Từ khóa
Tác giả
admin
Chia sẻ
Bài 2 – Cơ hội kinh doanh mới, mục tiêu chính
Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược
Từ khóa
Ngày đăng
Tác giả
admin
Chia sẻ
Việc được đánh giá là “Doanh nghiệp bền vững”, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động tại Việt Nam xem đây là mục tiêu hướng đến trong thị trường thương mại tự do.
Chương trình đánh giá, công bố các doanh nghiệp bền vững Việt Nam giai đoạn năm 2016 – 2018 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, đã tạo ra sự lan tỏa, khích lệ rất lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam về vấn đề quản trị doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh theo các mục tiêu phát triển bền vững.
Đặc biệt, khi nền kinh tế trong nước đang hòa cùng làn sóng chuyển đổi số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Chương trình đánh giá, công bố các doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2019 tiếp tục thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp.
*Khẳng định uy tín doanh nghiệp
Qua nhiều năm tổ chức Chương trình đánh giá, công bố các doanh nghiệp bền vững, đã và đang thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và lợi ích của phát triển bền vững trong doanh nghiệp, cộng đồng cũng như của xã hội.
Chương trình này, đã tạo cầu nối tăng cường trao đổi và hợp tác về phát triển bền vững giữa các bên có liên quan tại Việt Nam, gồm: cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội…
Đáng chú ý hơn, Chương trình cũng trở thành công cụ hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam học hỏi kinh nghiệm thông qua các thực tiễn tốt của những doanh nghiệp trên thế giới về phát triển bền vững và hội nhập kinh tế.
Bên cạnh đó, cũng phải kể đến sự kết nối, kéo gần khoảng cách giữa doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp nội địa trong việc trao đổi kinh nghiệm, mô hình phát triển sản xuất kinh doanh bền vững.
Việc được đánh giá là “Doanh nghiệp bền vững” hàng năm thông qua Chương trình đánh giá, công bố các doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam, góp phần tạo động lực đổi mới văn hóa doanh nghiệp và xây dựng thương hiệu. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động tại Việt Nam xem đây là mục tiêu hướng đến trong thị trường thương mại tự do.
Theo ông Huỳnh Thiên Triều, Giám đốc điều hành Amway Việt Nam, thực hiện Báo cáo Trách nhiệm xã hội (CSR Report) phản ánh cam kết của doanh nghiệp trong việc hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững thành những hành động cụ thể.
Với Amway, thực hiện trách nhiệm xã hội (CRS) không chỉ là tài trợ hoặc thực hiện các chương trình từ thiện, mà gồm rất nhiều yếu tố tạo nên một nền tảng văn hóa kinh doanh có trách nhiệm như tuân thủ luật pháp, thực hiện cam kết về chất lượng sản phẩm và dịch vụ với khách hàng…
Hoạt động CSR không chỉ là nghĩa vụ của mọi công ty, mà hoạt động CSR cũng sẽ mang lại niềm tin tưởng của khách hàng vào doanh nghiệp. Khi thực hiện hoạt động CSR, doanh nghiệp góp phần tạo nên một nền tảng kinh doanh có trách nhiệm và đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam. Do đó, hoạt động CSR được triển khai một cách quy mô, bài bản cần thể hiện rõ việc đầu tư kinh doanh minh bạch, tôn trọng người tiêu dùng thì mới khẳng định được uy tín doanh nghiệp.
Còn dẫn chứng cụ thể, bà Dương Phương Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục người khiếm thính – CED cho hay, đối với việc duy trì một doanh nghiệp xã hội bình thường đã vô cùng thách thức, nên với một doanh nghiệp hướng đến đối tượng yếu thế và đặc thù như người khiếm thính thì có nhiều khó khăn hơn nhiều.
Do đó, thúc đẩy giải pháp kinh doanh nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững là vấn đề toàn xã hội quan tâm.
Xu hướng này, còn được thể hiện qua hoạt động mua sắm tiêu dùng, nhất là giới trẻ rất quan tâm đến những sản phẩm và dịch vụ được cung cấp như thế nào. Chính vì vậy, phát triển bền vững là yêu cầu tất yếu trong bối cảnh thị trường thương mại tự do, nhất là một quốc gia đang hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như Việt Nam.
Khi được công nhận “Doanh nghiệp bền vững” đã giúp nhiều công ty nâng cao uy tín, khẳng định giá trị thương hiệu và mở ra những cơ hội kinh doanh mới thông qua việc gia tăng lòng tin của đối tác, nhà đầu tư và cổ đông. Song song đó, “Doanh nghiệp bền vững” sẽ có lợi thế hơn trong thu hút nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần vào việc phát triển kinh tế xanh.
