Đổi mới sáng tạo sẽ ngày càng trở nên quan trọng hơn trong tương lai. Đổi mới không chỉ là động lực mà còn là hệ quả của “Cuộc đại chuyển đổi thế kỉ 21”. Thậm chí, có thể nói rằng cuộc chuyển đổi mạnh mẽ này chính là đổi mới sáng tạo. Tương lai của hầu hết các tổ chức đều phụ thuộc vào yếu tố này.

Tuy nhiên, một thực tế thường bị bỏ qua là phần lớn các nỗ lực đổi mới đều thất bại. Như nhà văn, nhà thơ nổi tiếng Bertolt Brecht từng nói trong vở kịch Mackie Messer: “Bạn chỉ nhìn thấy những gì ngoài ánh sáng, mà không thể thấy được những gì ẩn sâu trong bóng tối.” Nguyên nhân chính dẫn đến thất bại là nhiều công ty thường lãng mạn hoá đổi mới sáng tạo nhưng lại thiếu cách tiếp cận chuyên nghiệp và hệ thống để biến ý tưởng thành kết quả thực tế.

 

Định nghĩa bởi thị trường

Nhiều nhà quản lý chưa nhận thức đầy đủ về những quan niệm sai lầm và hiểu lầm phổ biến xung quanh đổi mới sáng tạo.

Sai lầm đầu tiên là cho rằng, đổi mới sáng tạo bắt nguồn từ phòng nghiên cứu hoặc bộ phận phát triển. Thực tế, những gì được tạo ra ở đó chỉ là các ý tưởng, kết quả thử nghiệm hoặc nguyên mẫu.

Ngược lại, đổi mới thực sự phải được xác định bởi thị trường. Chỉ khi sản phẩm và dịch vụ đạt được thành công rõ ràng về mặt kinh doanh, chúng ta mới có thể gọi đó là đổi mới. Đây cũng là cách duy nhất để chọn đúng chiến lược, sử dụng hiệu quả thời gian và nguồn lực, dù vẫn tồn tại nhiều yếu tố không chắc chắn.

Câu hỏi cốt lõi không phải là: “Chúng ta đã phát triển, phát minh hay khám phá được điều gì mới mẻ?’” Mà phải là: “Cần làm gì để biến phát minh, khám phá hay phát triển đó thành công trên thị trường?’.

Hiện nay, phần lớn sự chú ý vẫn tập trung vào các công ty khởi nghiệp, điều này hoàn toàn hợp lý và là một phần của “Cuộc Đại chuyển đổi Thế kỷ 21”. Tuy nhiên, các báo cáo về thất bại của các start-up thường rất sơ sài, hoặc thậm chí không được nhắc đến. Thực tế, ước tính có tới 10.000 thất bại mới có được một thành công tại Silicon Valley.

 

Ước tính có tới 10.000 thất bại mới có được một thành công tại Silicon Valley.

 

Không thiếu ý tưởng

Sai lầm thứ hai là cho rằng, sáng tạo đóng vai trò then chốt trong đổi mới sáng tạo. Vì thế, sáng tạo thường được xem là một phẩm chất bắt buộc đối với nhà quản lý, dẫn đến việc nhiều công ty tổ chức các khoá đào tạo hoặc áp dụng các phương pháp nhằm kích thích tư duy sáng tạo.

Người ta thường nghĩ rằng vấn đề chính của đổi mới nằm ở việc thiếu ý tưởng. Nhưng thực tế không phải chúng ta thiếu ý tưởng mà thiếu những ý tưởng được hiện thực hoá. Thậm chí, ngay cả các công ty bị coi là “ít sáng tạo nhất” cũng sở hữu nhiều ý tưởng hơn rất nhiều so với số lượng mà họ thực sự triển khai.

 

Đổi mới là hiện thực hóa

Tạo ra ý tưởng và hiện thực hóa ý tưởng là hai việc hoàn toàn khác nhau. Chỉ khi một ý tưởng được triển khai  và đạt được kết quả rõ ràng, đó mới được coi là đổi mới. Nói cách khác, chỉ những ý tưởng được hiện thực hóa mới mang lại giá trị đổi mới thực sự.

Mặc dù ý tưởng đóng vai trò quan trọng, nhưng trong toàn bộ quy trình, ý tưởng lại là phần đơn giản và tốn ít chi phí và ít quan trọng nhất. Sau khi ý tưởng được hình thành, cần phải phát triển một nguyên mẫu hoạt động hoặc thực hiện các thử nghiệm thực tế, điều này đòi hỏi  rất nhiều thời gian và công sức. Tiếp đến, sản phẩm hoặc dịch vụ phải được đưa vào giai đoạn sản xuất – một bước phức tạp và tốn kém hơn nữa. Cuối cùng là tiếp thị để sản phẩm và dịch vụ tiếp cận thị trường.

