tình huống”, thay vào đó tiếp cận phương pháp tư duy mới – tư duy hệ thống (system thinking) để mang lại kết quả lâu bền.

 So sánh Tư duy tuyến tính và Tư duy hệ thống
So sánh Tư duy tuyến tính và Tư duy hệ thống

Tư duy hệ thống (system thinking) có cách tiếp cận hoàn toàn khác biệt với tư duy tuyến tính truyền thống. Thay vì chẻ nhỏ các vấn đề thành từng phần riêng biệt, nghiên cứu riêng rẽ và từ đó rút ra kết luận; tư duy hệ thống đặt sự việc, hiện tượng trong mối quan hệ tương quan lẫn nhau và mở rộng góc nhìn. Cốt lõi chính là nhìn nhận vấn đề, hiện tượng như một tổng thể, một hệ thống.

Đặc trưng của tư duy hệ thống giúp ích cho chúng ta trong hầu hết các tình huống khó giải quyết: những vấn đề bao gồm các yếu tố phức tạp, những vấn đề phụ thuộc rất nhiều vào quá khứ hay hành động của các yếu tố khác và những hành động bắt nguồn từ sự phối hợp không hiệu quả giữa những yếu tố cấu phần.                  

Các đặc điểm của tư duy hệ thống

Tư duy hệ thống như một viễn cảnh: Biến cố, hình mẫu, hay hệ thống?

Tư duy hệ thống là một viễn cảnh vì nó giúp chúng ta thấy các biến cố và hình mẫu trong cuộc một cách rõ ràng và đáp ứng lại chúng theo cách mang tính đòn bẩy cao. Nói cách khác là chúng ta thường chỉ tập trung giải quyết vấn đề thay vì tìm hiểu nguyên nhân và cách phòng tránh.

Tư duy hệ thống giúp chúng ta tìm ra cốt lõi của vấn đề từ đó hạn chế những sự việc tương tự trong tương lai. Đòn bẩy thực sự trong hầu hết các tình huống nằm ở việc hiểu được sự phức tạp ở động cơ chứ không phải ở chi tiết.

Tư duy hệ thống như một ngôn ngữ đặc biệt

Tư duy hệ thống có đặc điểm như vậy vì nó giúp ta trao đổi với mọi người về hệ thống xung quanh và chính bản thân mình. Nó nhấn mạnh vào cái toàn thể hơn là các bộ phận, và nhấn mạnh vào vai trò của mối tương hỗ. Bên cạnh đó, nó nhấn mạnh tới vòng phản hồi (chẳng hạn, A dẫn tới B, rồi dẫn tới C, rồi dẫn trở lại A) thay vì mối quan hệ nhân quả tuyến tính (A dẫn tới B, rồi dẫn tới C, rồi dẫn tới D… cứ thế mãi).

Nó chứa thuật ngữ đặc biệt mô tả hành vi hệ thống, như tiến trình củng cố (luồng phản hồi sinh ra sự tăng trưởng hàm mũ hay sự co lại) và tiến trình cân bằng (luồng phản hồi điều khiển thay đổi và giúp cho bệ thống duy trì tính ổn định)

Tư duy hệ thống như một tập các công cụ

Lĩnh vực tư duy hệ thống đã tạo ra số lượng lớn các công cụ để cho bạn mô tả về mặt đồ họa hiểu biết của bạn về cấu trúc và hành vi của hệ thống, trao đổi với người khác, xây dựng và điều khiển hệ thống. Những công cụ này bao gồm cả chu trình nhân quả, đồ thị hành vi theo thời gian, biểu đồ kho và luồng, và nguyên mẫu hệ thống

Kết luận

Tư duy hệ thống có giá trị lớn vì cung cấp bức tranh chính xác hơn về thực tế, tận dụng những nguyên liệu tự nhiên của hệ thống để đạt tới kết quả mong muốn. Bên cạnh đó, cách tư duy mới này rèn luyện chúng ta khả năng nhìn nhận vấn đề và giải pháp bằng góc nhìn rộng và lâu dài; chúng ta nên nhìn toàn bộ rừng cây thay vì chỉ nhìn từng cái cây.

Tư duy hệ thống chính là nền tảng để xây dựng chiến lược, giúp các nhà lãnh đạo mở rộng tầm nhìn, tổ chức và phát triển những chính sách và phương pháp quản trị hiệu quả.

Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo chiến lược tổng hợp từ các nghiên cứu