Trang chủ / Văn hóa giao thông và tư duy chiến lược
Văn hóa giao thông và tư duy chiến lược
Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược
Từ khóa
Ngày đăng
Tác giả
admin
Chia sẻ
Nội dung
Văn hóa giao thông và tư duy chiến lược
Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược
Từ khóa
Ngày đăng
Tác giả
admin
Chia sẻ
Tư duy chiến lược của các doanh nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng bởi văn hóa khá nhiều. Có một phát hiện thú vị là văn hóa giao thông của người Việt giường như cũng phản ánh tư duy quản trị của các doanh nghiệp Việt Nam.
Từ văn hoá giao thông …
Theo nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa giao thông của Việt Nam ngày nay vẫn mang đậm nét văn hóa sông nước và văn hóa làng xã của người Việt cổ. Việt Nam có địa hình dốc với nhiều sông ngòi và đường bờ biển chạy dài từ Bắc vào Nam, nên giao thông đường thủy từ xa xưa vẫn là phương tiện di chuyển chính khi người Việt muốn đi xa rời khỏi lũy tre làng.
Văn hóa sông nước
Từ những hình ảnh trên trống đồng Ngọc Lũ, đến các vì kèo trên những ngôi đình, chùa ở Việt Nam đều mô phỏng con thuyền và sinh hoạt sông nước của người Việt. Khác với văn hóa phương Bắc lấy xe ngựa là phương tiện chủ yếu, người Việt quen với các phương tiện đường thủy hơn như thuyền, ghe, mủng, mảng, bè. Cách di chuyển trên sông nước đã để lại những dấu ấn đậm nét trong văn hóa giao thông ngày nay của người Việt. Trong giao thông đường thủy, người dân có thói quen là chỉ định hướng và đi theo con nước lên, xuống hoặc lái thuyền theo hướng gió.
Nghĩa là mọi thứ đều đại khái, cứ tiến lên phía trước, chỉ cần lách thuyền tránh đá ngầm, bãi cát là được. Đi trên mặt sông, biển rộng không có ranh giới, người Việt tự do di chuyển nhanh hay chậm, đi sang phải hay sang trái, thoải mái kết bè, kết mảng đi theo dòng nước, chở ít, chở nhiều miễn sao thuyền không chìm là được.
Văn hóa làng xã
Nét đặc trưng thứ 2 của giao thông ở Việt Nam đó là văn hóa làng xã, trong đó đi bộ là cách thức di chuyển chủ yếu trong sinh hoạt thường ngày của người Việt. Cuộc sống của người Việt trước kia chỉ bó hẹp trong lũy tre làng, gắn bó với ruộng đồng, rất ít khi đi xa làng quê của mình.
Nếu có phải đi chợ huyện, đi thăm họ hàng thì họ đi bộ là chủ yếu và để cho quãng đường ngắn lại, họ luôn luôn tìm những con đường ngắn nhất (đường tắt) để đỡ tốn năng lượng nhất mà hiệu quả nhất. Đi đường tắt thì chẳng cần gì đến định hướng mà cứ lối quen để đi. Quen kiểu đường ngang lối tắt, người Việt ra đường rẽ phải hay rẽ trái cũng đều đến được nơi cần đến – chỉ là đường xa hay gần, tiện hay không tiện mà thôi.
Bởi vậy mặc dù giao thông đô thị đã phát triển cả trăm năm nhưng những thói quen như xem bản đồ, đọc biển chỉ dẫn, đi đúng làn đường vẫn là những thứ xa vời với thói quen của người Việt. Khác với phương tiện cơ giới, đi bộ chỉ phụ thuộc vào đôi chân của mình nên người Việt quen tự do, thoải mái, thích dừng ở đâu thì dừng, muốn rẽ chỗ nào thì rẽ.
Do vậy khi tham gia giao thông người Việt ít có ý thức cộng đồng, sẵn sàng vượt đèn đỏ, chen lên vỉa hè để đi hay đi ngược chiều trên đường cao tốc miễn là “tiện”.
