Trang chủ » Văn hóa yêu thương trong quản trị kinh doanh
Văn hóa yêu thương trong quản trị kinh doanh
Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược
Từ khóa
Ngày đăng
Tác giả
admin
Chia sẻ
Nội dung
Văn hóa yêu thương trong quản trị kinh doanh
Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược
Từ khóa
Ngày đăng
Tác giả
admin
Chia sẻ
Yêu thương không phải là điều xa xỉ mà là nền tảng của những mục đích, mục tiêu vĩ đại và bền vững nhất là trong kinh doanh.
Năm 18 tuổi, sau nhiều năm trải nghiệm cả những thành công và thất bại, Warren Buffett đã lựa chọn cách sống đắc nhân tâm như trong cuốn sách How to Win Friends and Influence People của Dale Carnegie mà ông có duyên biết đến từ năm 12 tuổi.
Đó là cách sống trân trọng con người, khuyến khích và tạo điều kiện để họ phát huy những tiềm năng còn ẩn chứa. Khi con người thành công cũng là lúc người lãnh đạo thực hiện được sứ mệnh quan trọng của “vị trí” lãnh đạo cho sự phát triển bền vững của công ty: phát triển con người.
Thị trường kinh doanh, chứng khoán khốc liệt cũng đã không ít lần nhìn nhận Warren Buffett là “Đức Phật trong kinh doanh” bên cạnh “nhà đầu tư giá trị huyền thoại” vì những đối nhân xử thế đắc nhân tâm của ông cho đội ngũ do ông trực tiếp lãnh đạo hoặc những công ty mà Birkshire & Hathway trực tiếp đầu tư.
Dù mang lại những lợi ích to lớn là vậy nhưng không phải lãnh đạo doanh nghiệp nào cũng bước chân vào và duy trì hành trình đắc nhân tâm để vô sự và tử tế, để luôn tràn đầy nhiệt huyết, niềm tin và sự thấu hiểu trong vô vàn thách thức, sân si, trắc trở của cuộc đời.
Theo bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh, Tổng giám đốc Dale Carnegie Việt Nam, có ba rào cản cốt lõi và quan trọng nhất có thể dẫn đến sự thất bại trong việc ứng dụng đắc nhân tâm vào thực tế của công việc và cuộc sống.
Một là, thiếu sự chân thành khi việc ứng dụng đắc nhân tâm chỉ nhằm mục đích đạt được một kết quả nào đó có lợi cho bản thân. Thuật ngữ mô tả rõ nhất cho rào cản này vẫn được nhắc đến khá nhiều là “lợi dụng/điều khiển người khác làm theo chủ đích của mình nhằm đạt mục đích riêng”.
Ví dụ, nhiều lãnh đạo ứng dụng nguyên tắc “thành thật khen ngợi và cảm kích người khác” với nhân viên vì mong muốn nhân viên yêu thích mình thay vì thật lòng cảm kích họ vì những nỗ lực, đóng góp mà họ đã làm cho công ty, cho đội nhóm.
Hai là, thiếu sự làm gương của lãnh đạo cấp cao, nhân viên muốn sống và làm việc đắc nhân tâm nhưng giá trị của lãnh đạo lại trái ngược hoàn toàn.
Ví dụ, lãnh đạo là người thực tế đến mức thực dụng, chỉ quan tâm đến kết quả và xem con người là công cụ để đạt được kết quả đề ra thì văn hóa đắc nhân tâm sẽ không thể tạo điều kiện. Hoặc lãnh đạo hô hào, cổ súy cho văn hóa đắc nhân tâm nhưng bản thân lãnh đạo lại vô thức hay chủ đích vi phạm những giá trị và hành vi cùng cam kết.
Ba là, thiếu môi trường ứng dụng đồng bộ và đồng lòng. Những nhà quản lý cấp trung trở lên thường gặp phải “bẫy phản kháng” của chính bản thân cũng như từ phía đồng nghiệp, cấp trên và nhân viên trong quá trình nỗ lực ứng dụng những hành vi ứng xử đắc nhân tâm.
