Trang chủ » Gỡ khó cho nông sản
Gỡ khó cho nông sản
Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược
Từ khóa
Tác giả
admin
Chia sẻ
Gỡ khó cho nông sản
Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược
Từ khóa
Ngày đăng
Tác giả
admin
Chia sẻ
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, 6/9 mặt hàng nông sản chính năm nay rớt giá mạnh trên thị trường xuất khẩu, mặc dù sản lượng, khối lượng đều tăng mạnh, kéo theo kim ngạch xuất khẩu không còn đạt được kỳ vọng.
Cụ thể, các mặt hàng: Lúa gạo, cao su, cà phê, tiêu, điều… lượng xuất tăng (2,1% đến 32,5%) nhưng giá bán lại rớt mạnh (16% đến 25%) so với cùng kỳ năm trước. 7 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước chỉ đạt 23,03 tỷ USD, khiến các cơ quan chức năng đang lo ngại, cả năm 2019, ngành hàng này sẽ khó chạm chỉ tiêu xuất khẩu 43 tỷ USD như kế hoạch đề ra.
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn lý giải, nguyên nhân chủ yếu là do xu hướng giảm giá trên thị trường thế giới và chính sách thắt chặt nhập khẩu của một số nước, trong đó có thị trường chủ lực Trung Quốc. Lý do này đã kéo tổng kim ngạch xuất khẩu của nhóm nông sản chính giảm tới 8,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo các chuyên gia, Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam – EU (EVFTA)…, nhiều sản phẩm xuất khẩu được hưởng lợi về thuế quan khi vào các thị trường này. Tuy nhiên, nông sản Việt Nam không còn được “thuận buồm xuôi gió” như nhiều năm trước do các nước nhập khẩu đang có xu hướng bảo hộ nông sản trong nước.
Bên cạnh đó, nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, tác động cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, cùng với những thay đổi về chính sách nhập khẩu của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến lượng cầu nông sản, thị trường tiêu thụ nông sản của Việt Nam.
Trước những khó khăn tiếp diễn, trong những tháng còn lại của năm 2019, nhiều chuyên gia khuyến cáo cần phải tập trung khai thác lợi thế của những ngành còn nhiều dư địa là thủy sản và lâm sản. Bởi, 7 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt 4,68 tỷ USD, lâm sản đạt 6,01 tỷ USD (giá trị xuất siêu lên tới 4,5 tỷ USD). Trong đó, xuất khẩu thủy sản cần phát huy thế mạnh mặt hàng tôm và cá tra, đồng thời khẩn trương lấy lại “thẻ xanh” của Liên minh châu Âu.
Mặt khác, các bộ, ngành liên quan cần khẩn trương tháo gỡ những khó khăn về xuất khẩu nông sản, trong đó rào cản lớn nhất là chất lượng. Bởi, thị trường, giá nông sản liên quan trực tiếp tới đời sống của hàng triệu hộ nông dân.
Theo các chuyên gia, những lo lắng trên sẽ không đáng ngại nếu chúng ta tiếp tục nỗ lực thực hiện chính sách đa dạng hóa thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng quy trình, chứng nhận nguồn gốc xuất xứ.
Cùng với những động thái của Chính phủ và các cơ quan chức năng trong tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh; hoàn thiện các quy định, cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, tổ chức xúc tiến thương mại, xây dựng và quảng bá thương hiệu hàng hóa Việt Nam, đáp ứng các tiêu chuẩn về hàng rào kỹ thuật; tích cực đàm phán, tháo gỡ các vướng mắc, giải quyết vấn đề phát sinh trong thương mại quốc tế như chống trợ cấp, chống bán phá giá…
Thiết nghĩ, những tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe mà phía thị trường nhập khẩu đưa ra chính là yếu tố để thúc đẩy nông dân, các doanh nghiệp Việt Nam phải cải thiện chất lượng hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh. Chỉ khi đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của thị trường, các doanh nghiệp mới có thể vươn ra thế giới một cách bền vững.
Theo: Thanh Thảo (Báo Biên Phòng)
Tin liên quan:
>>Phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