Trong khi các phương tiện giao thông và hạ tầng giao thông có thể được cải thiện nhanh chóng nhờ đầu tư vốn và công nghệ thì văn hóa giao thông không dễ dàng như vậy. Việc nâng cấp đường sắt Bắc Nam hay việc xây dựng tầu điện ngầm ở các thành phố như Hà Nội, Hồ Chí Minh bên cạnh những bài toán về đầu tư còn phải giải đáp được những vấn đề liên quan đến văn hóa giao thông. Không phải ngẫu nhiên đường xá càng mở rộng, phương tiện càng hiện đại thì tai nạn giao thông lại càng nhiều. Đó là một câu hỏi lớn đặt ra với nhiều cơ quan, ban, ngành chứ không riêng gì Bộ Giao thông Vận tải.
…đến việc định hướng chiến lược cho doanh nghiệp
Có một phát hiện thú vị là văn hóa giao thông của người Việt dường như cũng phản ánh tư duy quản trị của các doanh nghiệp Việt Nam: cứ đi rồi khắc đến, đi ngang đi tắt và tính liên kết không cao.
Việt Nam có số doanh nghiệp thành lập mới mỗi năm khá cao và tỷ lệ doanh nghiệp ngừng hoạt động cũng không nhỏ. Rất nhiều doanh nghiệp ra đời mà chưa hề xác định đi về đâu và đi như thế nào? Không ít các doanh nghiệp được thành lập là để triển khai một vài mối làm ăn, thực hiện một vài hợp đồng do “mối lái” hay từ kinh nghiệm cá nhân cảm thấy đó là lĩnh vực tiềm năng.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 95% tổng số doanh nghiệp của Việt Nam và rất nhiều trong số họ chưa bao giờ nghiên cứu, đánh giá thị trường, tìm hiểu nhu cầu khách hàng hay xác định cho mình một hướng đi. Thói quen vừa đi vừa đi vừa hỏi đường có thể nói là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp hiện nay.
Vì quy mô nhỏ, định hướng chưa rõ ràng nên đương nhiên doanh nghiệp Việt Nam thích “đi ngang rẽ tắt” hơn là làm một cách bài bản, chuyên nghiệp. Thay vì cần phải có tư duy chiến lược, tầm nhìn dài hạn thì đa số các chủ doanh nghiệp dùng trí khôn ngoan, sự linh hoạt, một trong những phẩm chất luôn được đề cao của người Việt để ứng phó với những vấn đề nảy sinh. Vì luôn phải ứng phó, quản trị các doanh nghiệp Việt luôn là áp lực và mệt mỏi trong khi kinh doanh với các nước phương Tây còn là sự tận hưởng niềm vui và sự sáng tạo.
Cũng như giao thông ngày nay đã không chỉ dừng lại ở liên tỉnh, liên quốc gia mà còn liên kết các châu lục, kinh doanh trong thời đại 4.0 đã vượt xa các mô hình kinh doanh truyền thống, đòi hỏi người kinh doanh phải thay đổi tư duy và phương pháp quản trị. Giao thông trong một đô thị hiện đại sẽ nhanh hơn, tiện nghi hơn nhưng cũng rủi ro hơn, nhiều tai nạn hơn.
Tương tự như vậy, hội nhập mang đến nhiều cơ hội về vốn, về công nghệ, thị trường, nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn những thách thức về cạnh tranh, sản phẩm, nguồn nhân lực và những rủi ro về khủng hoảng kinh tế, chính trị. Con đường bước ra “biển lớn” đòi hỏi mỗi doanh nghiệp cần xác định tầm nhìn và định hướng chiến lược. Đừng để đi rồi mới hỏi đường, vừa mất thời gian tìm đường hoặc buộc phải quay lại vạch xuất phát.
(SLEADER tổng hợp)