Thuật ngữ “disruption” (sự đột phá) đã nhanh chóng trở nên phổ biến với tốc độ đáng kinh ngạc. Có lẽ truyền thông đã nhanh chóng khai thác khái niệm này bởi vì trước đó chưa có những thuật ngữ khác để mô tả hiện tượng tương tự. Về bản chất, thách thức do sự đột phá gây ra không hề mới, mà là một quá trình chuyển đổi mang tính lịch sử, và đã có một khối lượng lớn các nghiên cứu về chủ đề này. Đây là một dạng thay đổi có tầm ảnh hưởng sâu rộng, với quy luật lặp lại xuyên suốt nhiều thế kỷ.

1. “Sự hủy diệt mang tính sáng tạo”

Không phải sự đột phá, mà chính “sự hủy diệt mang tính sáng tạo” mới là thuật ngữ nổi tiếng do nhà kinh tế học người Áo Joseph Schumpeter đặt ra, nhằm mô tả hình thức thay đổi đặc biệt: những gì hiện hữu sẽ bị phá bỏ để nhường chỗ cho điều gì đó sáng tạo và mới mẻ.

Bản thân sự thay đổi không có gì là khác thường. Đổi mới sáng tạo, cải tiến và thích ứng vẫn luôn hiện diện ở mọi nơi. Thuật ngữ học thuật để chỉ những gì xã hội và nền kinh tế hiện nay đang trải qua là sự thay thế, với quy tắc cốt lõi là: mọi thứ tồn tại rồi sẽ bị thay thế.

Năm 1997, khi tôi đang viết một cuốn sách về quản trị doanh nghiệp, trong đó có một phần phê phán mạnh mẽ mô hình quản trị tập trung vào cổ đông phổ biến ở Mỹ, tôi cũng viết một chương với tiêu đề “Đại chuyển đổi” (The Great Transformation). Trong cuốn sách đó, tôi phân tích những biến động chính trị – kinh tế xã hội đang diễn ra. Những học giả có ảnh hưởng lớn đến tư duy của tôi lúc ấy là Karl Polanyi và Peter F. Drucker, mỗi người đều mô tả quá trình này theo cách riêng của họ.

“Chuyển đổi” (transformation) cũng là tiêu đề bài viết mà Peter Drucker viết cho phần mở đầu cuốn sách Post-Capitalist Society (Xã hội hậu tư bản), xuất bản năm 1993. Trong đó, ông phân tích sự chuyển dịch lớn từ nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế tri thức, từ nhà nước dân tộc sang siêu quốc gia xuyên quốc gia. Cá nhân tôi chọn cách tiếp cận tích hợp nhiều góc nhìn để mô tả quá trình chuyển đổi hiện tại, một quá trình chuyển đổi căn bản và mang lại sự thay đổi sâu rộng trong thế kỷ 21. Sự thay đổi này được thúc đẩy bởi các yếu tố như: tốc độ tăng trưởng dữ liệu chưa từng có, sự nổi lên của các hệ thống công nghệ kết nối toàn cầu và sự trỗi dậy của tinh thần tự chủ trong con người.

Những gì tôi đã đề cập trước đó đang dần trở thành thực tế. Tuy nhiên, nhiều khả năng, chúng ta đang không chỉ đối mặt với một thay đổi đơn lẻ, mà là một sự chuyển đổi toàn diện trong mô hình tư duy, một sự thay đổi mang tính chất căn bản, có thể gọi là sự thay đổi phạm trù.