Những người chân thành, dũng cảm và quyết liệt sẽ kiên trì vượt qua bẫy phản kháng vài lần đến nhiều lần và dần tạo thành thói quen mới hiệu quả cho những người làm việc cùng. Khi ứng dụng những gì là cốt lõi và thách thức như đắc nhân tâm, một mình một chiến tuyến luôn làm cho con người mất đi động lực và sự quyết tâm.
Cốt lõi của đắc nhân tâm là chiếm được lòng người như đúng tên gọi của cuốn sách “How to win friends and influence people”, đồng nghĩa với khái niệm quản trị thuận lòng người, quản trị bằng yêu thương trong nghệ thuật quản trị kinh doanh.
Yêu thương không hề xa xỉ
Theo bà Linh, yêu thương không phải là điều xa xỉ mà yêu thương là nền tảng của những mục đích, mục tiêu vĩ đại và bền vững.
Với Dale Carnegie, yêu thương đích thực luôn cần mọi lúc mọi nơi, trong mọi bối cảnh hay tình hình kinh tế đa dạng. Yêu thương đích thực tạo nên “vẻ đẹp” của con người và mang lại “số đẹp” cho tổ chức. Tổ chức có thể “yêu thương” thông qua tầm nhìn, hệ thống, chuẩn mực và hành vi ứng xử hàng ngày, và thông qua những con người thật sự biết yêu thương.
Tuy nhiên bà Linh lưu ý, tổ chức “không yêu thương” vẫn có thể thành công, quan trọng là sự phù hợp.
Theo kinh nghiệm của lãnh đạo Dale Carnegie Việt Nam, “yêu thương” phần lớn là tố chất bẩm sinh của con người. Nhưng nếu đi tìm kiếm những con người có tố chất này thì tổ chức sẽ không thể yêu thương nhanh hơn.
“Trong kinh doanh, chúng ta hạn chế sự xa xỉ này bằng cách đặt tên cho văn hóa này ở một cấp độ có thể tiếp cận, chấp nhận, có thể học và nuôi dưỡng được ở nhiều người hơn, đó là sự quan tâm chân thành, công bằng và đôi bên cùng có lợi trong các mối quan hệ. Tổ chức sẽ là tổ chức yêu thương khi người lãnh đạo cấp cao nhất là người biết yêu thương”, bà Linh nói.
Yêu thương là giá trị nền tảng của tình người, của mối quan hệ chân thành, đối bên cùng có lợi nên quản trị yêu thương là một phong cách sống, là một văn hóa được tin và thấm nhuần về triết lý. Tuy nhiên, để triết lý này được lan tỏa và gìn giữ được cốt lõi của nó, công ty luôn cần có hệ thống quản trị, quy trình, công cụ thực tế để có thể đưa văn hóa yêu thương này vào thực tế trong công việc của từng nhân viên.
Ví dụ ở Dale Carnegie Việt Nam, “vô sự và tử tế” là văn hóa yêu thương. Doanh nghiệp này quản trị bằng hệ thống quản trị văn hóa, trong đó xây dựng bộ hành vi cốt lõi đại diện, xây dựng và triển khai các dự án văn hóa ưu tiên theo chiến lược từng năm, và đánh giá nhân sự dựa trên bộ hành vi cốt lõi này.
Dale Carnegie quản trị “tiềm năng yêu thương” của ứng viên bằng các bước phỏng vấn văn hóa, trong đó sự “vô sự và tử tế” cùng những giá trị cốt lõi và nguyên tắc đắc nhân tâm đều được kiểm tra và đánh giá rất kĩ càng.
“Bất cứ ứng viên ứng tuyển cho vị trí nào cũng đều phải qua một lộ trình phỏng vấn 7-10 bước, trong đó ba bước là tập trung phỏng vấn về văn hóa. Và dù ứng viên có giỏi đến đâu mà thất bại trong những vòng phỏng vấn văn hóa thì chúng tôi cũng đành nuối tiếc để không nhận ứng viên đó”, bà Linh cho biết.
