Từ khóa
Tác giả
sleader
Chia sẻ
Chuyển đổi số toàn diện là chiến lược đặc biệt quan trọng đối với Petrovietnam
Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược
Từ khóa
Ngày đăng
Tác giả
sleader
Chia sẻ
PV: Ông có thể đánh giá về vị trí, vai trò của chuyển đổi số đối với sự phát triển của Petrovietnam?
Ông Vương Quân Ngọc: Ngành Dầu khí đóng vai trò trọng yếu trong nền kinh tế toàn cầu, cung cấp năng lượng và nguyên liệu cho nhiều ngành sản xuất, vận tải và công nghiệp. Thị trường dầu khí toàn cầu đã tăng từ 6.990 tỉ USD năm 2022 lên 7.330 tỉ USD vào năm 2023, với tốc độ tăng trưởng hằng năm (CAGR) là 4,9%. Dự báo thị trường sẽ đạt 8.670 tỉ USD vào năm 2027.
Khảo sát của Petrovietnam cho thấy phần lớn các mỏ dầu khí đang khai thác tại Việt Nam đã bước vào giai đoạn cuối đời mỏ với thời gian khai thác đều đã từ 15 năm đến 36 năm. Do đó, sản lượng khai thác dầu khí từ các mỏ hiện hữu được dự báo sẽ còn tiếp tục suy giảm 5-8% trong những năm tiếp theo. Trong khi đó, sản lượng tiêu thụ khí vẫn tiếp tục tăng.
Theo dự thảo Kế hoạch Phát triển năng lượng quốc gia, sản lượng khai thác khí dự kiến sẽ vượt sản lượng dầu thô trong giai đoạn 2021-2025 với mức sản lượng trung bình là 11,1 tỉ m3/năm. các nhà máy điện dự kiến cần huy động tới 16 tỉ m3 khí cho năm 2025 và 30 tỉ m3 cho năm 2030. Vì vậy, bài toán đặt ra không chỉ tối ưu hoạt động mà còn cần phát triển các dự án dầu khí mới là vô cùng cần thiết, để đáp ứng nhu cầu về năng lượng trong trung và dài hạn.
Theo DxReport về “Xu hướng chuyển đổi số ngành dầu khí, hướng tới phát triển bền vững” do FPT Digital thực hiện, để giải quyết thấu đáo bài toán trên chỉ có con đường chuyển đổi số toàn diện trên chuỗi giá trị từ thượng nguồn đến hạ nguồn của ngành Dầu khí. Trên thế giới, chuyển đổi số trong lĩnh vực năng lượng đã mang lại nhiều thành công: tiết kiệm chi phí, cải tiến chất lượng và năng suất, tăng hiệu suất vận hành, thúc đẩy an toàn lao động, mở ra cơ hội kinh doanh mới và tăng trưởng bền vững.
PV: Có con số hoặc phương pháp nào để minh chứng, làm rõ lợi ích của chuyển đổi số không, thưa ông?
Ông Vương Quân Ngọc: Chuyển đổi số có thể được coi là một yếu tố quyết định chính để giải quyết các thách thức và cải thiện khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong ngành cũng như giữa ngành Dầu khí và các ngành kinh tế khác. Nghiên cứu từ McKinsey cho biết, có tới 60-90% hoạt động hằng ngày của ngành Dầu khí có thể được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI) hay học máy và các doanh nghiệp dầu khí có thể cải thiện hiệu suất 6-8% với việc tối ưu hóa dữ liệu.
Để dễ hình dung hơn, chúng ta cùng nhìn lại một số câu chuyện về chuyển đổi số ngành Dầu khí trên thế giới. Điển hình là câu chuyện thành công của BP trong việc nâng cao năng suất và cắt giảm chi phí nhờ chuyển đổi số.
BP, một trong những công ty năng lượng lớn nhất thế giới và đứng thứ ba về quy mô toàn cầu, là một tập đoàn dầu khí đa quốc gia có trụ sở tại Vương quốc Anh. BP đang trải qua quá trình chuyển đổi số cơ bản với các mục tiêu rõ ràng nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh và tạo dựng sự gắn kết sâu sắc hơn với nhân viên.
Trong quá trình chuyển đổi số, BP đã tập trung vào nhiều lĩnh vực công nghệ khác nhau. AI được sử dụng để liên kết thông tin trực quan, xác định các kết nối và quy trình làm việc mới, từ đó tạo ra hình ảnh về bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên. Robot được BP sử dụng để kiểm tra và bảo dưỡng các thiết bị ngoài khơi, bắt đầu từ năm 2017. Việc này dự kiến sẽ giúp cắt giảm một nửa chi phí kiểm tra vào năm 2025 và đã giảm 90% chi phí liên quan đến dịch vụ khai thác mỏ từ năm 2022.
