Trang chủ / Đạo đức kinh doanh: Nền tảng để doanh nghiệp phát triển bền vững
Đạo đức kinh doanh: Nền tảng để doanh nghiệp phát triển bền vững
Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược
Từ khóa
Ngày đăng
Tác giả
admin
Chia sẻ
Nội dung
Đạo đức kinh doanh: Nền tảng để doanh nghiệp phát triển bền vững
Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược
Từ khóa
Ngày đăng
Tác giả
admin
Chia sẻ
Doanh nghiệp huỷ hợp đồng bao tiêu sản phẩm nông dân hay người nông dân phá hợp đồng khi giá thị trường cao hơn… Khi ấy, sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và nông dân chắc chắn bị lung lay.
Đây là một trong nhiều ví dụ mà ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại quốc tế (VIAC) dẫn chứng về vấn đề đạo đức trong kinh doanh.
Doanh nghiệp làm ăn “chộp giật” vẫn phổ biến
Nhìn nhận về vai trò của đạo đức trong kinh doanh, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay, các doanh nghiệp dường như vẫn chưa chú ý đến sự cần thiết và tất yếu của đạo đức trong kinh doanh. Với mong muốn đạt được lợi nhuận trong thời gian càng sớm càng tốt, không ít doanh nghiệp coi vấn đề đạo đức như là yếu tố phụ. Chính vì vậy khó tránh khỏi tình trạng làm ăn theo kiểu “chộp giật”, hay mang tính “ăn xổi”… điều này dẫn tới hiện tượng làm, bán hàng giả, hàng nhái khá phổ biến trên thị trường.
Không ít doanh nghiệp vì lợi nhuận mà bất chấp, vì đồng tiền mà đánh cược cả niềm tin đang dần cạn kiệt từ phía khách hàng. Nhiều doanh nghiệp từng có tên tuổi đình đám trên thị trường bỗng chốc bị đổ bể. Đặc biệt, trong kỷ nguyên công nghệ bùng nổ như hiện nay nếu kinh doanh mà bỏ qua vấn đề đạo đức, dù một thương hiệu được gây dựng trong cả chục năm sẽ bị tiêu tan chỉ sau một cú nhấp chuột.
Cũng theo ông Huỳnh, không chỉ với doanh nghiệp, người nông dân cũng dường như chưa quan tâm tới vấn đề đạo đức trong sản xuất. Ở một số nơi, vẫn còn câu chuyện “rau hai luống, lợn hai chuồng”. “Khi người nông dân quyết định trồng rau này cho con mình ăn, rau kia đi bán. Vậy cái gì chi phối suy nghĩ người nông dân? Hay việc tem mác sản phẩm Made in China bị gắn mác Made in Vietnam khiến lòng tin của chúng ta bị phản bội”, ông Huỳnh nhìn nhận.
Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển và chuyển giao Công nghệ Trần Minh chia sẻ, vấn đề khó khăn của doanh nghiệp là phải đối mặt với hành vi phi đạo đức trong kinh doanh. Cụ thể ở đây là vấn nạn hàng giả.
“Trần Minh đã mua công nghệ sản xuất mỹ phẩm của Hàn Quốc. Công nghệ mới, nhưng về Việt Nam chưa được 30 ngày đã có hàng nhái. Các mặt hàng này đều xuất phát từ Trung Quốc. Chỉ 30 ngày họ quảng cáo sản phẩm y chang dù rằng hiệu quả không như hàng thật của chúng tôi”, bà Nhung bức xúc.
4 cấp độ đạo đức kinh doanh
Nói về đạo đức kinh doanh, ông Lại Tiến Mạnh, Brand Finance tại Việt Nam cho rằng, đạo đức kinh doanh thể hiện ở 4 cấp độ hành xử của doanh nghiệp bao gồm: trách nhiệm với xã hội, môi trường; ứng xử với nhân viên, đối tác; ứng xử với khách hàng và tuân thủ pháp luật.
Ông Mạnh chia sẻ nhiều câu chuyện khác nhau về đạo đức trong kinh doanh. Như việc người tiêu dùng tẩy chay hãng giày Nike khi năm 1996 đài truyền hình CBS của Mỹ đưa phóng sự về người công nhân sản xuất 6 ngày/tuần, trong điều kiện làm việc nghèo nàn và chỉ được trả 20 xu/giờ. Hay vụ gian lận khí thải của hãng ô tô Volkswagen bị phanh phui khiến thương hiệu lao đao…
Tuy vậy, trong bức tranh đầy gam màu xám của những ông lớn doanh nghiệp trên thế giới vẫn có điểm sáng, ông Mạnh cho rằng, có không ít doanh nghiệp đặt vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp lên hàng đầu. Đơn cử, hãng Honda Việt Nam họ không thưởng Tết cho công nhân vì cho rằng, công nhân sẽ về nhà Tết sẽ chi tiêu hoang phí, ăn nhậu nhiều. Chính vì thế, họ thưởng cho nhân viên vào tháng 5 hàng năm. Họ nói, muốn công nhân giữ được tiền. Sự tinh tế của người Nhật muốn điều tốt đẹp cho nhân viên của họ, biến thành chính sách cho công ty và chính sách này của công ty đã được nhân viên đồng tình. Do đó, ông Mạnh khẳng định, đạo đức kinh doanh không chết.
Theo ông Huỳnh, trong bối cảnh hội nhập vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp lại càng được đặt ra. Đòi hỏi phải nâng cao năng lực cạnh tranh không chỉ bằng nguồn vốn, chiến lược kinh doanh, công nghệ, năng suất, chất lượng, hiệu quả, mẫu mã sản phẩm mà còn bằng uy tín, thương hiệu và đạo đức kinh doanh. Nếu có đạo đức kinh doanh tốt, chúng ta sẽ tham gia vào giá trị toàn cầu tốt. Biến đạo đức kinh doanh thành thói quen, ngăn ngừa được sự gian lận trong kinh doanh.
Nhấn mạnh về thực hành đạo đức, PGS.TS Đỗ Minh Cương, Viện phó Viện Văn hóa Kinh doanh cho rằng, giáo dục vấn đề đạo đức trong kinh doanh không phải là những bài rao giảng mà là việc noi gương, việc làm theo. Bởi theo ông, tấm gương đạo đức có tác dụng rất lớn. Nói nhiều mà không thực hành thì không có tác dụng.
Về quan hệ đạo đức, pháp luật, văn hóa doanh nghiệp, ông khẳng định cốt lõi là các giá trị của văn hóa, nó chính là: chân, thiện, mỹ. Câu chuyện đạo đức kinh doanh là thực hành đạo đức trong kinh doanh. Nó mang tính chuyên ngành của kinh doanh, nhưng nó vẫn bắt nguồn từ đạo đức dân tộc, văn hóa dân tộc.
“Đạo đức kinh doanh là nền tảng, tài sản quý giá của doanh nhân, doanh nghiệp, là điều kiện phát triển nhân cách trong kinh doanh và kinh doanh bền vững”, ông Cương nói.
Đơn cử như Viettel xác định 8 giá trị cốt lõi, những giá trị này đều có câu chuyện đạo đức, những câu chuyện thật. Hay, Vingroup tuyên bố giá trị cốt lõi là tín, tâm, tốc… Ông cho rằng, nếu doanh nhân, doanh nghiệp vi phạm pháp luật bị xử lý thì họ cống hiến nhiều nhưng vẫn không đạt chuẩn về văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân có văn hóa. Bản thân doanh nhân, doanh nghiệp phải là tấm gương cho người dân. Họ cần cả đạo đức và văn hóa để xây dựng doanh nghiệp.