Trang chủ » Tìm lời giải cho tư duy đột phá và phát triển doanh nghiệp bền vững
Tìm lời giải cho tư duy đột phá và phát triển doanh nghiệp bền vững
Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược
Từ khóa
Tác giả
admin
Chia sẻ
Tìm lời giải cho tư duy đột phá và phát triển doanh nghiệp bền vững
Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược
Từ khóa
Ngày đăng
Tác giả
admin
Chia sẻ
Một trong những trăn trở của các doanh nhân trẻ là làm thế nào để vừa có tư duy đột phá vừa có thể phát triển bền vững doanh nghiệp.
Câu lạc bộ (CLB) Doanh nhân Sao đỏ vừa tổ chức Diễn đàn Doanh nhân trẻ- tư duy đột phá và phát triển bền vững.
Thông qua Diễn đàn, các doanh nhân đạt giải Sao đỏ đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong xây dựng và phát triển doanh nghiệp cũng như khả năng liên kết của các doanh nghiệp Việt Nam.
Đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp
Theo bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận(PNJ), để chuyển đổi doanh nghiệp thành “tàu cao tốc” thì phải thay đổi bổ sung những tính năng mới. Doanh nghiệp phải thích hợp với sự thay đổi của khoa học công nghệ để trở thành “con tàu cao tốc”.
Đặt câu hỏi hiện nay các doanh nghiệp quan tâm nhiều đến phát triển bền vững, điều đó mâu thuẫn với tư duy đột phá hay không? Bà Dung lấy dẫn chứng từ hai cuốn sách kinh điển là Từ tốt đến vĩ đại và Xây dựng phát triển trường tồn để nói về phát triển bền vững và tư duy đột phá.
“Trong cuốn sách từ Tốt đến vĩ đại, tác giả nói rằng tốt là kẻ thù của tốt nhất. Tại PNJ, chúng tôi phải tái cấu trúc thường xuyên cho phù hợp với trình độ phát triển của kinh tế mở. Để phát triển bền vững thì phải tạo ra được các giá trị cốt lõi, nền tảng, trong đó, tài sản lớn nhất là con người và văn hoá doanh nghiệp. Qua đó, tạo ra giá trị của niềm tin. Chúng tôi phải thuê tư vấn về chiến lược nước ngoài để đảm bảo chuyển đổi văn hoá doanh nghiệp trên nền tảng digital.”– bà Dung chia sẻ.
Cũng theo bà Dung, hiện nay, nhiều doanh nghiệp lớn nhưng không bền vững vì ngại tái cấu trúc. Nhất là các doanh nghiệp gia đình, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp lúng túng lo ngại chuyển đổi mất đi cấu trúc cũ. Tư tưởng của nhà sáng lập quyết định văn hoá và con đường phát triển của doanh nghiệp. Thực tế, cho thấy 100 doanh nghiệp tái cấu trúc thì chỉ có khoảng 20% thành công. Tại PNJ chúng tôi chấp nhận doanh số, lợi nhuận giảm để tái cấu trúc. Chuyển đổi phải có sự kiên định. Chúng tôi mất gần 1 năm nữa để thực hiện tái cấu trúc. Nhưng trước đó 1 năm chúng tôi đã đào tạo, huấn luyện cho đội ngũ nhân viên phải thay đổi, tái cấu trúc, hiểu được không thay đổi sẽ phải bước ra ngoài cuộc chơi.
Vậy doanh nghiệp nhỏ có cần tái cấu trúc chuyển đổi hay không? Bà Dung khẳng định “Nếu không tái cấu trúc khó đi xa.”
Nói về những khó khăn giai đoạn khởi nghiệp, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT Geleximco, doanh nhân Sao đỏ năm 1999 nhớ lại: “Chúng tôi khởi nghiệp không có các điều kiện thuận lợi như bây giờ. Doanh nghiệp tư nhân được xếp “công dân hạng hai” đi đâu cũng phải xin xỏ không được ưu tiên. Nghĩ về mình nhiều khi tự ti quá. Nhưng “mệnh lệnh” đối với bản thân tôi lúc đó là phải kiếm được nhiều tiền. Đầu tiền là lo tiền mua sữa cho con. Tôi đã phải rời bỏ Hà Nội để vào Sài Gòn để học nghề. Và những doanh nhân đi trước đã khuyên tôi phải làm từng bước, đừng ham làm lớn ngay. Đặc biệt, khi làm ra, phải tư duy bảo vệ thành quả của mình”.
