Triển khai chiến lược là giai đoạn đóng vai trò quyết định đối với thành công của quản trị chiến lược. Bởi vì, lĩnh hội được tầm nhìn và sứ mệnh là chưa đủ, nhà lãnh đạo hiệu quả là phải cụ thể hóa những ý đồ chiến lược bằng những bước đi và hành động cụ thể. Hơn nữa, trên thực tế, các bước đi và hành động trong triển khai mới phản ánh chiến lược thực sự mà một doanh nghiệp đang theo đuổi. Chính vì vậy, cần phải nắm vững được các mô hình và nguyên tắc thực thi chiến lược để có thể triển khai chiến lược thành công là hết sức cần thiết. Dưới đây, xin giới thiệu sáu nguyên tắc giúp cho doanh nghiệp xây dựng mô hình thực thi chiến lược hiệu quả.

Mặc dù có vẻ đơn giản nhưng trên thực tế, cả nghệ thuật lựa chọn chiến lược lẫn những nỗ lực biến sự lựa chọn ấy trở thành tác động kinh doanh thường gặp thất bại. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng hơn 70% chiến lược không đạt được mục tiêu đề ra. Những chiến lược này thực sự gây thất vọng và hơn thế, điều đó có vẻ như khá dễ dự đoán. Vậy tại sao chúng ta không thể cải thiện những kết quả không mấy ấn tượng này? Tại sao các doanh nghiệp cứ liên tục rơi vào cùng một cái bẫy? Câu trả lời không hề đơn giản và có nhiều nguyên nhân khác nhau cản trở triển khai chiến lược thành công.

Xác định mô hình triển khai chiến lược.

Để triển khai chiến lược thành công, các doanh nghiệp/tổ chức cần phải xác định chính xác khả năng của mình cũng như lựa chọn hệ thống quản lý phù hợp. Về cơ bản, mỗi doanh nghiệp/tổ chức đều cần có một mô hình thực hiện chiến lược riêng. Khi nói tới xây dựng mô hình, một loại hình sẽ không thể nào phù hợp với tất cả. Tuy nhiên, sáu nguyên tắc hướng dẫn dựa trên kinh nghiệm và sự nghiên cứu dưới đây sẽ đóng vai trò như một điểm khởi đầu vững chắc. Sáu nguyên tắc này bổ sung cho nhau và chúng sẽ giúp xem xét các khía cạnh của việc thực hiện chiến lược ở bất kỳ giai đoạn nào.

  • Nguyên tắc thứ nhất – Định rõ chiến lược

Làm rõ nét các lựa chọn chiến lược, đưa ra một phương án thuyết phục và xây dựng một chương trình để cụ thể hóa các lựa chọn chiến lược cũng như đề ra các mục tiêu về hành vi và tác động kinh doanh.

  • Nguyên tắc thứ hai – Thống nhất sự lãnh đạo

Xây dựng sự thống nhất trong đội ngũ lãnh đạo, quy định rõ ràng về trách nhiệm và hành vi cần có của người lãnh đạo.

  • Nguyên tắc thứ ba – Củng cố sự tham gia

Huy động sự tham gia của các bên thông qua các hoạt động đồng sáng tạo và giao tiếp, đồng thời tôn trọng quan điểm cá nhân và tạo điều kiện cho các phương thức làm việc mới.

  • Nguyên tắc thứ tư – Căn chỉnh sự phân bổ nguồn lực

Phân bổ hợp lý vốn, thời gian và nhân lực, thiết lập hệ thống quản lý để điều phối và điều chỉnh chiến lược cũng như hỗ trợ các sáng kiến chiến lược thông qua quản lý danh mục.

  • Nguyên tắc thứ năm – Đẩy nhanh truyền tải các giá trị

Xây dựng năng lực truyền tải các giá trị cốt lõi cho các nhà quản lý dự án và quản lý tác nghiệp, từ đó tạo điều kiện để thực thi chiến lược thông qua các dự án có tác động lớn với việc trao quyền lãnh đạo cho các nhà quản lý tác nghiệp.

  • Nguyên tắc thứ sáu: Kiên trì theo đuổi mục tiêu chiến lược

Một trong những lí do chính khiến việc thực thi chiến lược thất bại là do thiếu kiên trì theo đuổi mục tiêu chiến lược. Khi bắt đầu hoạt động triển khai chiến lược, lãnh đạo doanh nghiệp cần tin tưởng tuyệt đối vào mục tiêu và con đường đã chọn, tránh việc thay đổi, chạy theo thị trường và xu hướng ngắn hạn để thu lợi nhuận tức thời.

Kết hợp đan xen các nguyên tắc

Thứ nhất, việc xây dựng một mô hình thực hiện chiến lược đúng đắn cũng như xác định khả năng và lựa chọn hệ thống quản lý phù hợp không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Sáu nguyên tắc hướng dẫn và những dẫn chứng bổ sung đã cho chúng ta thấy rằng, không tồn tại thứ gọi là giải pháp hoàn hảo để thực hiện chiến lược. Do vậy, để hoàn thành mục tiêu chiến lược cần rất nhiều sự nỗ lực, tân tâm và kiên trì từ người đứng đầu.

Mặt khác, những ý tưởng cốt lõi của các nguyên tắc nêu trên thực sự là lẽ thường và đều dựa trên các thực tiễn quản lý nổi tiếng. Điều quan trọng là phải xem xét sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các yếu tố cũng như cần phải xây dựng một cách tiếp cận tích hợp.

Cuối cùng, không kém phần quan trọng, chúng ta phải luôn nhớ đặt con người làm trung tâm khi triển khai chiến lược. Làm được điều này, các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội thành công.

Nguồn: SLEADER tổng hợp