Công nghệ số cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm và khai thác dầu khí với chi phí thấp hơn. Năm 2019, BP thông báo đã thành công khi sử dụng thiết bị địa chấn mới Wolfspar và phát hiện thêm hơn 1 tỉ thùng dầu tại chỗ tại mỏ Thunder Horse ở Vịnh Mexico. Dự án bản sao kỹ thuật số (Digital Twin) APEX, được triển khai từ năm 2017, đã tối ưu hóa quy trình hệ thống, giảm thời gian thực hiện từ 24 giờ xuống còn 20 phút. Năm 2018, APEX giúp gia tăng thêm 19.000 thùng/ngày sản lượng khai thác cơ sở của BP.
BP đã thành lập Tổ chức Đổi mới kỹ thuật số (Digital Innovation Organization – DIO) để theo dõi và đánh giá sự phát triển của công nghệ mới ảnh hưởng đến cung cầu năng lượng và đề xuất phản ứng phù hợp. Bên cạnh đó, BP cũng chú trọng đến việc phát triển con người trong thời kỳ công nghệ số. Năm 2018, BP tổ chức khóa đào tạo kỹ năng lãnh đạo mới cho 2.000 nhà quản lý của mình. Ngoài ra, BP đầu tư nửa tỉ USD cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp.
Với việc sử dụng công nghệ mới để phát hiện hiện tượng xuất hiện cát và rò rỉ trong giếng dầu, BP đã tiết kiệm được 100 triệu USD. Quá trình chuyển đổi số toàn diện của BP không chỉ nâng cao năng suất hoạt động mà còn giúp công ty cắt giảm chi phí đáng kể, đồng thời bảo đảm sự phát triển bền vững trong tương lai.
Minh họa về ứng dụng công nghệ AI trong hoạt động dầu khí
PV: Đó là lĩnh vực thượng nguồn, còn trung nguồn và hạ nguồn thì sao, thưa ông?
Ông Vương Quân Ngọc: Câu chuyện về Columbia Pipeline Group ứng dụng công nghệ đường ống thông minh tiên phong là một minh họa rõ nét.
Columbia Pipeline là công ty vận hành đường ống liên bang, kéo dài từ New York đến Vịnh Mexico. Họ cung cấp dịch vụ vận chuyển và lưu trữ khí đốt cho các công ty phân phối khí đốt địa phương và người sử dụng khí đốt tự nhiên. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng đường ống của họ đối mặt với các mối đe dọa từ sự can thiệp của con người, thiên tai và thay đổi môi trường. Các yếu tố an toàn ngày càng giảm do thời gian sử dụng lâu (60% đường ống được lắp đặt trước năm 1970), dẫn tới chi phí hằng năm để bảo đảm mạng lưới đường ống bị tăng rất cao.
Mục tiêu của Columbia Pipeline là bảo đảm sự an toàn của toàn bộ cơ sở hạ tầng đường ống và giúp các nhà vận hành đưa ra quyết định sáng suốt về sự an toàn và toàn vẹn của đường ống. Để đạt được mục tiêu này, công ty đã phát triển công nghệ đường ống thông minh giúp giám sát các mối đe dọa, cải thiện quản lý rủi ro và cung cấp nhận thức tình huống có thể xảy ra. Công ty cũng đã tích hợp dữ liệu từ nhiều nguồn và nhiều thuộc tính dữ liệu để nâng cao hiệu quả giám sát và quản lý.
Kết quả đạt được từ việc áp dụng công nghệ đường ống thông minh bao gồm khả năng đánh giá nhanh các mối đe dọa và cảnh báo để các hệ thống ứng phó giúp các nhà khai thác đường ống giảm thiểu khả năng xảy ra các sự kiện không lường trước. Đồng thời, công ty đã giảm hơn 20% chi phí cần thiết trong giai đoạn xây dựng đường ống nhờ áp dụng các giải pháp kỹ thuật số và tăng thời gian hoạt động thông qua các hệ thống quản lý đường ống được cung cấp bởi AI và IoT (mạng lưới thiết bị kết nối internet).
PV: Vậy theo ông, các doanh nghiệp dầu khí Việt Nam có thể học hỏi được gì từ kinh nghiệm chuyển đổi số của thế giới?
