Trang chủ » Chuyển đổi số trong doanh nghiệp: Nếu không tiến hóa, sẽ bị đào thải
Chuyển đổi số trong doanh nghiệp: Nếu không tiến hóa, sẽ bị đào thải
Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược
Từ khóa
Tác giả
admin
Chia sẻ
Chuyển đổi số trong doanh nghiệp: Nếu không tiến hóa, sẽ bị đào thải
Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược
Từ khóa
Ngày đăng
Tác giả
admin
Chia sẻ
Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng cho phép doanh nghiệp bỏ qua từng bước phát triển theo truyền thống để tạo ra các bước đột phá.
Những “sinh vật digital”
Là chủ một doanh nghiệp lớn tiên phong áp dụng chuyển đổi số trong mô hình kinh doanh truyền thống, ông Lê Trí Thông, CEO Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho rằng, nếu xem môi trường kinh doanh như một hệ sinh thái, thì sự thay đổi đang hình thành nên những sinh vật mới, tạo ra các “sinh vật digital”, là các công ty sinh ra đã có “gen digital” ngay từ đầu.
Thừa nhận rằng, PNJ không có gen này, ông Thông nói: “Chúng tôi xem chuyển đổi số như một sự tiến hóa từ tế bào tạo thành DNA rồi chuyển khắp cơ thể. Nhưng quá trình tiến hóa cũng chứng kiến nhiều đau đớn, thậm chí là con người không đáp ứng được. Nếu chúng tôi không tiến hóa, thì khi môi trường thay đổi, sẽ có sự đào thải và chọn lọc”.
Thách thức của PNJ là không chỉ thay đổi mô hình kinh doanh, mà còn là thay đổi văn hóa, tư duy từ chính bên trong. Để chuyển đổi, PNJ cần có một độ mở tư duy rất cao. PNJ cũng cần có sự hợp tác với các start-up khởi nghiệp, làm việc với các tổ chức tư vấn. Tuy nhiên, nếu đi quá nhanh, doanh nghiệp sẽ bị sốc, còn nếu quá chậm thì đối thủ sẽ vượt lên.
“Chúng tôi gửi nhân sự đi học, thu hút nhân tài bên ngoài và đặt hàng các công ty khởi nghiệp có năng lực công nghệ. Chúng tôi gọi đó là ‘hấp tinh đại phát’, chứ không thuần túy là nguồn lực bên trong. Để hài hòa bên trong lẫn bên ngoài cũng là một vấn đề cần quan tâm”, ông Thông chia sẻ.
Nói về số hóa trong lĩnh vực tài chính, ông Nguyễn An Nguyên, CEO và là người sáng lập Trusting Social – một nền tảng chấm điểm tín dụng hỗ trợ nền tài chính toàn diện cho rằng, ngân hàng là một trong những ngành có khả năng thích ứng cao, nhưng cũng tồn tại nhược điểm là sự quản lý quá chặt, hạ tầng cho chuyển đổi số chưa hoàn thiện.
“Ấn Độ có hạ tầng hỗ trợ cho chuyển đổi số rất tốt. Họ có định danh số, trong 6 – 7 năm, họ định danh được hơn 1 tỷ người. Hệ thống thanh toán quốc gia có chi phí gần như bằng 0, hệ thống chia sẻ dữ liệu có sự đồng ý của người dùng”, ông Nguyên cho biết.
Trong khi đó, Việt Nam vẫn đang phải “vật lộn” với hệ thống định danh, bởi số hóa cần được xây dựng trên hệ thống hạ tầng, mà chấm điểm tín dụng là một phần của hạ tầng đó. “Nhiều ngân hàng hiểu rõ về dữ liệu khách hàng. Trước đây, phải mất vài tuần mới có thể đưa ra quyết định giải ngân cho một khoản vay, trong khi với dữ liệu có sẵn, ngân hàng có thể đưa ra quyết định tức thời. Nhưng để làm được điều này, cần bước nhảy vọt về nhận thức và niềm tin của ngân hàng”, ông Nguyên nói.
Người tiêu dùng đi trước doanh nghiệp
Tại Diễn đàn Kinh doanh 2019 do Forbes Việt Nam tổ chức tại TP.HCM mới đây, ông Bruce Delteil, đối tác điều hành McKinsey&Company cho rằng, có nhiều định nghĩa khác nhau về chuyển đổi số, tùy vào tốc độ ứng dụng công nghệ và lộ trình chuyển đổi của từng quốc gia. Nhưng điểm chung khi nói về khái niệm chuyển đổi là mọi thứ đều bị ảnh hưởng và phải thay đổi.
“Với doanh nghiệp, chuyển đổi nghĩa là thay đổi cách sản xuất và tiếp thị sản phẩm, dịch vụ, cải thiện tốc độ sản xuất và cách làm việc. Chuyển đổi cũng đồng nghĩa với việc tăng tương tác với khách hàng và cung cấp thứ họ thực sự muốn”, ông Bruce Delteil nói.
Cũng theo ông Bruce Delteil, Việt Nam là quốc gia có mức độ sử dụng Internet và điện thoại thông minh ở mức cao, sẵn sàng ứng dụng công nghệ cho quá trình chuyển đổi số. Các doanh nghiệp Việt đang đi đúng hướng và tiếp tục gia tăng mạnh mẽ trên con đường chuyển đổi số.
Còn ông Nguyễn An Nguyên cho rằng, người tiêu dùng đã số hóa từ rất lâu và luôn đi trước một bước so với doanh nghiệp. Trong bối cảnh nhân loại tiến tới số hóa toàn diện, thì số hóa của doanh nghiệp chỉ là cách doanh nghiệp biến đổi để tồn tại trong các không gian khác nhau. Bối cảnh đó tạo ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp, buộc họ phải thay đổi một phần, thậm chí là toàn bộ mô hình kinh doanh.
“Một trong các yếu tố quan trọng trong quá trình chuyển đổi số là chi phí tiếp cận khách hàng thấp hơn, giúp doanh nghiệp có được lượng khách hàng lớn trong một thời điểm với chi phí rẻ hơn. Thay đổi này không chỉ diễn ra ở những doanh nghiệp mới ra đời dưới tác động của công nghệ, mà các doanh nghiệp có lịch sử lâu đời cũng đều phải thích ứng để tồn tại”, ông Nguyên phân tích.
Trong khi đó, theo bà Joan Ziegler, CEO của Sequent – một công ty công nghệ có trụ sở tại Thung lũng Silicon (Mỹ), cũng là doanh nghiệp sinh ra trong bối cảnh tác động của công nghệ, thì chuyển đổi số là một cuộc cách mạng cho phép doanh nghiệp bỏ qua từng bước phát triển theo truyền thống để tạo ra các bước đột phá. “Sự phát triển của công nghệ cho phép doanh nghiệp phát triển không còn phụ thuộc vào những di sản kế thừa trước đó”, bà Joan Ziegler nói.
>>HỘI THẢO QUẢN LÝ HIỆU QUẢ THEO TƯ DUY HỆ THỐNG: MÔ HÌNH VÀ CÔNG CỤ THỰC HÀNH
>>Ứng dụng phương pháp Đồng hợp Malik để xây dựng chiến lược cho GDC Hà Nội