Tiếp thu cái mới và gạt bỏ cái cũ

Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược

Từ khóa

Tác giả

Chia sẻ

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

Nội dung

Tiếp thu cái mới và gạt bỏ cái cũ

Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược

Từ khóa

Tác giả

Chia sẻ

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Giáo sư Malik, thách thức lớn nhất trong việc duy trì năng lực chuyên môn hiện nay là kiến thức ngày càng nhanh chóng trở lên lỗi thời. Ông đã đối mặt với vấn đề này ra sao?Giáo sư Malik: Hãy giữ thái độ bình tĩnh, luôn trong tâm thế sẵn sàng học hỏi, cởi mở trước những điều mới và chủ động đón nhận thay đổi. Tuy nhiên, để học hỏi hiệu quả chúng ta không nên chỉ tập trung vào việc bổ sung kiến thức mới.

Để đáp ứng tốt những yêu cầu chuyên môn trong tương lai, điều cốt lõi là cần có một phương pháp học tập hiệu quả. Chỉ khi nắm vững cách học đúng đắn, chúng ta mới có thể ứng phó với tốc độ lỗi thời ngày càng nhanh của tri thức.

Để tránh biến “sức khỏe chuyên môn” thành rào cản, mỗi cá nhân cần trở thành những bậc thầy trong việc học hỏi. Điều này đòi hỏi sự rèn luyện để tiếp thu kiến thức mới nhanh và hiệu quả hơn.

 

Luôn giữ thái độ bình tĩnh, luôn trong tâm thế sẵn sàng học hỏi, cởi mở trước những điều mới và chủ động đón nhận thay đổi.

 

Tại sao ông lại nhấn mạnh điều này đến vậy?

Giáo sư Malik: Vì khả năng học hỏi chính là chìa khóa mở ra tiềm năng cho tương lai, không chỉ ở cấp độ cá nhân mà cả với các tổ chức. Một thực tế đáng lưu ý là phần lớn mọi người, ở bất kể trình độ học vấn nào, đều chưa từng được trang bị kỹ năng học tập đúng cách.

Từ những ngày đầu tiên đi học cho đến khi đạt học vị cao nhất, chúng ta chủ yếu được dạy những nội dung bao gồm các kỹ năng cơ bản như đọc, viết, và tính toán, nhưng lại không được hướng dẫn cách học hiệu quả.

Hơn nữa, tất cả chúng ta gần như đều được giảng dạy theo cùng một phương pháp. Vì vậy, rất ít người nhận ra rằng, khi trưởng thành, mỗi người có một cách học tập riêng, không ai giống ai.

 

Điều này có ý nghĩa gì trong thực tiễn?

Với hơn 40 năm kinh nghiệm đào tạo các nhà quản lý ở nhiều độ tuổi, thuộc nhiều tổ chức và cấp bậc khác nhau, tôi nhận thấy một điều rõ ràng: mỗi cá nhân có cách học riêng, nhưng hầu hết lại không nhận thức được điều này.

Do đó, mỗi cá nhân cần tự khám phá và tìm ra phương pháp học tập phù hợp nhất với bản thân. Học tập hiệu quả không chỉ là tiếp thu kiến thức, mà còn phải biết áp dụng vào thực tiễn và mở rộng khả năng để tiếp nhận thêm những điều mới mẻ.

Điều không kém phần quan trọng là khả năng sẵn sàng loại bỏ những tư duy hoặc cách làm cũ kỹ, không còn phù hợp, khi sự phát triển hoặc bối cảnh mới đòi hỏi điều đó.

 

Ông đang nói đến tầm quan trọng của việc “gạt bỏ cái cũ” phải không?

Giáo sư Malik: Đúng vậy! Để duy trì năng lực chuyên môn, ngoài khả năng học hỏi chúng ta cần rèn luyện kỹ năng loại bỏ những điều đã lỗi thời. Đây không phải là điều tự nhiên mà có –  “gạt bỏ cái cũ” là một kỹ năng cần được học. Nếu không, những điều mới sẽ khó có cơ hội phát triển, bởi cái cũ – vốn đã ăn sâu vào tư duy, trở thành thói quen và phản xạ tự động – cần được gỡ bỏ khỏi tâm trí.

