Về bản chất, quản lý cần được nhìn nhận như một nghề chuyên môn thực thụ, giống như bao nghề khác trong xã hội. Ngay từ đầu, cần làm rõ quản lý không phải là năng lực bẩm sinh và càng không nên bị thần thánh hóa hay lý tưởng hóa như một khả năng phi thường, hiếm có.

Trong đào tạo và thực hành quản lý hiện nay, vẫn còn tồn tại một quan niệm sai lầm rằng: chỉ những người “sinh ra đã có tố chất lãnh đạo” mới có thể trở thành nhà quản lý giỏi. Quan niệm này nghe thì có vẻ hấp dẫn, nhưng thực chất lại gây ra nhiều hệ luỵ. Nó làm cản trở việc hiểu đúng và thực hành hiệu quả năng lực quản lý – một trong những năng lực quan trọng nhất của xã hội hiện đại. Nghiêm trọng hơn nữa, nó còn làm suy giảm chất lượng đào tạo quản lý trong các tổ chức. Tất nhiên, vẫn có những người sở hữu tố chất quản lý vượt trội. Nhưng phần lớn chúng ta đều cần được học hỏi, rèn luyện và phát triển kỹ năng quản lý một cách nghiêm túc thì mới có thể làm tốt vai trò này.

Chính vì vậy, nếu thực sự xem quản lý là một nghề, chúng ta cần chú trọng hơn vào những gì có thể học và truyền đạt được – như các kỹ năng, phương pháp và tính chuyên nghiệp trong quản lý. Trái với quan niệm phổ biến rằng chỉ ai có năng khiếu bẩm sinh mới có thể quản lý tốt, quản lý hoàn toàn có thể học được. Đáng tiếc là nhiều nhà quản lý hiện nay mới chỉ tiếp cận được phần rất nhỏ trong kho tàng kiến thức có thể học về quản lý. Do đó, họ thường làm việc dưới mức tiềm năng thực sự của họ.

Điều cần khẳng định là: Quản lý không chỉ là thứ có thể học, mà còn bắt buộc phải học. Không ai có thể tự nhiên quản lý hiệu quả nếu không trải qua quá trình rèn luyện bài bản. Đây không phải là tài năng thiên phú mà là kỹ năng nghề nghiệp. Vì vậy, cần phân biệt rõ ràng: quản lý không phải là năng khiếu cá nhân, và càng không nên bị xem như một “công việc tay trái” hay “sở thích nghiệp dư” như cách mà nhiều người, thậm chí cả tổ chức, vẫn đang hiểu sai.

Quản lý, cũng như bất kỳ nghề nào khác, phải được học một cách nghiêm túc, giống như việc học một ngoại ngữ hay rèn luyện một môn thể thao. Quản lý không hề dễ, vì vậy càng cần được luyện tập liên tục. Tuy nhiên, nó cũng không khó đến mức không thể học được, nên bất kỳ ai cũng có thể đạt đến trình độ thành thạo. Nhiều người thậm chí có thể trở thành nhà quản lý chuyên nghiệp – điều đặc biệt quan trọng trong bối cảnh tổ chức và xã hội biến động ngày càng phức hợp.

Việc một số người có năng khiếu nổi bật hơn không thay đổi thực tế rằng quản lý vẫn cần được học một cách có hệ thống, và ai cũng có thể học. Cũng vì vậy, quản lý, như bao nghề nghiệp chuyên môn khác, cần có hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng để đánh giá và hướng dẫn thực hành. Đáng tiếc là, cho đến nay, trong phần lớn các chương trình đào tạo và giáo trình quản lý, những tiêu chuẩn như vậy gần như không tồn tại.

Tuy nhiên, đến đây, một loạt câu hỏi quan trọng được đặt ra: Tuy đã nói rằng quản lý là một nghề – và hoàn toàn có thể học được – nhưng liệu như vậy đã đủ chưa? Với một số nhiệm vụ hoặc vị trí đặc biệt, chúng ta có cần thêm yếu tố bẩm sinh nào đó không? Liệu chúng ta có thể hoàn toàn hài lòng khi chỉ dừng lại ở “quản lý”? Hay đôi khi, điều cần thiết là một năng lực cao hơn – đó là khả năng lãnh đạo? Tôi xin để ngỏ những câu hỏi này, bởi câu trả lời sẽ phụ thuộc vào cách mỗi người hiểu “quản lý” là gì.

Quản lý không chỉ là một nghề độc lập, mà còn là một phần không thể thiếu trong hầu hết các nghề nghiệp khác. Khác với thời kỳ trước, ngày nay gần như mọi công việc đều được thực hiện trong tổ chức, hoặc phụ thuộc vào tổ chức để vận hành hiệu quả. Chính vì vậy, quản lý là nghề giúp các thiết chế của xã hội hiện đại hoạt động hiệu quả, và cũng chính yếu tố “quản lý” trong mỗi nghề nghiệp giúp con người làm việc hiệu quả trong tổ chức.

Thực tế cho thấy, rất ít người gặp khó khăn khi làm việc một cách độc lập ngoài tổ chức. Vấn đề bắt đầu xuất hiện khi con người làm việc trong tổ chức – nơi đặt ra những thách thức mới: làm thế nào để chuyển hoá từ làm việc chăm chỉ sang tạo ra kết quả, từ nỗ lực sang thành tựu, từ năng suất cá nhân sang hiệu quả toàn hệ thống?

Thế nhưng, rất nhiều chương trình đào tạo quản lý lại bỏ qua điểm mấu chốt này. Người ta thường chỉ nói đến con người hoặc tổ chức như hai phạm trù tách biệt, trong khi điều thực sự cần bàn đến là một điều khác: Quản lý là làm việc với con người trong tổ chức, và đồng thời, là quản lý một tổ chức được cấu thành từ con người. Đây là một mối liên hệ không thể tách rời.

Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo chiến lược biên dịch từ Malik Letter, số 15 tháng 04. 2025.

———————————————-

VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN LÃNH ĐẠO CHIẾN LƯỢC

Con đường đúng, tương lai sáng

🏢Địa chỉ: 266 Lạc Long Quân, Phường Bưởi, Quận Tây Hồ, Hà Nội

🌐Website: sleader.vn

📧Email: [email protected]

📖Tiki: https://tiki.vn/cua-hang/sleader

📞Hotline: 0965 965 368 / 0969 753 688 / 024 3201 1519

📱Zalo: Viện Lãnh đạo chiến lược Sleader/ 0969 753 688