Trang chủ » Doanh nghiệp hóa đơn vị sự nghiệp công lập: Xu thế tất yếu
Doanh nghiệp hóa đơn vị sự nghiệp công lập: Xu thế tất yếu
Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược
Từ khóa
Ngày đăng
Tác giả
admin
Chia sẻ
Nội dung
Doanh nghiệp hóa đơn vị sự nghiệp công lập: Xu thế tất yếu
Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược
Từ khóa
Ngày đăng
Tác giả
admin
Chia sẻ
Doanh nghiệp hóa là gì?
Về mặt học thuật, đây là một khái niệm mới ở Việt Nam. Những khái niệm như công nghiệp hóa, cổ phần hóa, xã hội hóa. đã trở nên quen thuộc nhưng doanh nghiệp hóa thì gần như là chưa có những định nghĩa chính thức. Tuy nhiên, trên thực tế, doanh nghiệp hóa đã được thực hiện khá nhiều ở các lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế, xã hội của đất nước. Ví dụ, áp dụng quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO vào khu vực công, chuyển đổi các tổ chức NGO thành các doanh nghiệp xã hội, phát triển dịch vụ công theo nhu cầu của người dân, chuyển đổi các viện nghiên cứu sang mô hình doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Như vậy, có thể thấy, doanh nghiệp hóa là một xu thế mới và vận động có tính tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế xã hội ở nước ta. Tuy nhiên, nếu điểm lại lịch sử phát triển, chúng ta có thể thấy, nguồn gốc của doanh nghiệp hóa đã được đề cập từ rất sớm. Từ năm 1776, trong tác phẩm: “Nguồn gốc của cải của các dân tộc”, A. Smith đã cho rằng cần phải thúc đẩy chuyên môn và hợp tác để hình thành các tổ chức sản xuất có hiệu quả cao hơn các hình thức tổ chức sản xuất trước đó. Từ đó trở đi, đã có nhiều nhà kinh tế khác đã bổ sung cũng như phát triển luận điểm của A. Smith và có một điểm chung đó là sự thừa nhận doanh nghiệp như là một hình thức tổ chức sản xuất của cải trực tiếp có tính tiên tiến và hiệu quả nhất. Đồng thời, trên thực tế, doanh nghiệp đã khẳng định vai trò chủ chốt trong việc tạo nên sự giàu có của các quốc gia. Vì vậy, ưu tiên thúc đẩy tinh thần doanh nghiệp đã được in đậm dấu ấn ở những quốc gia thịnh vượng. Hàn Quốc là một ví dụ điển hình của quốc gia cất cánh nhờ thúc đẩy tinh thần doanh nghiệp bắt đầu từ thời tổng thống Park Chung Hee: các tên tuổi lớn như Huyndai, Samsung, Daewoo, Posco đã làm nên con rồng Hàn Quốc chỉ sau 20 năm công nghiệp hóa, trong đó chỉ riêng Công ty điện tử Samsung đã đạt doanh thu ngang với GDP của Việt Nam năm 2008. Trong số 10 công ty được đánh giá là tốt nhất thế giới năm 2008 thì có đến 2 công ty của Hàn Quốc. Trong khi Hàn Quốc khuyến khích tinh thần doanh nghiệp để hình thành các tập đoàn lớn thì một quốc gia khác ở châu Âu là Cộng hòa liên bang Đức lại khích lệ và hỗ trợ tinh thần doanh nghiệp của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Đức chiếm tỷ trọng lớn tổng số doanh nghiệp, được coi là xương sống của nền kinh tế và góp phần tạo ra guồng máy xuất khẩu đứng hàng đầu thế giới. Chính vì vậy, với diện tích đất đai và dân số tương đương với Việt Nam, CHLB Đức đã đạt được GDP vào khoảng hơn 3.000 tỷ USD năm 2019.
Tuy nhiên, nếu nhìn nhận doanh nghiệp hóa như là quá trình phát triển doanh nghiệp thì mới chỉ là một khía cạnh biểu hiện dễ nhận thấy nhất, thực chất nội hàm lại nằm ở chỗ, doanh nghiệp hóa chính là tiến trình tư duy và làm việc theo cách của doanh nghiệp. Hay nói cách khác, doanh nghiệp hóa là quá trình ứng dụng tư duy và cách làm của doanh nghiệp vào các hoạt động của các chủ thể trong xã hội. Cụ thể hơn, doanh nghiệp hóa được đánh giá chủ yếu bằng hai tiêu thức: (i) có đối tượng cụ thể sử dụng sản phẩm và dịch vụ do các chủ thể cung cấp (khách hàng); (ii) kết quả hoạt động phải gắn với hiệu quả: chi phí thấp, kết quả cao.
Đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý nhà nước. Để thực hiện tốt được điều này trong cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, các ĐVSNCL phải đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân, doanh nghiệp (khách hàng) cũng như phải sử dụng các nguồn lực được giao một cách hiệu quả. Bởi vì việc cung cấp dịch vụ công sẽ gặp phải với sự cạnh tranh từ các tổ chức khác, không phải chỉ từ khu vực công. Để tồn tại và phát triển được trong môi trường cạnh tranh, các ĐVSNCL phải tìm đến các phương thức hoạt động mới, hiệu quả hơn, đó chính là cách thức hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.
Doanh nghiệp hóa, không phải là biến đơn vị sự nghiệp công lập thành doanh nghiệp, mà là quá trình chuyển hóa các hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập theo tiếp cận của doanh nghiệp. Nói cách khác là việc áp dụng các yếu tố tích cực của doanh nghiệp vào hoạt động của ĐVSNCL. Theo mô hình doanh nghiệp hóa, mỗi ĐVSNCL phải xác định được đối tượng khách hàng mục tiêu và tổ chức quá trình phục vụ một cách hiệu quả với chi phí thấp, kết quả cao.