Một nguy cơ khác đối với năng lực chuyên môn là xu hướng bám víu vào những điều đã từng đúng trong quá khứ nhưng nay không còn phù hợp – và thậm chí không nên tiếp tục áp dụng nếu muốn tránh hậu quả xấu.

 

Để duy trì năng lực chuyên môn, ngoài khả năng học hỏi chúng ta cần rèn luyện kỹ năng loại bỏ những điều đã lỗi thời.

 

Giáo sư Malik, liệu “gạt bỏ cái cũ” có đồng nghĩa với việc vứt bỏ hoàn toàn mọi thứ từng được áp dụng không?

Giáo sư Malik: Đây là cách hiểu phổ biến, nhưng thực ra là một quan niệm sai lầm. Không phải mọi kiến thức đều nhanh chóng trở nên lỗi thời. Thực tế, có những người đưa ra tuyên bố kiểu như vậy chỉ để thu hút sự chú ý hoặc làm mình trông quan trọng hơn, nhưng thường là do không hiểu biết đủ sâu sắc về vấn đề đang đề cập.

Điều này cũng dễ nhận thấy trong cách tiếp cận phổ biến về quản lý, nơi các quan điểm thường bị đơn giản hóa và thiếu chiều sâu.

 

Phương pháp tiếp cận của tôi?

Tôi áp dụng một cách tiếp cận được gọi là phương pháp phỏng đoán để phân biệt giữa những gì thực sự lỗi thời và những gì chỉ bị cho là lỗi thời. Phương pháp này rất đơn giản: hãy tự hỏi, “Điều này có thực sự đúng không?”

Ngày nay, chúng ta thường nói nhiều về thuật toán, nhưng lại hiếm khi nhắc đến “người chị em song sinh” của nó – phương pháp phỏng đoán. Nếu thuật toán là những quy tắc chặt chẽ giúp đưa ra kết quả chính xác, thì phương pháp phỏng đoán lại dựa trên kinh nghiệm và trực giác, giúp chúng ta tìm kiếm và giải quyết vấn đề một cách linh hoạt, nhanh chóng.

Vì vậy, khi nghe ai đó tuyên bố về điều gì đó hoàn toàn mới mẻ, mang tính cách mạng, và cho rằng tất cả những thứ khác đã lỗi thời, tôi sẽ áp dụng ngay phương pháp này – một “mẹo học tập” hiệu quả: “Điều đó thực sự đúng chứ?” Sau đó, tôi bắt đầu tìm kiếm và kiểm chứng thông tin một cách cẩn thận thay vì lặp lại những gì đã được nói.

Trong thời đại Internet, việc tìm kiếm thông tin trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, bên cạnh những thông tin chính xác và thực sự giá trị, bạn cũng sẽ gặp không ít thông tin sai lệch, phóng đại và cả những điều vô lý.

Vì thế, để duy trì năng lực chuyên môn, kỹ năng tìm kiếm thông minh dựa trên phương pháp phỏng đoán là một yếu tố không thể thiếu.

 

Trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên, công nghệ và y học, chúng ta đang chứng kiến rất nhiều tiến bộ mới mẻ…

… nhưng điều đó không có nghĩa là mọi kiến thức trước đây đều đã lỗi thời. Hãy nghĩ đến định luật vạn vật hấp dẫn của Isaac Newton, được công bố từ năm 1687. Định luật này vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Chính nhờ nền tảng đó mà khoa học đã đạt được những bước tiến xa hơn rất nhiều so với thời của Newton.

Điều thú vị là, trong lĩnh vực tiên tiến nhất hiện nay – chuyển đổi số và công nghệ thông tin – các nguyên tắc từ những năm 1940 không chỉ vẫn còn giá trị, mà giờ đây mới bắt đầu được ứng dụng nhờ vào sự phát triển của công nghệ hiện đại. Những nền tảng này đã được xây dựng ngay sau Thế chiến II trong lĩnh vực điều khiển học tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) ở Boston, bao gồm: Tầm quan trọng của các vòng lặp kiểm soát, Nguyên tắc phản hồi, Các quy luật phức hợp.

Những nguyên tắc này không hề lỗi thời. Ngược lại, chúng đang được ứng dụng mạnh mẽ hiện nay, và chúng ta thậm chí mới chỉ ở giai đoạn đầu của việc khai thác tiềm năng của các nguyên tắc đó. Tuy nhiên, ngay cả nhiều chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực máy tính cũng chưa thực sự hiểu rõ tầm quan trọng của những nguyên tắc này. Tôi thấy điều này rất rõ khi làm việc với các công ty mà chúng tôi tư vấn về chiến lược an ninh mạng.