Mặt khác, thực hiện Báo cáo phát triển bền vững mang lại cho doanh nghiệp cả về giá trị nội bộ và giá trị bên ngoài. Đối với giá trị nội bộ, Báo cáo phát triển bền vững giúp doanh nghiệp mở rộng tầm nhìn chiến lược và hệ thống quản trị tổ chức, tạo điều kiện cải thiện khả năng nhận định rủi ro và cơ hội kinh doanh mới.
Riêng đối với bên ngoài, Báo cáo phát triển bền vững góp phần thúc đẩy ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp. Từ đó, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu, uy tín trên thị trường, gia tăng giá trị doanh nghiệp, tạo niềm tin với nhà đầu tư để thu hút vốn đầu tư, xây dựng mối quan hệ hợp tác kinh doanh với các đối tác trong và ngoài nước…
*Nâng cao năng lực quản trị
Theo ông Nguyễn Công Minh Bảo, Giám đốc Văn phòng GRI Việt Nam, Báo cáo phát triển bền vững là một lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Báo cáo này được xem như công cụ đo đếm, công bố và chịu trách nhiệm của doanh nghiệp trước các bên liên quan về hoạt động của mình.
Hiện nay, Báo cáo phát triển bền vững không chỉ dành cho doanh nghiệp lớn, tập đoàn đa quốc gia, mà doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đều có thể thực hiện được. Đây còn là yếu tố hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam hội nhập thành công và chinh phục người tiêu dùng toàn cầu, trở thành đối tác tin cậy hay nhà cung cấp của các doanh nghiệp nhiều quốc gia.
Trên thế giới, doanh nghiệp tại nhiều quốc gia xây dựng Báo cáo phát triển bền vững với nhiều hình thức khác nhau. Theo đó, cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam được đánh giá là đang đi đúng hướng khi tích cực hòa nhập vào xu hướng doanh nghiệp phát triển bền vững.
Đơn cử, việc hợp tác cùng nhà cung cấp và đồng hành của người tiêu dùng, cộng đồng doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hoạt động tại Việt Nam đã tạo làn sóng lan tỏa hoạt động sản xuất xanh, cải thiện sản phẩm thân thiện với môi trường, hướng đến lối sống xanh.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, bước sang năm 2019, Chương trình đánh giá, công bố các doanh nghiệp bền vững và Bộ Chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) đã được đưa vào Kế hoạch triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP của VCCI hướng đến việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Với lần thứ 4 triển khai, Chương trình năm nay được kỳ vọng thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp Việt bứt phá trong thập niên cuối cùng thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trên cả nước.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững (VBCSD), phiên bản 2019 của Bộ Chỉ số CSI là cuốn cẩm nang bỏ túi hữu ích cho tất cả nhà quản trị doanh nghiệp và cả nhà đầu tư.
Trong Bộ Chỉ số CSI có những gợi ý cơ bản dành cho doanh nghiệp mới bắt đầu chuyển mình sang chiến lược phát triển bền vững, mức đánh giá chi tiết về hiệu quả thực hiện phát triển bền vững dành cho doanh nghiệp hướng đến hoạt động kinh doanh có trách nhiệm hơn.
Bộ Chỉ số CSI được xem là chìa khóa trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và đẩy mạnh nhân rộng áp dụng trong cộng đồng doanh nghiệp.
Điểm nổi bật năm nay, Bộ Chỉ số CSI được tinh gọn từ 131 xuống còn 98 chỉ tiêu; trong đó 90% là các chỉ tiêu tuân thủ pháp luật. Các chỉ tiêu cũng được phân nhóm khoa học hơn, cập nhật hơn với thông lệ quốc tế và pháp luật trong nước, có tính ứng dụng cao và phù hợp cho nhiều mục đích sử dụng hơn.
Do đó, doanh nghiệp tham gia Chương trình đánh giá, công bố các doanh nghiệp bền vững, sẽ thực hiện cung cấp thông tin theo Bộ Chỉ số CSI với hệ thống thông tin về quản trị công ty, gồm: quy trình, cách thức tổ chức quản lý, sản xuất, hiệu quả hoạt động, quy định và văn bản pháp luật cần tuân thủ. Đây là những yếu tố tạo nền tảng cho vấn đề cải thiện và phát huy chiến lược phát triển bền vững./.
Theo: Mỹ Phương/TTXVN
Tin liên quan:
>>Bài 1: Tạo nền tảng nâng cao cạnh tranh kinh tế – xã hội
>>Chuyển đổi số trong doanh nghiệp: Nếu không tiến hóa, sẽ bị đào thải
>>Hiến kế nâng cao hiệu quả cổ phần hóa DNNN