Một nhà quản lý thực thụ, trước hết, phải có trách nhiệm về năng lực và hiệu quả làm việc cá nhân của chính mình để làm gương cho đội ngũ. Thứ hai, họ cần đảm bảo hiệu suất và sự phát triển của đội ngũ nhân viên mà mình dẫn dắt. Cuối cùng, nhà quản lý gánh vác trọng trách lớn lao với tổ chức, đảm bảo toàn bộ hệ thống vận hành hiệu quả và đạt mục tiêu.

 

Ba nhiệm vụ cốt lõi và một trách nhiệm sâu xa hơn

1. Nhà quản lý cần chịu trách nhiệm với điều gì?

Nhà quản lý trước tiên phải chịu trách nhiệm về bản thân, về hiệu quả và hiệu suất làm việc của chính họ. Thứ hai, họ phải chịu trách nhiệm với đội ngũ nhân viên. Thứ ba, họ còn phải chịu trách nhiệm với tổ chức, nơi mà họ làm việc.

Không dừng lại ở đó, để đảm bảo mọi thành viên trong tổ chức có thể phát huy năng lực và hoàn thành nhiệm vụ, nhà quản lý còn phải giúp người khác, và cả chính họ nhận ra và tận dụng tối đa điểm mạnh của bản thân.

Vai trò của Nhà quản lí - công tác Lãnh đạo, Quản lí - Trường THCS Nguyễn Viết Xuân

Nhà quản lý cần đảm bảo hiệu suất và sự phát triển của đội ngũ nhân viên mà mình dẫn dắt. Ảnh: Internet

Nhà quản lý không thể bị quy trách nhiệm cho những điều nằm ngoài tầm ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp, dù đôi khi vẫn có thể bị ràng buộc bở trách nhiệm pháp lý. Ví dụ, nhà quản lý không có trách nhiệm “thay đổi tính cách người khác”, vì đó là một lựa chọn mang tính cá nhân.

Một nhà quản lý chuyên nghiệp cần có con mắt tinh tường để nhìn thấu được bản chất, biết phân biệt giữa hình thức và nội dung, giữa đúng và sai, giữa giá trị thật và xu hướng nhất thời. Nếu không làm được điều đó, họ có thể trở thành rủi ro cho chính tổ chức mà họ dẫn dắt.

Khả năng nhận diện rủi ro và tinh thần trách nhiệm, để mọi việc diễn ra suôn sẻ, có thể được rèn luyện qua một số môn thể thao. Chẳng hạn, trong leo núi, sự bất cẩn chính là biểu hiện của vô trách nhiệm, chỉ cần quên mang thiết bị cần thiết cũng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Vì thế, trong môn thể thao này, việc kiểm tra và tái kiểm tra là quy trình bắt buộc – giống như trong ngành hàng không hay khi bước vào phòng phẫu thuật. Quản lý cũng cần như vậy.

Tuy nhiên, trách nhiệm không đến từ tài năng thiên bẩm hay kỹ năng vượt trội. Trách nhiệm bắt nguồn từ “đạo đức nghề nghiệp”, không phải đạo đức triệt lý cao siêu, mà là đạo đức giản dị của đời sống thường nhật: dám đứng ra chịu trách nhiệm cho những gì mình làm và cả những gì mình đã không làm.

Trách nhiệm không thể được “dạy” theo cách thông thường như kiến thức hãy kỹ năng. Người ta có thể kêu gọi, yêu cầu, hướng dẫn và đôi khi phải áp dụng các quy định hay chế tài pháp lý. Nhưng tất cả chỉ là biện pháp hỗ trợ. Cốt lõi của trách nhiệm là một quyết định cá nhân sâu sắc, điều mà bất kỳ nhà quản lý nào cũng cần đưa ra ở một thời điểm nhất định trong đời.

Dám chịu trách nhiệm cho hành động của bản thân tạo nên sự khác biệt của những nhà lãnh đạo thực sự. Họ sống với tinh thần trách nhiệm, làm việc với sự chuyên tâm và tinh thần kỷ luật.

Tuân thủ pháp luật chưa đòi hỏi đến đạo đức, chỉ có ý thức không vi phạm pháp luật và hệ thống thực thi pháp luật hoạt động hiệu quả là đủ. Nhưng đạo đức thực sự bắt đầu khi luật pháp không còn can thiệp được. Đó là khi bạn có quyền hợp pháp để làm một việc, nhưng vẫn chọn không làm, vì biết điều đó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến người khác, tổ chức, và vai trò của nghề quản lý – một vai trò mang ý nghĩa xã hội sâu sắc.

