Chiến lược không phải là những gì bạn sẽ làm mà là những gì bạn quyết định không làm trong khi người khác vẫn làm.

Biết từ bỏ để tập trung năng lực cho những gì đem lại hiệu quả

Theo tiếp cận thông thường, chiến lược được hiểu là những gì phải làm trong hiện tại để tạo nên tương lai. Tuy nhiên, có một cách khác để có được chiến lược, đó là bỏ bớt những việc không hiệu quả để tập trung chỉ làm những việc mang lại hiệu quả cao nhất. Đó cũng là khẳng định của Giáo sư. M. Porter thuộc Đại học Havard, Hoa Kỳ. Ông cho rằng, cần phải từ bỏ một số lĩnh vực, ngành nghề để tập trung đầu tư cho những sản phẩm mang lại sự khác biệt và đạt hiệu quả cao. Điều này càng quan trọng hơn khi doanh nghiệp đang ở quy mô nhỏ và vừa hoặc đang trong quá trình khởi nghiệp.

Theo Giáo sư M. Porter, doanh nghiệp cần phải biết “đánh đổi”, từ bỏ một số lợi ích nhỏ. Thay vì làm dàn trải, chúng ta cần tập trung sức lực chăm sóc đối tượng khách hàng mục tiêu. Đây chính là sự đánh đổi mang tính chiến lược để doanh nghiệp trở nên “độc nhất vô nhị” trên thị trường. Doanh nghiệp cũng cần biết sự khác biệt giữa những gì thực sự rất quan trọng và những gì không quan trọng; giữa những điều không bao giờ thay đổi và những điều nên để ngỏ cho sự thay đổi; giữa những gì “cam kết thực hiện” và “chính thức thực hiện”.

Đồng quan điểm với GS. M. Porter, GS. Trương Nguyện Thành (Đại học Utah, Hoa Kỳ và Đại học Văn Lang, Việt Nam) khuyến nghị rằng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nên từ bỏ cám dỗ theo đuổi chiến lược đa dạng hóa vì ba giới hạn liên quan đến: (1) nguồn vốn; (2) nguồn nhân lực; (3) cơ sở vật chất.

Tương tự, GS. Fredmund Malik, Viện Malik, Thụy Sỹ cũng khuyên các nhà quản trị cần tập trung vào một số việc, không nên phân tán lực lượng. Theo Ông, môi trường kinh doanh ngày càng phức hợp, liên đới và đan xen, vì vậy chúng ta cần phải đối phó với nhiều thách thức khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta không thể thành công trong nhiều lĩnh vực khác nhau cùng một lúc. Biết lược bớt là điều rất quan trọng.

Bỏ qua điểm yếu để khai thác điểm mạnh một cách triệt để

Khi xây dựng chiến lược, chúng ta luôn phải xem xét những điểm yếu hiện có của doanh nghiệp, thậm chí có thể có những trường hợp mà việc loại bỏ các điểm yếu rất quan trọng để thành công. Tuy nhiên, trên thực tế, thành công đến từ việc sử dụng và khai thác một thế mạnh cụ thể mà doanh nghiệp hiện đang có, không phải là thế mạnh mà công ty dự định xây dựng trong tương lai trong vòng 5 – 10 năm. Trong kinh doanh không ai có nhiều thời gian như vậy.

Điểm yếu thì ai dũng dễ nhận ra vì nó thường gây hỏng việc, vì thế từ tổ chức cho đến cá nhân đều muốn khắc phục điểm yếu. Tuy nhiên, việc khắc phục điểm yếu sẽ tốn nhiều thời gian và nguồn lực, nhưng ngay cả khi điểm yếu được loại bỏ thì doanh nghiệp cũng chỉ đạt đến kết quả trung bình, trong khi mục tiêu của chiến lược là nhằm vào kết quả vượt trội.  Điều này có nghĩa là, chỉ loại bỏ các điểm yếu không đủ để mang lại thành công hoặc tạo nền tảng cho thành công. Khi xây dựng chiến lược, chúng ta trước tiên và chủ yếu phải tập trung vào việc xác định điểm mạnh. Nhưng xác định điểm mạnh thực sự của doanh nghiệp luôn là việc khó, đòi hỏi phải có khả năng nhìn sâu vào bên trong cũng như chọn lựa hệ quy chiếu đúng đắn từ bên ngoài. Giáo sư F. Malik nhấn mạnh rằng, khám phá thế mạnh của một tổ chức có giá trị giống với bất kỳ khoản tư vấn nào và công việc ưu tiên của Ông trong lĩnh vực tư vấn là giúp các công ty và tổ chức tìm ra điểm mạnh của họ.

Nói tóm lại, về nguyên tắc, các công ty vừa và nhỏ nên tập trung vào những gì được coi là thế mạnh, tránh xa việc đa dạng hóa. Điều này không có nghĩa là doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể thực hiện đa dạng hóa. Tuy nhiên, sẽ là rất khó khăn và rủi ro để một công ty thực hiện đa dạng hoá khi họ thiếu 2 điều kiện tiên quyết quan trọng, đó là vốn và năng lực quản lý.

Quản lý: Những điều cốt lõi (2021), Giải mã Chiến lược Đông Tây (2020)