Đại dịch COVID-19 đã tác động và làm thay đổi người tiêu dùng trên phạm vi toàn cầu: từ quan điểm về giá trị, hành vi, cách thức mua sắm và lựa chọn sản phẩm, dịch vụ. Những thay đổi này chắc chắn đã và sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động của các doanh nghiệp. Trong buổi trao đổi với chương trình Góc nhìn Công thương của VTV2, TS. Dương Thị Thu, Viện trưởng Sleader, đã chia sẻ những suy nghĩ của mình về sự chuyển mình liên tục của môi trường kinh doanh hiện tại và những việc mà các lãnh đạo doanh nghiệp cần thực hiện để nhanh chóng thích ứng với bối cảnh đại dịch COVID.

Xem tóm tắt bài phỏng vấn của TS. Dương Thị Thu trên chương trình Góc nhìn Công thương tại đây.

PV: Theo bà, lãnh đạo doanh nghiệp cần làm để thích ứng với môi trường kinh doanh mới?

Trước hết, có một cụm từ mà tôi muốn các doanh nghiệp nhỏ và vừa lựa chọn làm phương châm hành động sau ba làn sóng dịch COVID-19, đó là CHỦ ĐỘNG CHUYỂN ĐỔI. Đừng mong chờ thế giới cũ quay lại, doanh nghiệp phải nhận ra được đây là cơ hội cho mình và nhanh chóng ra quyết định. Tuy nhiên, việc chuyển đổi phải được thực hiện theo một lộ trình do chính các lãnh đạo doanh nghiệp vạch ra. Điều đáng lưu ý là không được bắt chước nhau, mà phải dựa trên năng lực cốt lõi của mình thì mới có thể tạo dựng được vị thế riêng và duy trì các giá trị lâu dài.

PV: Vậy bà có thể gợi ý các doanh nghiệp cần làm gì để thay đổi?

Trước hết, doanh nghiệp cần phải thích ứng và duy trì hoạt động hiện có để giữ khách hàng và tạo được doanh thu. Sau đó, cần phải xem xét lại chiến lược và mô hình kinh doanh, chuyển dịch nguồn lực và năng lực sang mô hình kinh doanh mới. Doanh nghiệp cần tận dụng các thành tựu của công nghệ 4.0 như: thương mại điện tử, kết nối với hệ sinh thái kinh doanh để bổ trợ và tạo chuỗi cung ứng hiệu quả hơn, sử dụng công cụ thông minh hỗ trợ quản trị. Tiếp theo, doanh nghiệp cần đánh giá, sắp xếp lại nhân sự gắn với mô hình kinh doanh mới, trong đó tập trung vào việc phát huy điểm mạnh của từng thành viên trong tổ chức. Sau cùng, đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa cần chú ý đến các đặc tính tích cực của văn hóa Việt kết hợp với việc ứng dụng các công nghệ chuẩn mực của phương Tây trong quản trị.

PV: Trong bối cảnh mới, bà cho rằng lãnh đạo cần làm gì để nâng cao năng suất lao động?

Trong thời đại mới, khái niệm năng suất lao động cần được hiểu và tiếp cận theo tư duy hệ thống. Có nghĩa là năng suất lao động được xem xét trong mối quan hệ tổng thể với những yếu tố khác trong doanh nghiệp như chiến lược, chất lượng đội ngũ nhân sự, việc phân bổ nguồn lực, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Do đó, để nâng cao năng suất lao động, các lãnh đạo doanh nghiệp cần tập trung vào các nội dung sau đây:

Trước hết, các lãnh đạo doanh nghiệp phải đổi mới tư duy, hành động một cách mạnh mẽ, tránh theo lối mòn cũ, đã không còn phù hợp trong môi trường kinh doanh số và kết nối vạn vật. Tiếp đó, thay đổi mô hình kinh doanh để thích ứng với trạng thái bình thường mới; đồng thời từ bỏ cách thức quản trị truyền thống sang quản trị hiện đại; trong đó sử dụng các công cụ thông minh để hỗ trợ hoạt động quản trị doanh nghiệp. Cuối cùng, chính các nhà lãnh đạo phải biết tối ưu hoá sức mạnh của trí tuệ tập thể bằng cách sử dụng phương pháp Đồng hợp. Phương pháp Đồng hợp vốn được ví như là điện thoại thông minh trong lĩnh vực quản trị, sử dụng phương pháp này sẽ vừa kết hợp được trí tuệ của nhiều người nhưng lại tốn ít thời gian mà vẫn đạt hiệu quả cao.

Tổng hợp: Viện Lãnh đạo Chiến lược (Sleader)