“Môi trường hiện nay đã tốt hơn rất nhiều, nhưng cạnh tranh khốc liệt nên phải bình tĩnh, quan sát, nghiên cứu để tìm ra hướng đi khác biệt cho mình mới thành công. Đãi cát tìm vàng. Cần cù siêng năng chịu khó suy nghĩ và quyết liệt hành động, dám chấp nhận rủi ro là những yếu tố không thể thiếu.”– ông Tiền đưa ra lời khuyên cho các doanh nhân trẻ.
Nói về tái cấu trúc doanh nghiệp, ông Tiền chia sẻ: Tái cấu trúc là một cuộc cách mạng, thay máu, cực khó. Người đứng đầu là rất quan trọng, bản lĩnh ông chủ có dám quyết định hay không. Đồng thời phải tìm được đúng người, người trẻ, giỏi, linh hoạt, nói một hiểu mười. Nhân sự là đầu tiên sau đó đưa công nghệ vào thông qua tư vấn. Phải làm được sản phẩm có hiệu quả rồi mới xây dựng được thương hiệu, văn hoá.
“Khi một tổ chức của mình có nguy cơ phá sản thì thế nào? Các doanh nghiệp của tôi đã trải qua rất nhiều khó khăn. Ví dụ nhà máy giấy An Hoà có thời điểm một năm thua lỗ 900 tỷ đồng. Cuối cùng phải “thay máu” toàn bộ ban lãnh đạo, tìm một lãnh đạo trẻ làm tổng giám đốc. Sau đó doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Cái thực sự cần là phải hành động.”- ông Tiền nói.
Theo ông Tiền, “khi làm quá nhiều thứ, tâm huyết sẽ cho chúng ta một trải nghiệm tư duy nhìn đâu cũng thấy tiền. Vì vậy tuổi này tôi vẫn muốn làm vì không làm thấy phí”.
Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, doanh nhân Sao đỏ năm 2005 cho rằng để doanh nghiệp phát triển bền vững phải đề cao tính học tập, và học tập thường xuyên để có sự chiêm nghiệm giữa thực tế và học hành. Chịu khó đọc sách. Doanh nghiệp muốn thành công cần hội tụ nhiều yếu tố. Nhưng yếu tố tiên quyết dẫn tới thành công là nhờ Teamwork.
Ông Đoàn đặt câu hỏi: Doanh nghiệp thường suy nghĩ có lúc nào cạn kiệt ý tưởng? làm thế nào để tái định vị lại tư duy. “Thế kỷ 21 là thế kỷ của kinh tế chia sẻ. Chia sẻ với đối tác với đội ngũ nhân viên. Tăng tốc mở rộng quy mô thì phải chia sẻ và có chính sách chi sẻ tốt. Đặc biệt, phải nghiên cứu kỹ về quy định của pháp luật. Làm cái gì cũng phải cẩn trọng tới vấn đề pháp lý. Nắm vững quy định pháp luật để tránh rủi ro. Chuẩn bị tốt cho thế hệ thừa kế và có các kịch bản ứng phó với rủi ro”– ông Đoàn nhận định.
“Tái cấu trúc mó không phải là thay đổi hoàn toàn mà là thay đổi từng bước. Nhân sự là quan trọng, người già bảo thủ khó thay đổi nên cần tạo cơ hội cho lớp trẻ. Nhân sự lý tưởng nhất là 80- 20, tức là 80% đào tạo từ dưới lên và 20% là mới. Bởi nếu ngay lập tức cho những người gắn bó nghỉ sẽ ảnh hưởng tới tâm lý của những người ở lại và không tạo động lực cơ hội phát triển cho những người gắn bó với doanh nghiệp. Quan trọng nhất là nên học và ứng dụng từ các mô hình đã thành công.”– ông Đoàn khẳng định.
Liên kết cùng phát triển
Một trong những vấn đề đang được các doanh nghiệp rất quan tâm là khả năng kiên kết giữa các doanh nghiệp lớn của Việt Nam hiện nay.
Ông Vũ Văn Tiền nói vui rằng: Doanh nghiệp nhỏ làm ra tiền, doanh nghiệp lớn nghĩ ra tiền, doanh nghiệp lớn hơn nữa nhìn ra tiền.
