Cô chủ tiệm cà phê và thực trạng của đa số người khởi nghiệp

“Quán cà phê một buổi chiều chủ nhật, chỉ có cô chủ và một vị khách duy nhất. Làn sóng thứ 3 của Đại dịch COVID lại vừa tràn tới Hà Nội, làm quán càng thêm vắng. Vị khách thảnh thơi nhấm nháp vị cà phê ngọt lịm đầu năm. Trong không gian vắng vẻ, hai người ngồi trao nhau vài câu chuyện năm mới. Cô chủ quán bộc lộ rằng mình đã mở quán hai tháng rồi, nhưng rất ít khách, nay lại vướng dịch COVID nên càng ít người ghé thăm. Cô đang rất lo về những về những khó khăn của mình và làm sao để trả tiền thuê mặt bằng hàng tháng, thì bất chợt bị giật mình bởi câu hỏi của vị khách:

– Em có biết vì sao người ta thích ngồi quán cà phê không?

Cô hơi căng thẳng; cô ngờ rằng đây là một câu hỏi mẹo, vì “để đi uống cà phê” thì lại là một câu trả lời quá rõ ràng. Vị khách lại hỏi tiếp: “Em có biết cà phê Starbucks không?”. Lần này, cô lắc đầu hẳn. Mới làm ăn chưa lâu, cô ít khi có thời gian thăm thú mà chỉ tập trung được vào quán cà phê nhỏ của mình. Vị khách nói tiếp:

–  Đó là chuỗi cửa hàng cà phê nổi tiếng của Mỹ, cà phê có thể không ngon như cà phê ở đây nhưng rất đông khách, em có biết tại sao không?

“Tại sao nhỉ?” cô nghĩ, trên gương mặt lộ rõ vẻ tò mò. Từ ngày mở quán đến giờ, cô rất chăm chút cho công thức pha chế của mình, khách đến quán cô tuy không nhiều nhưng ai cũng khen đồ uống rất ngon. Vậy quán Starbucks kia làm gì mà lại đông khách đến thế, lại còn là một chuỗi cửa hàng nữa chứ?

– Phải học người Mỹ về khởi nghiệp kinh doanh, để thành công, người sáng lập Starbucks đã tìm hiểu kỹ thị trường để đưa ra cách thức kinh doanh độc đáo. Đến với Starbucks là đến với “ngôi nhà thứ ba” (ngôi nhà thứ nhất là nhà mình, ngôi nhà thứ hai là nơi làm việc).

Vị khách tiếp tục hỏi cô chủ:

– Slogan của cửa hàng em là “Chia sẻ cảm xúc”. Vậy em định chia sẻ cho khách hàng cảm xúc gì?

Vị khách chốt lại, còn cô chủ quán bối rối hoàn toàn.”

Không chỉ có cô chủ quán cà phê trong câu chuyện trên mà ngày càng nhiều các bạn trẻ khác hồ hởi chạy theo tiếng gọi “khởi nghiệp” chỉ sau vài bài viết đọc được trên mạng hay vài cuốn sách dạy làm giàu. Không ít những doanh nghiệp “ăn sổi” như vậy đã đi vào ngõ cụt chỉ trong vài tháng đầu, chỉ vì muốn đi nhanh mà không đầu tư thời gian và công sức vào việc xây dựng một hướng đi đúng đắn. Nói cách khác, họ đang bịt mắt mà gồng sức chạy, vừa nguy hiểm, vừa không biết sẽ đi đến đâu.

Những câu chuyện thành công khi tập trung vào hướng đi

Chuỗi cà phê Starbucks nổi tiếng toàn thế giới, với hơn 31,000 cửa hàng tại gần 80 quốc gia. Quán Starbucks đầu tiên ra đời vào năm 1971 và được Howard Schultz mua lại và bắt đầu mở rộng vào năm 1987. Điều làm cho CEO Howard Schultz yêu mến nơi này và lựa chọn gắn bó với Starbucks không chỉ là hương vị cà phê thơm ngon mà còn là giá trị cốt lõi của Starbucks từ những ngày đầu tiên: Ông muốn biến Starbucks trở thành một nơi thân thuộc như ngôi nhà thứ ba của mỗi khách hàng. Khi trở thành người chủ chính thức của Starbucks, Schultz đã mở rộng thương hiệu này ra toàn thế giới, khiến nó trở thành một cái tên quen thuộc với tất cả mọi người. Chiến lược thương hiệu này được thể hiện ở mọi phương diện của Starbucks: Từ những chỗ ngồi êm ái và thoải mái, nhiều ổ cắm điện tiện lợi cho người làm việc, đến không gian ấm cúng, nhân viên thân thiện gọi bạn bằng tên riêng, phù hợp cho mọi cuộc ghé thăm. Chiến lược này đã biến Starbucks trở thành một trải nghiệm: Người ta không đi uống cà phê, họ đi uống Starbucks.