Có thể nói, các bước cần triển khai sau khi có ý tưởng đòi hỏi ít nhất gấp mười lần công sức so với việc hình thành ý tưởng ban đầu.

 

Chỉ dành cho doanh nghiệp nhỏ?

Quan niệm sai lầm thứ ba là cho rằng, chỉ các doanh nghiệp nhỏ hoặc start-up mới có khả năng đổi mới sáng tạo. Ngày nay, việc chỉ trích các tập đoàn lớn vì sự cồng kềnh và khen ngợi tính linh hoạt của các công ty nhỏ đang trở thành một xu hướng. Tuy nhiên, trên thực tế, các công ty nhỏ có thể làm được nhiều điều mà các tập đoàn lớn không làm được, đổi mới sáng tạo lại không nằm trong số đó.

Các công ty nhỏ thường sáng tạo hơn, dễ nảy sinh ý tưởng và nhanh chóng phát triển nguyên mẫu. Tuy nhiên, họ thường gặp giới hạn về nguồn lực và năng lực triển khai để đưa ý tưởng đi xa hơn. Thành công của một số ít start-up nổi bật đã vô tình che khuất đi thực tế này.

Hai vấn đề lớn mà các doanh nghiệp nhỏ thường phải đối mặt là: thiếu hụt tài chính và năng lực quản lý hạn chế. Vì vậy, nhiều công ty nhỏ được coi là sáng tạo thực chất chỉ là những mục tiêu hấp dẫn để các tập đoàn lớn thâu tóm. Có thể ví các công ty nhỏ như những “tay chạy nước rút” xuất sắc, nhưng lại không đủ sức để “về đích” trong một cuộc đua đường dài.

Đổi mới hiệu quả giống như một cuộc đua đường dài, đòi hỏi sự bền bỉ và năng lực duy trì ổn định, đặc biệt trong nửa sau của hành trình.

 

Đổi mới không chỉ là công nghệ cao

Quan niệm sai lầm thứ tư là cho rằng, đổi mới sáng tạo luôn gắn liền với công nghệ cao. Tất nhiên, “công nghệ cao” rất quan trọng, nhưng sự say mê và tập trung quá mức vào nó dễ dẫn đến những nhận thức sai lệch.

Trong tương lai, “công nghệ cao” sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong các ngành hóa chất và dược phẩm, nhưng điều này không có nghĩa rằng đổi mới chỉ tồn tại trong những lĩnh vực này.

 

Đổi mới xã hội và quản trị

Sự chú trọng quá mức vào công nghệ đã khiến nhiều người bỏ qua những cơ hội đổi mới trong các lĩnh vực phi công nghệ, nơi rủi ro thấp hơn đáng kể.

Hiện nay, nhu cầu cấp thiết nhất là đổi mới xã hội. Điều này bao gồm việc cải tiến hệ thống giáo dục, cách tổ chức và quản lý, đổi mới trong lãnh đạo, cũng như thay đổi trong cách chúng ta sống hàng ngày để tạo ra những giá trị bền vững hơn.

 

Đổi mới trong cách tổ chức và quản lý là một trong những nhu cầu cấp thiết.

 

Huyền thoại về nhà sáng tạo tài năng

Quan niệm sai lầm thứ năm và cũng phổ biến nhất là cho rằng, đổi mới sáng tạo đòi hỏi một kiểu người đặc biệt: chủ động, sáng tạo, có tinh thần doanh nhân, dám nghĩ dám làm và sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Những người như vậy có tồn tại nhưng rất hiếm. Nếu quan sát kỹ, bạn sẽ thấy rằng hầu hết các “nhà tiên phong” được ca ngợi chỉ trở nên nổi bật nhờ truyền thông hoặc các tiểu sử được tô vẽ.

Phần lớn các nhà đổi mới thực sự chỉ là những người bình thường. Trước khi thành công, họ thường bị xem như những kẻ lập dị hoặc không giống ai. Họ không mang dáng vẻ rực rỡ của một “nhà sáng tạo” điển hình. Nhưng họ có một điểm chung quan trọng: cách làm việc có hệ thống.

 

Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo chiến lược biên dịch từ Malik Letter, số 52 tháng 12. 2024.

———————————————-
VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN LÃNH ĐẠO CHIẾN LƯỢC
Con đường đúng, tương lai sáng
🏢Địa chỉ: 266 Lạc Long Quân, Phường Bưởi, Quận Tây Hồ, Hà Nội
🌐Website: sleader.vn
📞Hotline: 0965 965 368 / 0969 753 688 / 024 3201 1519
📱Zalo: Viện Lãnh đạo chiến lược Sleader/ 0969 753 688