Vì sao phải doanh nghiệp hóa các đơn vị sự nghiệp công lập?
ĐVSNCL là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý nhà nước trong các lĩnh vực như giáo dục, đào tạo, y tế, nghiên cứu khoa học, văn hóa, thể dục thể thao, du lịch, lao động – thương binh và xã hội, thông tin truyền thông và các lĩnh vực sự nghiệp khác được pháp luật quy định.
Các đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập với mục đích cung cấp dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực nhà nước chịu trách nhiệm cung ứng cho nhân dân hoặc lĩnh vực mà khu vực phi nhà nước không có khả năng đầu tư hoặc không quan tâm để đầu tư. Ví dụ, một số đơn vị sự nghiệp là các viện nghiên cứu, trường học, bệnh viện trực thuộc cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đơn vị sự nghiệp công lập có tư cách pháp nhân, có tài khoản, con dấu riêng, thực hiện chức năng phục vụ quản lý nhà nước hoặc cung cấp sản phẩm, dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực theo quy định của pháp luật. Đơn vị sự nghiệp công lập bao gồm: (1) Đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ hoàn toàn về việc thực hiện các nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự; (2) Đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ hoàn toàn về việc thực hiện các nhiệm vụ, tài chính, tổ chức về bộ máy, nhân sự.
Nghị quyết số 19-NQ/TW nêu rõ quan điểm: “đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu”. Nghị quyết đặt ra yêu cầu nâng cao năng lực quản trị của đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó, định hướng áp dụng mô hình quản trị đối với các đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư như mô hình quản trị doanh nghiệp.
Trong những năm qua, các cấp, các ngành đã tích cực triển khai chủ trương của Đảng về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập với đông đảo đội ngũ trí thức, các nhà khoa học, các nhà giáo dục và các nhà văn hoá đã có đóng góp to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; góp phần thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững, hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới, nâng cao sức khoẻ nhân dân, góp phần bảo đảm bền vững môi trường, công bằng xã hội và hoàn thành cơ bản các mục tiêu Thiên niên kỷ.
Hệ thống cung ứng dịch vụ sự nghiệp công đã hình thành ở hầu hết các địa bàn, lĩnh vực; mạng lưới cơ sở giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao trải rộng đến tận khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó khăn, biên giới, hải đảo trong cả nước. Các đơn vị sự nghiệp công lập giữ vai trò chủ đạo, vị trí then chốt trong cung ứng dịch vụ sự nghiệp công và thực hiện chính sách an sinh xã hội. Hệ thống pháp luật về đơn vị sự nghiệp công từng bước được hoàn thiện. Việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập đã đạt được kết quả bước đầu. Chính sách xã hội hoá cung ứng dịch vụ sự nghiệp công đã góp phần mở rộng mạng lưới, tăng quy mô, số lượng và nâng cao chất lượng các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập.
Tuy nhiên, cách thức tổ chức và hoạt động của các ĐVSNCL vẫn còn nhiều tồn tại, không ít những khó khăn, thách thức phải vượt qua. Nhiều văn bản pháp luật về ĐVSNCL chậm được ban hành hoặc chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung. Công tác đổi mới hệ thống tổ chức các ĐVSNCL còn chậm. Quy hoạch mạng lưới ĐVSNCL chủ yếu còn theo đơn vị hành chính, chưa chú trọng quy hoạch theo ngành, lĩnh vực, đặc điểm vùng miền và nhu cầu thực tế. Hệ thống tổ chức các ĐVSNCL còn cồng kềnh, manh mún, phân tán, chồng chéo; quản trị chất lượng, hiệu quả dịch vụ và năng suất lao động thấp. Chi tiêu ngân sách nhà nước cho các ĐVSNCL còn quá lớn, một số đơn vị thua lỗ. Thực hiện cơ chế tự chủ tài chính còn hình thức, có phần thiếu minh bạch. Việc thực hiện xã hội hoá lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công còn chậm. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát và xử lý sai phạm trong hoạt động của ĐVSNCL còn bất cập.
Những hạn chế nêu trên chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan. Việc thể chế hoá các chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực sự nghiệp công còn chậm, chưa đầy đủ, đồng bộ và phù hợp với tình hình. Nhiều cấp uỷ đảng, lãnh đạo và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nhận thức chưa đầy đủ, thiếu quyết tâm và đồng bộ trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện đổi mới, sắp xếp lại các ĐVSNCL; chưa chủ động chuyển các ĐVSNCL sang hoạt động theo cơ chế tự chủ; tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước trong thụ hưởng dịch vụ sự nghiệp công còn phổ biến. Để giải quyết được các nguyên nhân chủ quan cần phải có một cách tiếp cận mới, tạo sức ép mạnh mẽ lên toàn bộ hệ thống thông qua các tiêu chí đo lường, đánh giá, đó chính là doanh nghiệp hóa.
Đọc thêm bài báo tại: Doanh nghiệp hóa đơn vị sự nghiệp công lập: Đâu là giải pháp?
Nguồn: TS. Dương Thị Thu, TS. Trần Thị Hồng Liên
Bài báo được đăng tại kỷ yếu Hội thảo “Nâng cao năng lực quản trị các đơn vị sự nghiệp công lập Tỉnh Quảng Ninh”