 

Starbucks thành công trở thành thương hiệu toàn cầu nhờ những chiến lược rõ ràng và quá trình thực thi đồng bộ
Starbucks thành công trở thành thương hiệu toàn cầu nhờ những chiến lược rõ ràng và quá trình thực thi đồng bộ

Một khi đã định hướng rõ ràng con đường đi cho Starbucks, ông luôn quyết tâm giữ vững niềm tin và dẫn dắt đội ngũ đi theo con đường đã chọn. Chỉ mất 2 năm để ông mở ra 46 cửa hàng khắp nước Mỹ, và khoảng 30 năm để đưa con số này lên đến hàng chục nghìn. Trong khoảng thời gian này, Schultz không ngừng tìm hiểu những giống cà phê mới, đầu tư hẳn một đội ngũ nghiên cứu phát triển về cà phê, nâng cấp những phương thức mới để nâng cao trải nghiệm khách hàng, và đặc biệt là đồng bộ hóa chất lượng của cả chuỗi qua những văn hóa doanh nghiệp rõ ràng. Đây cũng là công thức chung để có được thương hiệu nổi bật của rất nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như IKEA, Apple, hay RyanAir.  Đây đều là những ví dụ điển hình trong những bài học về chiến lược, xác định rõ định hướng tương lai, sứ mệnh cũng như giá trị cốt lõi, từ đó đưa những giá trị đó vào mọi phương diện kinh doanh của doanh nghiệp.

Bắt đầu tìm hướng đi từ đâu?

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng đầu tư hàng trăm tỷ vào việc xây dựng thương hiệu toàn thế giới, đặc biệt là trong bối cảnh suy thoái kinh tế như hiện nay. Trong hoàn cảnh này, một nhà hàng Việt tại Châu Âu đã vực dậy với những ý tưởng sáng tạo dựa trên giá trị cốt lõi. Nhà hàng An Nam tại thành phố Uppsala, Thụy Điển, là một nhà hàng đậm chất Việt, với cách bài trí nhà hàng tựa như một góc Hà Nội xưa và thực đơn lấy cảm hứng từ các tác phẩm văn học Việt. Giữa đỉnh điểm dịch bệnh tại Châu Âu, cũng như nhiều doanh nghiệp khác, nhà hàng cũng trải qua một giai đoạn chênh vênh vì doanh thu xuống quá thấp, thậm chí đã đứng trên bờ vực phá sản. Đến tháng 8/2020, nhà hàng bất ngờ trở nên nổi tiếng và trở thành hiện tượng thú vị với ý tưởng mới “Bữa tối yên lặng – Silent dinner”, xuất hiện trên cả các trang tin tức địa phương và quốc tế, và luôn kín chỗ mỗi đêm. Ý tưởng “silent dinner” được nhà văn Nguyễn Tư Phong (chủ nhà hàng An Nam) lấy cảm hứng từ bữa ăn chánh niệm trong đạo Phật. Ông đã kết hợp giá trị đặc sắc từ hai nền văn hóa Đông – Tây bao gồm sự đồng điệu giữa ẩm thực Việt Nam và phong cách ăn uống của người Bắc Âu, nhà hàng đã nhanh chóng vực dậy khỏi số phận chung của đa số doanh nghiệp nhỏ trong thời kỳ COVID này.

Thành công của nhà hàng An Nam tại Thụy Điển nhờ “Silent Dinner” – ý tưởng sáng tạo dựa trên giá trị cốt lõi của nhà hàng
Thành công của nhà hàng An Nam tại Thụy Điển nhờ “Silent Dinner” – ý tưởng sáng tạo dựa trên giá trị cốt lõi của nhà hàng

Nhiều bạn trẻ chỉ đọc những dòng khơi gợi cảm hứng về khởi nghiệp, hăm hở hành động ngay lập tức trước khi đầu tư thời gian, công sức để tìm ra hướng đi và hoạch định chiến lược, để rồi việc khởi sự đi vào ngõ cụt, điển hình như cô chủ quán cafe trong câu chuyện trên. Như vậy thì khác gì cứ hăng hái đi mà không nhìn thấy đường. Những điển hình thành công trong việc đứng vững và vươn xa trong kinh doanh luôn là các doanh nghiệp có sự đầu tư, chú trọng đúng mức vào việc xây dựng và thực thi chiến lược. Khi đã có hướng đi, tốc độ không còn là vấn đề đáng lo ngại nữa.

Để có một cái nhìn tổng quát và toàn diện về chiến lược xây dựng doanh nghiệp, Sleader giới thiệu tới bạn đọc cuốn cẩm nang Giải mã Chiến lược Đông Tây – chìa khóa thành công của mọi doanh nghiệp. Đặt mua ngay hôm nay trực tiếp tại Sleader hoặc qua Tiki.

Nguồn: Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược (Sleader)