Từ khóa
Tác giả
admin
Chia sẻ
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược
Từ khóa
Ngày đăng
Tác giả
admin
Chia sẻ
Tạo việc làm, tăng kỹ năng cho người lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng là một trong những mục tiêu quan trọng đối với mỗi đất nước, đặc biệt là với một quốc gia có lực lượng lao động dồi dào như Việt Nam. Các cơ quan quản lý cũng như cơ sở đào tạo đang từng bước tháo gỡ dần những “điểm nghẽn” để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Nhận diện thách thức
Tại hội thảo về các xu hướng việc làm và phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh quốc tế diễn ra tại Hà Nội ngày 13-8, bà Cao Thị Thanh Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, hiện nay, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của Việt Nam tính đến Quý I năm 2019 là 55,4 triệu người. Trong đó, ước tính 54,3 triệu người có việc làm. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của Việt Nam đang tăng dần theo các năm, từ 53% năm 2016 lên đến 56,1% năm 2017 và 58,6% năm 2018.
Thời gian qua, một số điểm sáng nổi bật của thị trường lao động Việt Nam được ghi nhận như chuyển dịch theo hướng tốt hơn, số người làm công ăn lương, có quan hệ lao động tăng dần. Tỷ lệ người trong độ tuổi lao động tham gia lực lượng lao động vẫn duy trì ở mức cao, khoảng 76%. Chất lượng việc làm, thu nhập của người lao động đều đặn được tăng lên, mức độ phân biệt giữa việc trả công cho lao động nam và nữ cũng được thu hẹp. Số lao động làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng tiếp tục tăng.
Cùng với quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và sự bùng nổ của kỷ nguyên số, thị trường lao động Việt Nam là lĩnh vực được dự báo sẽ chịu nhiều tác động. Theo bà Cao Thị Thanh Thủy, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư, với sự bùng nổ ứng dụng công nghệ số, thiết bị thông minh, robot vào sản xuất như hiện nay, đặt ra cho thị trường lao động Việt Nam nhiều thách thức. Những yếu tố như nguồn lao động dồi dào, giá rẻ sẽ không tạo nên lợi thế cạnh tranh và thu hút đầu tư nước ngoài.
“Việt Nam cũng có thể sẽ phải chịu sức ép về vấn đề giải quyết việc làm, vì nước ta có quy mô dân số lớn nhưng chất lượng lao động chưa cao. Khoảng 46 triệu lao động Việt Nam chưa qua đào tạo sẽ đứng trước nguy cơ không có cơ hội tham gia làm những công việc có mức thu nhập cao, bị thay thế bởi lao động robot, trang thiết bị công nghệ thông minh…”, bà Thủy nhấn mạnh.
Thách thức càng rõ rệt khi hiện trạng chất lượng lao động thấp, phân bổ chưa hợp lý. Vẫn còn một tỷ lệ lớn lao động làm việc trong các nghề giản đơn, không đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật. Ông Đỗ Văn Giang Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy – Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cũng cho rằng, một số thách thức chính là cơ cấu lao động bất hợp lý, tỷ lệ thất nghiệp. Tính trong năm 2018, các trường thuộc lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh được hơn 2,21 triệu học viên. Trong đó, trình độ cao đẳng là hơn 230 nghìn, trung cấp là 315 nghìn, trình độ sơ cấp và các loại hình đào tạo khác được hơn 1,66 triệu người.
Một thực trạng cũng được đề cập đến tại hội thảo là nhiều sinh viên ra trường có việc làm, nhưng họ lại làm trái ngành, nghề được đào tạo. Điều này có nghĩa, họ có việc làm nhưng chất lượng việc làm chưa cao hoặc không phù hợp. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp còn chưa hài lòng về các kỹ năng của người lao động và phải đào tạo lại.
Tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
TS Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) chỉ rõ, “điểm nghẽn” lớn nhất của thị trường lao động Việt Nam nằm ở chất lượng nguồn nhân lực. Nhất là, quy mô lao động qua đào tạo nhỏ, cơ cấu lao động qua đào tạo còn bất hợp lý. Theo ông, lực lượng lao động hiện nay còn thiếu nghiêm trọng các kỹ năng, kỹ thuật phù hợp và kỹ năng làm việc cốt lõi…
Vì thế, cùng với việc chỉ rõ những “điểm nghẽn” của thị trường lao động hiện nay, TS Đào Quang Vinh cũng nêu rõ, bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, chúng ta cần có sự đổi mới mang tính cách mạng về tuyển dụng, sử dụng, đánh giá và trả công lao động. Gắn sử dụng, đánh giá với đào tạo người lao động. Bên cạnh đó, cần phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động để gắn kết đào tạo và sử dụng lao động.
Nâng cao chất lượng dự báo thị trường lao động nhằm cung cấp các thông tin về cơ hội việc làm, chỗ việc làm trống, các khóa đào tạo…cũng là một giải pháp để có thể đánh giá được xu hướng việc làm và yêu cầu mới từ thị trường lao động. Trong những năm qua, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động. Trong đó, chú trọng kết nối giữa các địa phương có nhu cầu về nguồn lao động, tăng hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm của các trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước, tăng cường công tác đào tạo, nâng cao kỹ năng và tay nghề cho người lao động.
Không thể là chuyện “mạnh ai nấy làm”, do đó, theo ông Đỗ Văn Giang (Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp), về lâu dài, cần quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tăng cường gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, việc làm bền vững, đẩy mạnh tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đặc biệt, Việt Nam cần chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng, hệ thống bảo đảm chất lượng, đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện hệ thống đánh giá chính sách, pháp luật nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Từ đó, phấn đấu mục tiêu đến năm 2030, giáo dục nghề nghiệp Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực ASEAN.
Theo: Thảo An (Báo Nhân dân)
Tin liên quan:
>>Phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ
>>Doanh nghiệp hóa đơn vị sự nghiệp công lập: Đâu là giải pháp