“Liên kết phát triển là rất cần thiết, đã đến lúc các doanh nghiệp lớn của Việt Nam phải liên kết với nhau vì cơ hội có, dự án có, môi trường có. Trong khi doanh nghiệp nước ngoài đang rót vốn “ầm ầm” mà chúng ta không liên kết với nhau thì sẽ thua ngay trên sân nhà. Bài học nhãn tiền là trong lĩnh vực phần phối”. – ông Tiền dẫn chứng.
“Ví dụ đường cao tốc Bắc Nam hiện nay chia ra 15 gói thầu thì doanh nghiệp Việt Nam ít nhất cũng phải làm được được 5 gói nếu các doanh nghiệp liên kết được với nhau. Nhưng cũng như trong một gia đình, mỗi người một ý. Vậy, ai làm đại diện và đứng sau là ai? Làm thế nào để tránh xung đột cạnh tranh nhau? Chúng ta phải xây dựng văn hoá hợp tác và xây dựng một ngọn cờ.”- ông Tiền gợi mở.
Nói về hợp tác, liên kết, bà Cao Thị Ngọc Dung nhận định: Yếu nhất trong doanh nghiệp Việt Nam là tính hợp tác. Doanh nghiệp trong ngành nghề khó chơi được với nhau. Khó nhất là cạnh tranh với chính mình nhưng dường như ai cũng ngại chia sẻ, ít có niềm tin với nhau, vì vậy bà Dung rất quan tâm tới văn hoá niềm tin.
“Lý do chúng ta không tin nhau vì thiếu minh bạch. Bây giờ, chúng ta phải thay đổi điều đó, tại sao chúng ta không làm được mà các quốc gia khác làm được. Để tập hợp, chia sẻ với nhau phải trên cơ sở mọi thứ đều minh bạch. Nếu ngồi lại với nhau thì tính kỹ trị phải được đặt lên hàng đầu, mất lòng trước hơn được lòng sau, phân định rõ ràng quyền lợi và trách nhiệm của các bên”. – bà Dung nói.
Theo ông Phạm Đình Đoàn: “Chúng ta không hợp tác, chưa hợp tác được với nhau căn nguyên, bản chất người Việt xuề xoà, dễ tính, hay thay đổi. Khi chúng tôi làm việc với đối tác liên doanh họ rất nghiêm túc. Và cam kết của người đứng đầu bao giờ cũng trên nguyên tác win- win. Nếu không thực sự trao đổi kỹ lưỡng, có cam kết rõ ràng mục tiêu rõ ràng sẽ rất dễ đổ bể trong hợp tác. Liên doanh, liên kết là một bài toán đa lợi ích bởi một cộng một sẽ nhiều hơn hai. Con đường duy nhất để thành công trọng hội nhập là phải liên kết vì vậy tôi mong rằng trong thời gian tới các doanh nhân Sao đỏ sẽ tăng cường hợp tác, liên kết với nhau để bứt phá và phát triển bền vững”.
* Trong ngày 10/8/2019, CLB Doanh nhân Sao đỏ đã ra mắt Ban chấp hành và hội viên CLB doanh nhân Sao Đỏ.
Giải thưởng Sao Đỏ ra đời năm 1999. Ngay lần đầu tiên tổ chức đã nhận được sự ủng hộ của xã hội, đặc biệt là sự hưởng ứng tích cực của giới doanh nhân, doanh nghiệp.
Sự ra đời của Giải thưởng đã góp phần tạo chuyển biến lớn trong nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò của Doanh nhân trẻ Việt Nam, đồng thời khích lệ, động viên giới Doanh nhân trẻ hăng hái thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, xung kích trên mặt trận kinh tế, góp phần tích cực vào sự phát triển của đất nước. Đến nay, đã có 97 thành viên là các Doanh nhân trẻ tiêu biểu được trao tặng Giải thưởng Sao Đỏ qua các năm.
Ông Nguyễn Cảnh Hồng chủ tịch CLB Doanh nhân Sao đỏ cho biết: Trong thời gian tới Câu lạc bộ sẽ có nhiều hoạt động thiết thực, thực hiện tốt tôn chỉ mục đích đề ra đồng thời mong muốn các doanh nhân Sao Đỏ sẽ gắn kết, tạo động lực, truyền lửa, truyền kinh nghiệp thực tế cho thế hệ doanh nhân trẻ Việt Nam.