 

2. Quản lý – Chìa khóa cho sự vận hành của xã hội

Theo quan điểm của tôi, quản lý là chức năng cốt lõi giúp cho các thiết chế trong xã hội vận hành đúng mục tiêu.

Chỉ khi được quản lý đúng, tổ chức mới vận hành hiệu quả, xã hội mới phát huy được vai trò và con người mới có thể thích nghi được với cuộc sống hiện đại đầy biến động.

Không một hệ thống xã hội nào có thể tồn tại nếu thiếu quản lý. Ở bất kỳ nơi đâu có điều gí đó vận hành không hiệu quả, nguyên nhân gốc rễ thường bắt nguồn từ quản lý sai hoặc kém: có thể do tư duy lỗi thời, hệ thống quản trị yếu kém, hoặc phương pháp và công cụ đã lạc hậu nhưng chưa được thay thế.

 

3. Quản lý – Kỹ năng sống của thời đại mới

Ngày nay, quản lý không chỉ là kỹ năng dành riêng cho người làm lãnh đạo, mà còn là năng lực sống thiết yếu của mỗi cá nhân. Nếu như ở thế kỷ 18, con người phải biết đọc, viết và tính toán để tồn tại và phát triển, thì ngày nay, học cách quản lý hiệu quả là điều kiện tiên quyết để con người có thể làm việc và tồn tại trong tổ chức.

Xã hội ngày nay đã thay đổi căn bản. Trước kia, cuộc sống chủ yếu diễn ra trong phạm vi gia đình, cửa hàng nhỏ, xưởng thủ công hay ruộng vườn. Khi ấy, các thiết chế chính chỉ gồm nhà nước, tôn giáo và quân đội. Nhưng giờ đây, gần như tất cả chúng ta đều sống trong tổ chức, làm việc cho tổ chức và phát triển thông qua tổ chức.

Vì thế, mỗi người cần học cách làm việc hiệu quả trong tổ chức, phát huy năng lực thông qua tổ chức và biết sử dụng tổ chức như một công cụ để phát triển bản thân.

Thông qua quản lý đúng và tự quản lý bản thân, bất kỳ ai cũng có thể khai phá tiềm năng của chính mình, vượt xa những gì bản thân tưởng tượng, từ tài năng, điểm mạnh cho đến vốn sống và kinh nghiệm. Việc khai thác những nguồn lực hiệu suất tiềm ẩn chính là giải pháp cho nhiều vấn đề cấp bách hiện nay: từ thiếu hụt giáo dục, lãng phí nguồn lực, đến xu hướng cực đoan hóa và đặc biệt là tình trạng rối loạn chức năng trong các hệ thống xã hội.

Quản trị bản thân - khó khăn nhưng đắt giá - Viện Tâm lý Giáo dục BrainCare

Quản lý – Kỹ năng sống của thời đại mới

Giải phóng tiềm năng không có nghĩa là làm việc nhiều hơn mà là làm việc hiệu quả hơn. Đó là khả năng quản trị bản thân và người khác một cách đúng đắn, khoa học và hợp lý. Điều tuyệt vời là chi phí cho việc này gần như bằng không. Không cần đầu tư tài chính, chỉ cần có nhận thức đúng, tri thức đúng, thông tin chính xác và ý chí hành động.

Quản lý đúng ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Làm chủ kỹ năng quản lý đúng cũng chính là làm chủ cuộc sống. Với tinh thần đó, tôi đã phát triển Hệ thống quản lý tổng thể với hai trọng tâm: Quản lý vì con người và quản lý vì tổ chức. Hệ thống này tạo nền tảng để mỗi người biến điểm mạnh cá nhân thành kết quả thực tế, từ đó đạt được thành công, tìm thấy ý nghĩa trong công việc và sống một cuộc đời trọn vẹn

 

Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo chiến lược biên dịch từ Malik Letter, số 16 tháng 04. 2025

———————————————-

VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN LÃNH ĐẠO CHIẾN LƯỢC

Con đường đúng, tương lai sáng

🏢Địa chỉ: 266 Lạc Long Quân, Phường Bưởi, Quận Tây Hồ, Hà Nội

🌐Website: sleader.vn

📧Email: [email protected]

📖Tiki: https://tiki.vn/cua-hang/sleader

📞Hotline: 0965 965 368 / 0969 753 688 / 024 3201 1519

📱Zalo: Viện Lãnh đạo chiến lược Sleader/ 0969 753 688