Hiệu quả làm việc cá nhân của các nhà quản lý trở nên đặc biệt quan trọng trong thời kỳ đại chuyển đổi. Trong khi một số người dễ dàng cải thiện hiệu quả, nhiều người khác lại gặp khó khăn. Vậy sự khác biệt nằm ở đâu?

Hiệu quả làm việc cá nhân của các nhà quản lý đặc biệt quan trọng trong thời kỳ đại chuyển đổi.

 

Hầu hết sự khác biệt đều xoay quanh hai yếu tố chính:

  1. Hiệu quả làm việc cá nhân
  2. Thái độ bên trong của mỗi cá nhân

Khi xem xét hai yếu tố này, tôi tập trung vào những vấn đề cốt lõi thường gặp khi làm việc với các nhà quản lý.

 

Hiệu quả cá nhân là chìa khóa để quản lý hiệu quả, có một cuộc sống thành công và vượt qua những thử thách trong thời ký đại chuyển đổi của thế kỷ 21. Làm đúng việc và làm đúng cách là định nghĩa cốt lõi của hiệu quả.

 

Hiệu quả là bản chất của công việc quản lý. Điều này có thể không phải là lý do trực tiếp dẫn đến thành công nhưng chắc chắn là nền tảng tạo nên sự thành công đó. Nhiệm vụ của các nhà quản lý là chuyển đổi nguồn lực thành kết quả cụ thể. Những nguồn lực này bao gồm tài năng và thế mạnh, kiến thức và kinh nghiệm của nhà quản lý. Quản lý đồng nghĩa với việc đảm bảo mọi thứ được vận hành trơn tru, bắt đầu từ việc quản lý chính bản thân mình.

 

Trong giai đoạn biến động, việc nâng cao hiệu quả làm việc càng trở nên cần thiết, bởi chúng ta phải bước vào môi trường mới, phải quản lý những điều còn mơ hồ. Những công thức thành công trước đây đã không còn phù hợp, nhiều kinh nghiệm tích luỹ đã trở nên lỗi thời.

 

Hiệu quả hơn không có nghĩa là làm việc nhiều hơn, mà là làm việc thông minh hơn. Không phải tiếp tục lặp lại những thói quen cũ mà là tìm ra cách tiếp cận mới, sáng tạo và hiệu quả hơn. Khi bạn nỗ lực cải thiện bản thân, bạn có thể duy trì sự tiến bộ suốt đời.

 

Nhiệm vụ của các nhà quản lý là chuyển đổi nguồn lực thành kết quả cụ thể.

 

Theo kinh nghiệm của tôi, bất kể ở độ tuổi nào, nếu bạn thực sự nghiêm túc và kỷ luật, bạn có thể tăng hiệu quả làm việc từ 5% – 10% mỗi năm. Điều đó có nghĩa rằng đến năm 40 tuổi, bạn gần như chắc chắn có thể nhân đôi năng suất của mình. Cách bạn tận dụng tiềm năng phát triển này tuỳ thuộc vào sự lựa chọn và định hướng của bạn.

 

Hãy xem việc cải thiện hiệu quả không phải là một “nghĩa vụ” mà là một “cơ hội” và là “điều bạn muốn làm” – được khơi nguồn từ sự tò mò vốn có trong con người, nhưng thường bị lãng quên hoặc không được phát huy đúng mức. Điều này sẽ giúp bạn định hướng lại chính mình. Nếu coi việc cải thiện hiệu quả cá nhân như một nghĩa vụ, bạn sẽ dễ rơi vào lối mòn của những khuôn mẫu cũ, tự đặt mình vào cuộc chiến bất khả thắng.

 

Dù sự chuyển đổi diễn ra theo hướng nào, việc có nguồn dự trữ hiệu suất giúp bạn thích nghi với thay đổi và tìm ra những tiêu chuẩn mới để đạt được hiệu suất mới.

 

Ba yếu tố cốt lõi giúp dần dần nâng cao hiệu quả cá nhân gồm:

  1. Quản lý thời gian hiệu quả
  2. Tận dụng tối đa điểm mạnh cá nhân
  3. Tập trung nghiêm túc vào một vài ưu tiên quan trọng

Tôi khuyến nghị bạn nên dành ra một tuần để ghi nhật ký công việc, khoảng mỗi sáu tháng một lần. Đây là cách giúp bạn tự “kiểm tra sức khỏe” trong công việc, xem mình đang làm những gì, sử dụng thời gian như thế nào và đạt được kết quả ra sao trong khoảng thời gian đó. Thông qua việc này, bạn sẽ dễ dàng nhận ra những điều cần cải thiện và bất ngờ trước lượng thời gian mình lãng phí vào những việc không cần thiết.

 

Quản lý thời gian hiệu quả là yếu tố cốt lõi giúp nâng cao hiệu quả cá nhân.

 

Một nguyên tắc quan trọng là: “Hãy ngừng làm những việc sai lầm!”. Nguyên tắc này sẽ giúp bạn tiến bộ rõ rệt, không bị mắc kẹt theo lối mòn của Thế giới cũ, nơi mà làm nhiều hơn được coi là giải pháp. Thay vào đó, hãy áp dụng cách tiếp cận của Thế giới mới, đó là loại bỏ những điều không còn phù hợp, để nhường chỗ cho những giải pháp mới hiệu quả hơn.

 

Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo chiến lược biên dịch từ Malik Letter, số 48 tháng 11. 2024