Cuộc Đại chuyển đổi trong thế kỷ 21

2. Từ Thế giới Cũ đến Thế giới Mới

Nhìn bề nổi trông có vẻ giống như một cuộc khủng hoảng tài chính, khủng hoảng kinh tế hoặc khủng hoảng nợ công, thực chất nên được hiểu ở một tầng sâu hơn: không phải là sự đột phá trong Thế giới Cũ, mà là một quá trình chuyển đổi sang một Thế giới Mới, nơi mà mọi thứ sẽ không còn ở hình thái cũ. Ở mọi quốc gia, lĩnh vực kinh doanh nói riêng và xã hội nói chung đều đang trải qua một trong những thay đổi lớn nhất từng diễn ra trong lịch sử. Chúng ta đang chứng kiến một sự chuyển đổi sâu sắc từ Thế giới Cũ mà chúng ta đã biết đến Thế giới Mới mà chúng ta chưa từng biết. Một trật tự mới đang hình thành, cũng như một chế độ mới để vận hành xã hội – một hình thức mới của Sự tiến hóa xã hội.

Những thay đổi như vậy không liên quan gì đến “chủ nghĩa Darwin xã hội”, một quan niệm đã bị phản bác rộng rãi và xác đáng. Điều mà quá trình chuyển đổi này thực sự mang lại là giải phóng những năng lực và tiềm năng ở cấp độ cao hơn, theo cách mang tính cách mạng. Động cơ hơi nước, biểu tượng của cuộc Cách mạng công nghiệp, không phải là thứ đã “tiêu diệt” loài ngựa hay bò, mà chỉ đơn giản là làm cho chúng trở nên không còn cần thiết. Chúng không bị tuyệt chủng, mà chỉ mất đi vai trò ban đầu: kéo xe và vận chuyển.

3. Chuyển đổi, không phải đột phá

Trong thời kỳ chuyển giao, một trong những điều quan trọng nhất là phải hiểu chuyện gì đang thực sự diễn ra. Sự đột phá thường chỉ mô tả sự sụp đổ hỗn loạn hay một cú rạn nứt đột ngột. Ngược lại, “chuyển đổi” mang ý nghĩa hoàn toàn khác – tương tự với khái niệm “sự hủy diệt mang tính sáng tạo” hay “thay thế” của Schumpeter. Với những ai đã quen thuộc với các khái niệm này, thì giữa dòng chảy dữ dội của thông tin, số liệu và sự kiện, họ vẫn có thể nhận diện được hai mô hình thay đổi cơ bản. Mô hình của “Đại chuyển đổi” (Great Transformation) là hai đường cong hình chữ S chồng lên nhau. Chúng có dạng chữ S bởi vì các quá trình tăng trưởng luôn diễn ra theo chu kỳ, không có quá trình tăng trưởng nào là tuyến tính hoàn toàn. Cái mà tôi gọi là “Thế giới Cũ” đại diện cho nền tảng của sự tồn tại hiện tại và đã bắt đầu trong quá khứ. Còn đường cong chữ S thứ hai đại diện cho “Thế giới Mới”, với những nền tảng của tương lai. Khu vực giao nhau giữa hai đường cong, gọi là vùng quyết định quan trọng, chính là nơi diễn ra chuyển đổi. Đây là nơi Thế giới Cũ bắt đầu tan biến và Thế giới Mới bắt đầu hình thành.

Mô hình 2 đường cong chữ S

Hiện nay, nhiều điều đã không còn khả thi trong Thế giới Cũ vì nó đang thoái trào. Đồng thời, nhiều điều vẫn chưa thể xảy ra trong Thế giới Mới vì nó chưa định hình đầy đủ. Chính vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm và cũng là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của đội ngũ lãnh đạo, là tìm ra cách để mọi thứ vẫn vận hành hiệu quả, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo chiến lược biên dịch từ Malik Letter, số 17 tháng 5. 2025

———————————————-

VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN LÃNH ĐẠO CHIẾN LƯỢC

Con đường đúng, tương lai sáng

🏢Địa chỉ: 266 Lạc Long Quân, Phường Bưởi, Quận Tây Hồ, Hà Nội

🌐Website: sleader.vn

📧Email: [email protected]

📖Tiki: https://tiki.vn/cua-hang/sleader

📞Hotline: 0965 965 368 / 0969 753 688 / 024 3201 1519

📱Zalo: Viện Lãnh đạo chiến lược Sleader/ 0969 753 688