Chuyển giao thế hệ không phải điểm kết, mà là điểm khởi đầu

Trong bối cảnh hàng loạt doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam đang đứng trước bài toán kế thừa, câu chuyện của ông Nguyễn Tuấn Hải – Chủ tịch Tập đoàn Alphanam – nổi bật như một hình mẫu đáng học hỏi về cách chuyển giao thế hệ một cách bài bản và mang tính nhân văn sâu sắc. Là người sáng lập ra Alphanam và từng giữ vị trí điều hành cao nhất trong suốt hơn 20 năm, ông Hải hiểu rằng thành công của một doanh nhân không chỉ nằm ở việc xây dựng một đế chế kinh doanh, mà còn nằm ở khả năng trao quyền đúng lúc và đúng người, để bảo đảm tính liên tục và trường tồn của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Tuấn Hải – Chủ tịch Tập đoàn Alphanam chia sẻ về câu chuyện chuyển giao thế hệ 

Từ góc nhìn của ông, chuyển giao thế hệ trong doanh nghiệp gia đình không chỉ là công việc mang tính hành chính – ký giấy bổ nhiệm, trao ghế tổng giám đốc – mà là một hành trình kiến tạo năng lực cho người kế nghiệp. Quan điểm này không đến một cách ngẫu nhiên, mà được hình thành sau nhiều năm ông trực tiếp chứng kiến những thất bại của các doanh nghiệp cùng thời khi chuyển giao không thành công. Thay vì chờ đến khi sức khỏe sa sút hay áp lực quá lớn mới “giao lại”, ông Nguyễn Tuấn Hải chọn cách bắt đầu lộ trình chuyển giao ngay từ thời điểm đang ở đỉnh cao sự nghiệp, khi Alphanam đang phát triển ổn định. Đó là lựa chọn đòi hỏi bản lĩnh và xa hơn, là tầm nhìn chiến lược.

Lộ trình đào tạo người kế nghiệp

Chủ tịch Tập đoàn Alphanam bắt đầu lộ trình chuyển giao bằng cách quan sát và trò chuyện với con trai từ khi cậu bé bước sang tuổi 14 – độ tuổi mà theo ông, “con người bắt đầu định hình tính cách, khả năng phản biện và hình dung về vai trò của mình trong xã hội”. Không áp đặt con vào một hình mẫu sẵn có, ông tạo cơ hội để con trai tự trải nghiệm nhiều vị trí khác nhau trong hệ thống doanh nghiệp: từ công nhân sản xuất, nhân viên hành chính, đến các phòng ban như tài chính, kế toán, marketing và phát triển dự án.

Điểm khác biệt ở đây là mỗi trải nghiệm đều được thiết kế như một chương trình đào tạo thực chiến, nơi người học – dù là con trai Chủ tịch – vẫn phải làm việc như mọi nhân viên khác, thậm chí với kỳ vọng cao hơn. Theo ông Nguyễn Tuấn Hải, nếu muốn kế nghiệp, thế hệ F2 phải làm việc gấp ba lần người bình thường và phải vượt qua những tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn. Đây chính là tư duy quản trị mới trong doanh nghiệp gia đình: quyền kế thừa không đồng nghĩa với đặc quyền, mà phải đi kèm với trách nhiệm và năng lực thực sự.

Tái cấu trúc để chuyển giao

Quá trình chuyển giao thế hệ trong doanh nghiệp gia đình không chỉ liên quan đến con người, mà còn đòi hỏi một cuộc cải tổ sâu sắc trong mô hình quản trị. Tại Alphanam, ông Hải chủ động tái cấu trúc hệ thống điều hành từ sớm để tách biệt rõ vai trò giữa Hội đồng quản trị và Ban điều hành. Ông xây dựng mô hình “Ngũ Hổ” – một nhóm năm người nòng cốt gồm các đại diện chiến lược, tài chính, vận hành, nhân sự và nghiên cứu & phát triển – nhằm tạo ra một lãnh đạo linh hoạt, trách nhiệm cao và không phụ thuộc vào cá nhân.

Mỗi thành viên trong mô hình “Ngũ Hổ” được giao quyền cụ thể, chịu KPI rõ ràng và có quyền phản biện ngang hàng. Trong mô hình này, người con trai ông Hải– dù giữ vai trò Tổng Giám đốc cũng không có quyền tuyệt đối, mà phải tuân thủ nguyên tắc điều hành như mọi thành viên khác. Việc phân tách quyền lực và kiểm soát này chính là yếu tố giúp doanh nghiệp hoạt động minh bạch, loại bỏ cảm tính trong phân công nhân sự và giảm thiểu rủi ro từ việc kế thừa sai người.

Đồng thời, ông Hải cũng mạnh dạn đưa yếu tố thị trường vào trong nội bộ: “Công ty không còn là gia đình, mà là một đội bóng chuyên nghiệp – ai có năng lực sẽ được đá chính, ai không đạt phong độ thì ngồi dự bị”. Cách tiếp cận này giúp thay đổi tư duy quản trị vốn nặng tính cảm tính của doanh nghiệp gia đình, hướng tới một tổ chức hiệu suất cao và phát triển bền vững.

Từ người sáng lập đến người truyền lửa

Sau khi chính thức rút khỏi vai trò điều hành vào năm 2020, ông Hải không nghỉ ngơi, cũng không rút lui hoàn toàn. Thay vào đó, ông lựa chọn bước vào vai trò mới: người cố vấn chiến lược, nhà giáo dục và người truyền cảm hứng cho lãnh đạo thế hệ kế tiếp. Ông tham gia giảng dạy tại các chương trình thạc sĩ, chia sẻ kinh nghiệm quản trị, đồng thời hỗ trợ tư vấn cho nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với thách thức chuyển giao.

Với ông, chuyển giao thế hệ không phải là “kết thúc một thời kỳ”, mà là khởi đầu cho một chu kỳ phát triển mới, nơi người sáng lập lùi lại một bước để thế hệ mới bước lên với năng lượng, sáng tạo và trách nhiệm riêng. Và thành công của thế hệ kế tiếp – nếu được xây dựng đúng cách – không chỉ là niềm tự hào của một gia đình, mà còn là minh chứng cho một tư duy lãnh đạo tiến bộ, hiện đại và bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa.

SLEADER đồng hành với các doanh nghiệp trong chuyển giao thế hệ

Câu chuyện của ông Nguyễn Tuấn Hải – Chủ tịch Tập đoàn Alphanam – là minh chứng rõ ràng cho nhận định: chuyển giao thế hệ doanh nghiệp gia cần được hoạch định chiến lược như một dự án đầu tư dài hạn. Từ việc đào tạo người kế nghiệp từ sớm, đến tái cấu trúc tổ chức, thay đổi tư duy quản trị và định hình lại văn hóa nội bộ, mọi bước đi đều phải đồng bộ, có hệ thống và xuất phát từ tầm nhìn dài hạn.

Tại SLEADER, chúng tôi đồng hành cùng các doanh nghiệp gia đình Việt Nam trong việc xây dựng và thực hiện chiến lược chuyển giao thế hệ hiệu quả – từ tư vấn lộ trình, huấn luyện F2 đến thiết kế mô hình vận hành mới. Bởi vì, chuyển giao không phải để “trao ghế”, mà là để “trao sứ mệnh”. Và di sản lớn nhất mà một nhà sáng lập để lại không phải là tài sản, mà là một thế hệ kế nghiệp trưởng thành, bản lĩnh và có tầm nhìn.

Tin bài: Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược (SLEADER)

Ảnh: Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội (HanoiBA)