Trang chủ / Doanh nghiệp dịch vụ tài chính cần làm gì trong đại dịch Covid-19?
Doanh nghiệp dịch vụ tài chính cần làm gì trong đại dịch Covid-19?
Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược
Từ khóa
Ngày đăng
Tác giả
admin
Chia sẻ
Nội dung
Doanh nghiệp dịch vụ tài chính cần làm gì trong đại dịch Covid-19?
Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược
Từ khóa
Ngày đăng
Tác giả
admin
Chia sẻ
Ngành dịch vụ tài chính trong đại dịch Covid-19
Đến đầu tháng 4/2020, nhiều tổ chức quốc tế đã có những phân tích, cập nhật đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 và xây dựng các kịch bản tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2020. Theo kịch bản cơ sở của Citi Research (công bố ngày 7/4/2020), kinh tế thế giới sẽ suy thoái, tăng trưởng -2,3% năm 2020 (so với mức tăng trưởng 2,6% năm 2019, suy thoái hơn mức -1,7% năm 2009), trong đó tăng trưởng GDP của Trung Quốc chỉ khoảng 2,4% (so với mức tăng 6,1% năm 2019), của Mỹ -2,6% (so với mức tăng 2,3% năm 2019), của Nhật Bản -1,9% (so với mức tăng 0,7% năm 2019) còn khu vực đồng tiền chung Châu Âu thậm chí tăng trưởng -8,4% (so với mức tăng trưởng 1,2% năm 2019).
Đối với Việt Nam, có thể thấy Việt Nam là nước chịu tác động mạnh và trực tiếp, cả phía cầu và phía cung. Lĩnh vực tài chính-ngân hàng-bảo hiểm chứng kiến doanh thu giảm không nhiều trong quý 1/2020 (-2%) so với cùng kỳ, vì đây là lĩnh vực chịu tác động gián tiếp nhiều hơn và có độ trễ (khách hàng khi khó khăn, bắt đầu giảm sử dụng các dịch vụ, hấp thụ vốn kém và nợ xấu có nguy cơ tăng mạnh) và được nhà đầu tư đánh giá tiềm ẩn rủi ro cao, khiến giá cổ phiếu giảm mạnh (trên 20%) so với đầu năm.
Cụ thể, đối với ngành ngân hàng, khó khăn chung của nền kinh tế đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu tín dụng của khách hàng (hết quý 1/2020, tín dụng tăng 1,3% thấp hơn nhiều so với mức tăng 3,2% cùng kỳ năm 2019, theo NHNN) làm sụt giảm doanh thu, cũng như tăng rủi ro về nợ xấu do khách hàng gặp khó khăn và thực hiện cho vay ưu đãi hơn nhằm ứng cứu khách hàng. Ngoài ra, việc giãn, hoãn nợ và giãm lãi, phí cũng sẽ làm giảm doanh thu, lợi nhuận của các ngân hàng; khiến giá cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh (-22,4%) so với đầu năm.
Trên thị trường chứng khoán, những tác động tiêu cực của dịch bệnh đã phản ánh rõ nét. Tính đến hết 31/3/2020, chỉ số VN-Index sụt giảm mạnh (-31%) so với đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 33 phiên liên tiếp với giá trị bán ròng cả quý 1 khoảng 9.200 tỷ đồng; giá cổ phiếu của các công ty chứng khoán giảm 28% so với đầu năm.
Lĩnh vực bảo hiểm cũng chịu tác động kép: (i) nhu cầu sử dụng dịch vụ bảo hiểm (kể cả nhân thọ và phi nhân thọ) đều bị cắt giảm do người mua khó khăn về kinh tế, thu nhập; và (ii) tỷ lệ chi trả bảo hiểm (nhất là bảo hiểm y tế tăng) khiến doanh thu của ngành giảm. Cổ phiếu của các doanh nghiệp bảo hiểm giảm mạnh (-35,2%) so với đầu năm.