Ông Vương Quân Ngọc: Có thể thấy chuyển đổi số mang lại hiệu quả tối ưu nhờ cơ chế vận hành dựa trên dữ liệu. Quản trị điều hành số trên nền tảng dữ liệu cùng công nghệ AI đang trở thành trụ cột quan trọng trong ngành Dầu khí, giúp việc khai thác, quản trị vận hành và ra quyết định hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, việc quản lý các tài nguyên cũng dễ dàng và minh bạch, giúp các đơn vị trong ngành vừa bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, vừa sẵn sàng đón đầu với các xu thế dịch chuyển năng lượng mới.
Ngành Dầu khí đi tiên phong trong việc sử dụng các công nghệ cao tuy nhiên còn rời rạc, thiếu tính liên kết, ít được phổ cập, trao đổi kinh nghiệm. Do đó các hoạt động trong chuỗi giá trị ngành Dầu khí có thể tạo ra hàng tỉ dữ liệu mỗi ngày, nhưng hiện tại chỉ có khai thác được tỷ lệ nhỏ trong công tác quản lý, vận hành sản xuất kinh doanh. Như vậy, sẽ cần rất nhiều nỗ lực để có thể theo kịp tốc độ chuyển đổi số của thế giới.
Chuyển đổi số đang mang lại sự thay đổi to lớn trong các hoạt động của ngành Dầu khí Việt Nam, thúc đẩy sự tối ưu hóa, hiệu quả và tích hợp trong toàn bộ chuỗi giá trị. Tuy nhiên, chuyển đổi số cũng đối mặt với thách thức như hệ thống phức tạp, bảo mật thông tin, sự thay đổi văn hóa… đòi hỏi sự đầu tư dài hạn về tài chính, nhân lực và thời gian.
Những kinh nghiệm thành công trên thế giới rất quý giá cho ngành Dầu khí Việt Nam, khi mà chiến lược chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm sự phát triển bền vững và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Ngành Dầu khí nước ta có lợi thế là ứng dụng công nghệ cao từ rất sớm, nhưng chuyển đổi số trong ngành vẫn còn nhiều thách thức, đặc biệt là chưa hình thành được mạch dữ liệu xuyên suốt ngay trong phạm vi từng đơn vị cũng như toàn hệ thống. Vì vậy, các doanh nghiệp dầu khí Việt Nam cần học hỏi từ những kinh nghiệm thành công trên thế giới, đồng thời đầu tư dài hạn về tài chính, nhân lực và thời gian để bảo đảm sự phát triển bền vững và nâng cao hiệu quả hoạt động trong tương lai.
Hoạt động khai thác dầu khí trên biển của Petrovietnam
PV: Ông nhận định như thế nào về công tác chuyển đổi số tại Petrovietnam?
Ông Vương Quân Ngọc: Chuyển đổi số mang lại hiệu quả tối ưu nhờ cơ chế vận hành dựa trên dữ liệu, giúp việc khai thác, quản trị vận hành và ra quyết định trở nên hiệu quả hơn. Bởi vậy chuyển đổi số sẽ không chỉ hỗ trợ mà còn thúc đẩy quá trình dịch chuyển mô hình kinh doanh, tối ưu phương thức hoạt động và nâng cao năng lực quản trị vận hành của Petrovietnam.
Chuyển đổi số toàn diện là chiến lược đặc biệt quan trọng đối với Petrovietnam. Với vai trò là một trong những đầu tàu của nền kinh tế, Petrovietnam có trách nhiệm và năng lực đi đầu trong công tác chuyển đổi số, góp phần lan tỏa và thực hiện thành công chương trình chuyển đổi số quốc gia.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Chuyển đổi số đang trở thành một xu hướng không thể đảo ngược trong mọi ngành công nghiệp và ngành Dầu khí cũng không ngoại lệ. Nghiên cứu từ McKinsey cho biết, có tới 60-90% hoạt động hằng ngày của ngành Dầu khí có thể được hỗ trợ bởi AI hay học máy và các doanh nghiệp dầu khí có thể cải thiện hiệu suất 6-8% với việc tối ưu hóa dữ liệu.Trên thế giới, chuyển đổi số trong lĩnh vực năng lượng mang lại nhiều thành công: tiết kiệm chi phí, cải tiến chất lượng và năng suất, tăng hiệu suất vận hành, thúc đẩy an toàn lao động, mở ra cơ hội kinh doanh mới và tăng trưởng bền vững
Nguồn: PetroTimes