“Không nên chỉ làm những gì mình giỏi” – Một lời gợi ý không giống như suy nghĩ của mọi người, nhưng lại là một hướng đi mà ít cá nhân hay doanh nghiệp nghĩ tới để tạo được sự bứt phá. Như Giáo sư Michael Porter của Đại học Harvard danh tiếng đã khuyên mọi người: “Chỉ tập trung vào các nguồn lực hay các kiến thức và lờ đi vị trí cạnh tranh thì có nguy cơ biến thành ếch ngồi đáy giếng”. Vậy tại sao không nên chỉ làm những gì mình giỏi?

Chân lý “Núi cao còn có núi cao hơn”

Chân lý này nhằm khẳng định việc một người dù rất giỏi ở một lĩnh vực nhưng sẽ có rất nhiều người khác xuất chúng hơn tại lĩnh vực đó. Lấy Bill Gates làm một ví dụ: Ông rất giỏi toán khi học phổ thông và ông đã quyết định học toán ở Đại học Harvard, sau một năm, ông phát hiện ra một điều quan trọng, đó là nếu tiếp tục học toán thì sẽ không thể đứng số 1 được vì đồng môn của Bill có một số là thiên tài về toán. Vì vậy, Bill Gates quyết định chuyển sang học tin học với hy vọng đây là ngành mới nên có thể trở thành số 1 trong lĩnh vực này. Tuy không dành nhiều thời gian trên giảng đường, mà thay vào đó là thành lập công ty riêng, nhưng hướng đi sang lĩnh vực Tin học của Bill Gates đã giúp ông đạt được thành công vượt trội bằng việc sở hữu đế chế Microsoft hùng mạnh và đưa ông trở thành một trong những người giàu nhất thế giới.

Trên thực tế, tại Việt Nam, cũng đã có rất nhiều người thành công không nhờ tập trung vào việc mình giỏi nhất, mà thay vào đó là tập trung vào những công việc khác biệt. Ví dụ, Bạch Thái Bưởi là một người giỏi tiếng Pháp và đã từng làm thư ký Công sứ Bonnet ở phố Tràng Tiền, Hà Nội. Tuy nhiên, sau đó ông đã quyết định chuyển sang lĩnh vực kinh doanh mà bản thân chưa hề có kiến thức và kinh nghiệm. Với ý chí và khát vọng của mình, ông sau này đã thành công trong nhiều lĩnh vực kinh doanh mới và có nhiều tiềm năng thời bấy giờ, tiêu biểu là hàng hải, khai thác than và in ấn.

Thay bằng việc trở thành giỏi nhất, hãy trở thành khác biệt

Đây là một triết lý kinh doanh đã được khẳng định bởi Giáo sư Michael Porter trong hoạch định chiến lược. “Thương trường như chiến trường”, việc cạnh tranh luôn luôn rất khốc liệt, vì vậy, việc định vị một lối đi khác biệt trên thị trường sẽ giúp các doanh nghiệp tạo được lợi thế cạnh tranh và phát triển vượt trội. Các doanh nghiệp cần tìm cho mình một “khoảng trống” trong thị trường, nơi những nhu cầu của một nhóm khách hàng chưa được đáp ứng. Điều này sẽ giúp giảm sự cạnh tranh trực tiếp, mang lại những lợi thế cho doanh nghiệp như tạo ra lượng khách hàng trung thành, gia tăng biên lợi nhuận, nhờ vậy đạt được thành công dài hạn.

Apple chính là ví dụ minh chứng cho việc thực hiện thành công chiến lược khác biệt hóa với câu slogan quen thuộc: Think different. Rất nhiều sản phẩm của Apple đều tạo nên những trào lưu, xu hướng mới như iPod, iPhone, Airpod, giúp công ty sở hữu lượng fan trung thành khổng lồ và khiến giới yêu công nghệ luôn chờ đón mỗi khi sản phẩm mới được ra mắt.

Để tập trung vào việc xây dựng một lợi thế cạnh tranh khác biệt, Giáo sư Michael Porter đã khuyên rằng cần phải từ bỏ một số lĩnh vực, ngành nghề để tập trung đầu tư cho những sản phẩm mang lại sự khác biệt và đạt hiệu quả cao. Ví dụ, Công ty Nokia từng kinh doanh trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau, trong đó phải kể đến sản xuất xe hơi, lốp xe đạp, giày dép (bao gồm cả ủng cao su), cáp thông tin, truyền hình máy tính cá nhân, thông tin liên lạc. Tuy nhiên, trong thập niên 90, công ty đã gạt bỏ những ngành nghề không thuộc lĩnh vực Viễn thông và tập trung để đưa điện thoại Nokia trở thành thống lĩnh thị trường lúc bấy giờ.

Có thể thấy, việc “Không nên chỉ làm những gì mình giỏi” tuy là một cách tiếp cận mới nhưng trên thực tế đã nhiều lần được ứng dụng thành công. Trên bình diện cá nhân hoặc doanh nghiệp, thậm chí là quốc gia, cần phải làm những việc mà các đối thủ cạnh tranh không làm được hoặc làm không tốt bằng chứ không hẳn là làm những gì mình giỏi, để có thể giảm thiểu sự cạnh tranh và đạt được thành công vượt trội.

——————————————————-

Đọc thêm các bài viết khác để hiểu rõ thêm về những cách tiếp cận khác biệt trong quản trị từ cuốn sách “Giải mã Chiến lược Đông Tây”.

Liên hệ đặt sách trực tiếp hoặc qua Tiki tại đây.