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước Việt nam đã triển khai kịp thời và quyết liệt các giải pháp chính sách như: điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, tỷ giá, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm phí thanh toán… nhưng các doanh nghiệp dịch vụ tài chính nên chủ động với các chính sách riêng để đối phó với tình hình dịch bệnh kéo dài như hiện nay. Một số giải pháp để các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính cần chú ý như sau:
Bảo vệ người lao động: trong thị trường lao động cạnh tranh như hiện nay, nhân sự tài chính đang là một trong những thị trường có sự dịch chuyển lớn. Các chính sách của doanh nghiệp đối với người lao động trong giai đoạn khủng hoảng có ý nghĩa hết sức quan trọng để tạo sự tin cậy, giữ chân người lao động trong bối cảnh các hoạt động giao dịch của ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm vẫn phải diễn ra bình thường. Bên cạnh đó sự ổn định về nguồn nhân lực sẽ tạo tâm lý vững tin và tránh gây hoang mang cho khách hàng và đối tác vốn rất nhanh nhạy với từng biến động nhỏ của các ngân hàng hay công ty tài chính. Để bảo vệ người lao động các doanh nghiệp cần thông báo rõ ràng các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để nhân viên vừa hoàn thành công việc, vừa thực hiện trách nhiệm với gia đình và xã hội trong những nỗ lực chung ngăn chặn virus. Cần có các biện pháp để bảo vệ an toàn cho các nhân viên khi làm việc và tiếp xúc với khách hàng.
Tập trung vào khách hàng
Trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, hoạt động kinh doanh vẫn phải được duy trì đảm bảo lưu thông dòng vốn cho mọi hoạt động kinh tế và đời sống xã hội. Khách hàng luôn có nhu cầu sử dụng dịch vụ tài chính bất chấp đại dịch và lệnh cách ly. Vì vậy các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính phải đảm bảo liên tục trong việc cung cấp dịch vụ của mình. Ngoài ra, việc xử lý những vấn đề liên quan đến Covid-19 như bảo hiểm y tế và du lịch, hiệu suất danh mục đầu tư và các phương thức thanh toán trực tuyến như thế nào cũng thu hút sự quan tâm của đối tác và khách hàng. Đây chính là lúc công nghệ kỹ thuật số của ngành tài chính phát huy thế mạnh để tiếp cận và đem lại những dịch vụ chất lượng cao cho khách hàng.
Đảm bảo tính thanh khoản
Các công ty Dịch vụ Tài chính cần nắm rõ nguồn vốn và thanh khoản của mình để có thể đánh giá khả năng phục hồi. Ngân hàng trung ương đang phải chịu những áp lực khi phải cung cấp các gói kích thích kinh tế để bù đắp cho cuộc khủng hoảng, thanh khoản có xu hướng lan rộng và mang tính hệ thống, từ đó sẽ làm giảm chi phí đi vay, nhưng lại nảy sinh rủi ro khi mà nhiều doanh nghiệp tích trữ tiền mặt và mở hạn mức tín dụng để có thể vượt qua kỳ khủng hoảng này.
Truyền thông và minh bạch
Khi mà các hoạt động kinh doanh chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các đơn vị làm dịch vụ tài chính như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, quỹ v.v… chính là những sợi dây kết nối chặt chẽ với các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức đảm bảo nguồn lực cho hoạt động kinh tế cũng như duy trì các hoạt động xã hội. Khủng hoảng nếu không được truyền thông một cách minh bạch, rõ ràng sẽ là cái nôi để lan rộng những tin đồn gây hoang mang và tạo tâm lý đám đông ảnh hưởng tiêu cực đến chống dịch và quan trọng hơn là làm đổ vỡ nền kinh tế. Chính vì vậy hơn ai hết các doanh nghiệp dịch vụ tài chính phải đảm bảo thông tin luôn cập nhật và minh bạch, hiểu rõ quy trình và cách thức xử lý khủng hoảng.
Phải có kế hoạch cho từng kịch bản
Sau đại dịch Covid-19 sẽ là khủng hoảng kinh tế toàn cầu với mức độ hết sức nghiêm trọng. Đối phó với thời kỳ đại dịch đã khó, vượt suy thoái sau đại dịch sẽ còn là một thách thức to lớn đối với toàn bộ nền kinh tế. Các công ty dịch vụ tài chính sẽ phải có sự chuẩn bị sẵn sàng để đối mặt với thực tế khó khăn đó. Họ sẽ không chỉ tìm giải pháp cho mình mà còn phải đưa ra các giải pháp cho khách hàng của mình. Chính vì vậy công ty cung cấp dịch vụ tài chính cần phải tính đến các kịch bản khác nhau và tương ứng với đó là các giải pháp khác nhau.
Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo chiến lược (SLEADER) tổng hợp