Cần nhớ rằng, cái mới không xuất phát từ bản thân công nghệ số, mà từ những gì công nghệ số có thể tạo ra, cụ thể là khả năng kết nối mạng, và chính sự kết nối này dẫn đến sự phức hợp ngày càng cao.

 

Kinh nghiệm là một trong những thành tố lâu đời nhất của tri thức khi xét về khía cạnh tiến hóa. Chúng ta nên xử lý nó như thế nào?

Thiên nhiên đã khéo léo thiết kế: Con người có tuổi thọ hữu hạn, vì thế kinh nghiệm của mỗi cá nhân sẽ mất đi khi qua đời. Thế hệ tiếp theo, những người kế thừa kinh nghiệm đó, có thể sử dụng những kinh nghiệm đó làm nền tảng để sáng tạo, tạo ra những trải nghiệm mới và thậm chí là những sai lầm mới, thay vì lặp lại những sai lầm cũ.

Nguyên tắc tìm kiếm không đơn thuần chỉ là “thử và sai” như nhiều người vẫn nghĩ, mà đúng hơn là “thử, sai, học hỏi từ sai lầm, sau đó tiếp tục thử nghiệm để cải tiến.” Điều quan trọng ở đây là, mỗi nỗ lực mới phải dựa trên những bài học từ sai lầm trước đó chứ không phải bắt đầu lại từ con số không.

Kinh nghiệm, theo cách này, là một quá trình động. Những kinh nghiệm chỉ lặp đi lặp lại chính nó sẽ không thể phát triển, nhưng nếu biết học hỏi từ sai lầm và tiến lên từ đó, kinh nghiệm sẽ nhanh chóng mang lại những kết quả tốt hơn. Thực tế, điều này đã được chứng minh qua các thí nghiệm thực tế.

Những kinh nghiệm được tích lũy thông qua thử nghiệm có chủ đích và loại bỏ sai lầm có giá trị rất lớn. Tuy nhiên, điều này khác biệt với khái niệm “văn hóa sai lầm” thường được nhắc đến hiện nay, bởi văn hóa này thường không phân biệt giữa sai lầm mang tính xây dựng và sai lầm lặp lại vô ích.

 

Giáo sư Malik, liệu việc đạt được và duy trì năng lực chuyên môn có phụ thuộc vào khả năng tự quản lý bản thân hiệu quả không?

Giáo sư Malik: Chính xác, đó là nền tảng quan trọng nhất của năng lực chuyên môn. Để duy trì năng lực này, bạn cần rèn luyện kỹ năng tự quản lý bản thân. Điều này không thể thực hiện nếu thiếu khả năng học hỏiloại bỏ những điều không còn phù hợp.

Việc duy trì sự cân bằng toàn diện về thể chất, cảm xúc, tinh thần và trí tuệ là nhiệm vụ cốt lõi, đóng vai trò nền tảng cho mọi nhiệm vụ khác. Nhưng điều này không hề dễ dàng. Ngoài việc hiểu rõ điểm mạnh của bản thân, để phát triển bền vững, bạn cũng cần thẳng thắn đối mặt và nhận thức rõ những điểm yếu của mình.

Những điểm yếu này không chỉ nằm ở kiến thức hay kỹ năng mà còn thể hiện qua hành vi và cách bạn tự quản lý chính mình. Theo kinh nghiệm của tôi, khi một người gặp vấn đề về năng lực chuyên môn, đó thường là dấu hiệu cho thấy họ chưa quản lý bản thân một cách hiệu quả.

 

Quản lý bản thân hiệu quả là nền tảng để duy trì năng lực chuyên môn.

 

Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo chiến lược biên dịch từ Malik Letter, số 01 tháng 01. 2025.

———————————————-
VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN LÃNH ĐẠO CHIẾN LƯỢC
Con đường đúng, tương lai sáng
🏢Địa chỉ: 266 Lạc Long Quân, Phường Bưởi, Quận Tây Hồ, Hà Nội
🌐Website: sleader.vn
📞Hotline: 0965 965 368 / 0969 753 688 / 024 3201 1519
📱Zalo: Viện Lãnh đạo chiến lược Sleader/ 0969 753 688