
Trang chủ / Căng thẳng và bốn đề xuất giải tỏa căng thẳng – Thư Malik 29.2025
Căng thẳng và bốn đề xuất giải tỏa căng thẳng – Thư Malik 29.2025
Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược
Từ khóa
Ngày đăng
Tác giả
sleader
Chia sẻ
Nội dung
Căng thẳng và bốn đề xuất giải tỏa căng thẳng – Thư Malik 29.2025
Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược
Từ khóa
Ngày đăng
Tác giả
sleader
Chia sẻ
Truyền thông tràn ngập những bài viết về tình trạng kiệt sức ở các nhà quản lý. Tôi rất nghiêm túc với vấn đề này vì từng biết không ít người rơi vào tình trạng đó. Căng thẳng và làm việc quá sức vẫn thường được xem là nguyên nhân chính cho sự kiệt sức đó, dù ngày nay ta hiểu rằng vấn đề này phức tạp hơn nhiều.
Không thiếu các liệu pháp được đề xuất cho các nhà quản lý bị căng thẳng. Nhưng điều đáng nói là một số giải pháp đơn giản lại hiếm khi được nhắc tới. Liệu nguyên nhân có phải là do những người quan tâm đến vấn đề này lại thiếu hiểu biết về cách vận hành thực tế trong môi trường kinh doanh? Phải chăng chính họ đang làm vấn đề trở nên phức tạp hơn khi dựa trên những kết luận rút ra từ sai đối tượng, tức là từ những nhà quản lý thường xuyên bị căng thẳng, không phải vì khối lượng công việc, mà vì thiếu chuyên nghiệp trong cách làm việc, nhưng lại rất hào hứng chạy theo các xu hướng trị liệu mới nhất?
Hàng trăm cột báo đã được dành để bàn luận về hiện tượng căng thẳng và những hệ quả cả về tinh thần lẫn thể chất; và cũng từng ấy lần, cuộc thảo luận vẫn diễn ra một chiều, đó là chỉ tập trung vào stress tiêu cực (distress) mà bỏ qua stress tích cực (eustress). Ý kiến của các chuyên gia, đa số là những người đầu ngành, được trưng cầu. Các liệu pháp họ đề xuất nghe có vẻ rất hấp dẫn: nào là tái tạo năng lượng, thở sâu và buông bỏ, huấn luyện và trao quyền, học cách lắng nghe và rèn luyện sự thấu cảm, kết nối mạng lưới, tham gia hoạt động thư giãn…, và đúng là những phương pháp đó có thể giúp ích cho nhiều người.
Nhưng tại sao một số giải pháp đơn giản lại gần như không bao giờ được nhắc đến? Chẳng hạn như bốn đề xuất sau đây: Tính chuyên nghiệp trong thực thi nhiệm vụ, vốn là kết quả của nền giáo dục quản lý bài bản, một phương pháp làm việc chắc chắn và có hệ thống, một cuộc sống riêng tư ổn định, và việc tập thể dục đều đặn.
Trong hơn 40 năm kinh nghiệm làm việc với các nhà điều hành ở nhiều cấp độ khác nhau, tôi chưa từng gặp ai bị căng thẳng nặng đến mức suy kiệt nếu họ có đủ bốn yếu tố nói trên. Nhiều người trong số họ làm việc rất vất vả, thậm chí thường xuyên quá sức; họ có thể rơi vào khủng hoảng, phải ra quyết định khó khăn, lo lắng, mệt mỏi hoặc không ở trạng thái tinh thần tốt. Và cuối ngày, họ thường kiệt sức, nhưng điều đó có gì lạ? Những người làm công việc khác có khá hơn không? Những bà mẹ đơn thân, bác sĩ phẫu thuật, nông dân, giáo viên, sinh viên đi thi, y tá, nhân viên phục vụ, cảnh sát hay tài xế xe tải, liệu có ít căng thẳng hơn không?
Những nhà quản lý giỏi, cũng giống như các bác sĩ, thẩm phán hay huấn luyện viên bóng đá giỏi, không nói nhiều về bản thân, không than phiền, và không biến khó khăn cá nhân thành chuyện công khai. Họ tập trung vào công việc của mình. Họ nỗ lực hoàn thiện phương pháp làm việc của bản thân. Họ từng trải qua thực tế rằng: luôn có thể cải tiến và rèn luyện, và từ đó tìm thấy niềm vui trong việc làm tốt hơn mỗi ngày. Họ hiểu rằng không có giới hạn thực sự nào cho hiệu quả và hiệu suất, ngoại trừ những giới hạn trong tư duy mà chính chúng ta tự đặt ra. Thay vì nhạy cảm thái quá, họ biết chú ý đến thời gian của mình và chủ động sử dụng thời gian một cách có ý thức.
Họ quan tâm đến nội dung, không phải hình thức; chú trọng đến bản chất hơn là vẻ bề ngoài. Họ không phí thời gian vào việc thể hiện màu mè, mà chú trọng vào sự tinh tế trong chuyên môn; quan tâm đến kết quả, chứ không phải hình thức lễ nghi; tập trung vào đầu ra chứ không phải đầu vào. Và trên hết: Họ kiểm soát được công việc và trách nhiệm của mình, biết sắp xếp thứ tự ưu tiên và kiên trì đến cùng. Điều đó có thể khiến họ mệt mỏi vào cuối ngày, nhưng không bị căng thẳng. Làm việc hiệu quả, quản lý thời gian và hoàn thành nhiệm vụ là cách họ dành chiến thắng, cho bản thân, cho gia đình, bạn bè và những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược biên dịch từ Malik Letter, số 29 tháng 7.2025
Tham khảo các cuốn sách thuộc Bộ sách Thực hành Quản lý hiệu quả của GS. Fredmund Malik
👉🏻 Quản lý: Những điều cốt lõi
👉🏻 Đi trong thế giới mơ hồ: Cần phải quản lý, quản trị và lãnh đạo tổ chức như thế nào?
👉🏻 Chiến lược: Định hướng trong một Thế giới Mới phức hợp
👉🏻 Chính sách và Quản trị Công ty hiện đại: Để các tổ chức tự điều chỉnh và thích ứng
💪🏻 Đặt sách chính hãng qua fanpage SLEADER hoặc TIKI: https://tiki.vn/cua-hang/sleader
———————————————
VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN LÃNH ĐẠO CHIẾN LƯỢC
Con đường đúng, tương lai sáng
🏢Địa chỉ: 266 Lạc Long Quân, Phường Tây Hồ, Hà Nội
🌐Website: sleader.vn
📧Email: [email protected]
📞Hotline: 0965 965 368 / 0969 753 688 / 024 3201 1519
📱Zalo: Viện Lãnh đạo chiến lược Sleader/ 0969 753 688