TS. Dương Thị Thu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược.

Trong lịch sử của dân tộc, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi là những chiến lược gia kiệt xuất mà tư tưởng được thể hiện qua các tác phẩm: Binh thư yếu lược và Bình Ngô sách. Rất tiếc là cả hai tác phẩm đều đã bị thất truyền qua các biến cố lịch sử, dù vậy, những tư tưởng chiến lược của hai vị anh hùng dân tộc đều được lưu truyền, bằng cách này hay cách khác, cho đến tận ngày nay và trở thành niềm tự hào của dân tộc.

“Dĩ đoản chế trường”; “Khoan thư sức dân để làm kế sâu bền gốc, đó là thượng sách để giữ nước”. Bằng tài năng và trải nghiệm qua ba lần tham gia kháng chiến chống quân Nguyên Mông, trong đó lần thứ hai và thứ ba ở cương vị Quốc công tiết chế (Tổng chỉ huy quân đội), Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã đúc kết được những tư tưởng chiến lược mang đặc sắc Việt Nam, đóng góp cho sự hình thành học thuyết quân sự của đất nước mà sau này, cố Thượng tướng Hoàng Minh Thảo đã đề cập trong tác phẩm: Tổ tiên ta đánh giặc.

Trong “ Bình Ngô đại cáo” Nguyễn Trãi đã viết:

“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”

Nguyễn Trãi đã nhìn xa hơn mục tiêu của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, không chỉ là đánh đuổi quân xâm lược mà phải đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Mục đích “yên dân, trừ bạo” là sứ mệnh của những người khởi nghĩa. Nhờ có sứ mệnh đúng đắn đó mà Nghĩa quân đã nhận được sự ủng hộ của nhân dân, góp sức để cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi. Có thể nói, Bình Ngô đại cáo, ngoài việc bố cáo về chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, còn thể hiện một tư duy chiến lược, tính khoa học và sáng tạo trong vạch chiến lược và thực thi và giám sát chiến lược.

Bình Ngô đại cáo đi từ sứ mệnh, mục tiêu đến phân tích cơ hội, thách thức cùng điểm mạnh, điểm yếu của nghĩa quân Lam Sơn, từ đó đi đến giải pháp chiến lược tối ưu: mưu phạt tâm công. Quá trình thực hiện chiến lược đã được triển khai với các chiến thuật khôn ngoan và linh hoạt: Lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều. Dùng cả yếu tố tâm linh trong thu phục nhân tâm (chi tiết Rùa thần cho Lê Lợi mượn kiếm…), dùng đòn tâm lý để chia rẽ hàng ngũ địch (viết thư cho các tướng giặc…).

Khâu kiểm soát chiến lược cũng đã được thực hiện sát sao, thể hiện ở việc Nghĩa quân đã điều chỉnh chiến lược, từ chỗ quét sạch quân xâm lược đến vì nền thái bình muôn thủa: “Âu cũng là mưu kế kỳ diệu và việc hiếm thấy xưa nay”. Nguyễn Trãi đã sáng tạo, vượt ra ngoài khuôn khổ của các nguyên lý quân sự và kinh nghiệm thực tiễn đương thời để hiến kế cho Lê Lợi thả quân giặc về nước kèm theo là thuyền, ngựa và lương thực để chúng:

“…Ra đến bể mà hồn bay, phách lạc;

…Về đến nước mà tim đập chân run”.

Tác phẩm Bình Ngô đại cáo đã diễn tả một quy trình khoa học về quản trị chiến lược. Gần bảy trăm năm sau, khoa học quản trị chiến lược mới được phổ biến rộng rãi ở phương Tây với những công cụ và quy trình hiện đại đã được Nguyễn Trãi sử dụng từ thế kỷ 15.

Sự đặc sắc trong tư duy chiến lược của Nguyễn Trãi còn được thể hiện trong câu: “Âu cũng là nhờ trời đất, tổ tông khôn thiêng ngầm giúp mới được như vậy”.

Khoa học quản trị chiến lược của phương Tây không có điều này !