Tôn trọng và bảo vệ sự thật cũng là giá trị được Dale Carnegie coi trọng. Những hình ảnh, thông tin trên các kênh truyền thông cũng phản ánh chân thực hoạt động nội bộ của công ty này. Trong mùa dịch Covid-19, toàn bộ nhân sự vẫn miệt mài làm việc, cùng ra những sản phẩm mới, cùng giữ cho nhau được mạnh khỏe an toàn, tất cả đều được làm trong tinh thần vô sự và tử tế vì cả một tập thể.
Bà Linh cũng khẳng định, trong kinh doanh, Dale Carnegie chủ động và quyết liệt lựa chọn làm việc với những đối tác chính trực, tôn trọng đối tác và nhà cung cấp; kiên quyết từ chối những đối tác, khách hàng đi ngược lại với những ứng xử không đắc nhân tâm hay có hành vi lợi dụng thế mạnh của “người khổng lồ” để đạt được lợi ích cho riêng mình.
Biểu hiện của yêu thương trong kinh doanh
Từ một khảo sát Dale Carnegie đã thực hiện trong một hội thảo chia sẻ cùng ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT của Thế Giới Di Động vào tháng 9 năm ngoái, một số cách thức biểu hiện rõ ràng của “yêu thương trong kinh doanh” đã được đúc kết.
Thứ nhất là nghĩ đến, tôn trọng và hành động vì lợi ích của tất cả các bên liên quan như cổ đông, nhân viên, nhà cung cấp, khách hàng, cộng đồng…
Thứ hai là tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mang lại lợi ích bền vững và đích thực cho người sử dụng, góp phần nâng cao tri thức Việt Nam, gìn giữ môi trường sống xanh, sạch lâu dài.
Thứ ba là hết lòng phục vụ khách hàng, luôn trung thực, minh bạch, có đạo đức, giữ chữ tín. Đối với nhân viên luôn đưa ra mục tiêu rõ ràng, chiến lược cụ thể và lãnh đạo bằng tài lẫn tâm.
Thứ tư là cộng tác, giúp đỡ, huấn luyện, đào tạo, đề cao tinh thần làm việc tập thể, cùng nhau đạt mục tiêu chung và cao nhất có thể. Giúp đồng nghiệp, nhân viên tự tin về bản thân, nỗ lực phát triển để thành công trong nghề nghiệp và cống hiến cho mục tiêu chung của tổ chức.
Thứ năm là hy sinh, sẻ chia, đồng cam cộng khổ cùng đồng nghiệp, lan tỏa năng lượng tích cực và niềm hy vọng cho người khác.
Thứ sáu là sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ và thấu hiểu trong công việc/hoạt động kinh doanh. Đặc biệt, lãnh đạo là người yêu thương giúp thức tỉnh thâm tâm của nhân viên, những người sẽ cống hiến, trung thành và làm việc hiệu quả hơn.
Thứ bảy là cạnh tranh lành mạnh, tử tế với đối thủ; quyết liệt, quyết đoán trong hành động.
Thứ tám là đặt tình yêu, đam mê, sự nhân văn vào công việc và hoạt động kinh doanh để phát triển hoạt động này có ý nghĩa cho đồng nghiệp và cộng đồng.
Thứ chín là duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa mọi người với nhau, cách cư xử, đối xử có chuẩn mực, tôn trọng con người, lấy con người làm trọng tâm. Có tình nghĩa, từ những người xa lạ nhưng được gắn kết như những người thân trong một gia đình.
Thứ mười là tin tưởng, đánh giá, động viên và khen thưởng thích đáng người khác. Cảm kích, ghi ơn với mọi người; xem nhân sự là tài sản quý giá của công ty.
Nguồn: TheLeader