Trong nền kinh tế thị trường, cụm từ “ chiến lược ” được sử dụng thường xuyên trong lĩnh vực kinh doanh và xuất hiện với tần suất khá nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội và trong đời sống hàng ngày. Tuy nhiên, không phải lúc nào chiến lược cũng được hiểu một cách rõ ràng và chính xác. Khái niệm sâu sắc thì không dễ hiểu, dễ hiểu thì không sâu sắc. Dưới đây, Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo chiến lược (SLEADER) giới thiệu một quan niệm vừa thực tiễn, vừa dễ hiểu để giúp các doanh nghiệp đi đúng đường.

Những quan niệm sai lầm phổ biến về chiến lược

Năm 2008, trong bài thuyết trình dài năm tiếng trước các doanh nhân và lãnh đạo Việt Nam, Giáo sư của Đại học Havard, Micheal Porter một trong những chuyên gia nổi tiếng về chiến lược đã chỉ ra 3 loại sai lầm phổ biến nhất khi định nghĩa về chiến lược, đó là:

Nhầm lẫn chiến lược và hành động

Nhiều người định nghĩa chiến lược là những bước đi cụ thể. Ví dụ như: Chiến lược của chúng tôi là vươn ra quốc tế, bán hàng ra khu vực; Chiến lược của công ty là sáp nhập với công ty B để thành lập tập đoàn C.

Nhầm lẫn chiến lược là khát vọng

Rất nhiều các chủ doanh nghiệp tuyên bố rằng: Chiến lược của chúng tôi là trở thành số 1 hoặc số 2 trên thị trường; Chiến lược của chúng tôi là tăng trưởng gấp 5 lần, tạo ra siêu lợi nhuận cho cổ đông.

Nhầm lẫn chiến lược và tầm nhìn, hoài bão.

Chiến lược của chúng tôi là thấu hiểu, thỏa mãn các nhu cầu của khách hàng, cung cấp các dịch vụ thượng hạng; Chiến lược của chúng tôi là phát triển công nghệ hiện đại cho nhân loại

Làm thế nào để hiểu đúng về chiến lược

Thuật ngữ chiến lược bắt đầu được sử dụng trong lĩnh vực quân sự, là sự kết hợp của từ chiến (戦), nghĩa là chiến đấu, tranh giành và từ lược (略), nghĩa là mưu, tính. Như vậy, hiểu một cách đơn giản thì chiến lược là những mưu kế, tính toán nhằm chiến đấu và quan trọng hơn, giành chiến thắng.  Chiến lược là nhằm tới đích cuối cùng là chiến thắng, không nhằm vào từng trận đánh, chiếm đất, giữ thành. Chiến lược xuất sắc nhất là không đánh mà thắng (bất chiến tự nhiên thành). Tướng giỏi không phải là xông pha đánh trận, giết giặc mà là ngồi trong màn trướng nhưng quyết thắng ở ngoài ngàn dặm.

Dần dần, chiến lược được sử dụng trong những lĩnh vực khác của đời sống kinh tế xã hội, đặc biệt là lĩnh vực kinh doanh. Tuy nhiên, do có các cách tiếp cận khác nhau nên đã xuất hiện nhiều định nghĩa khác nhau. Ngay cả Giáo sư M. Porter, khi phê phán các quan niệm sai lầm phổ biến về chiến lược, Ông cũng không đưa ra định nghĩa cụ thể về chiến lược. Trước đó, trong bài viết: Chiến lược là gì? (What is strategy), được đăng trên tạp chí nổi tiếng là Havard Business Review, Giáo sư M. Porter cho rằng, chiến lược là lợi thế cạnh tranh của công ty, nó xác lập vị trí trên thị trường mà công ty muốn đạt được đồng thời định ra cách thức khác biệt mà công ty cần phải tiến hành để đạt được mục tiêu đó.

Điểm khác biệt mà M. Porter nhấn mạnh chính là tính công khai của chiến lược. Lập luận của M.Porter là nếu không công khai chiến lược cho nhân viên và khách hàng thì chiến lược sẽ không thể thành công được vì đây chính là hai chủ thể sẽ quyết định kết quả của chiến lược: nhân viên thì thực hiện còn khách hàng mua sản phẩm.

Trên thực tế, vì không làm cho nhân viên thấu hiểu chiến lược nên lãnh đạo của các doanh nghiệp Việt Nam thường hay bối rối khi những chiến lược được hoạch định công phu lại không bao giờ thực hiện được. Họ cho rằng những kế hoạch chiến lược rất hay được vạch ra trong những trang tài liệu sẽ đảm bảo thành công, trong khi đó không hề đánh giá cao sự cần thiết phải có một bước đi rõ ràng,  cụ thể để mọi người có thể sử dụng nó như ánh sáng soi đường cho những quyết định hóc búa.

Việc kinh doanh cũng giống như việc bạn có 10.000 tập hồ sơ và mỗi bộ hồ sơ nói về một cá nhân. Nếu như bạn làm việc theo kiểu cứ cầm mỗi bộ hồ sơ lên, bỏ vào đó một mảnh giấy, bạn sẽ có 10.000 bộ hồ sơ với những mảnh giấy nằm ngang dọc theo các hướng khác nhau. Nếu không có một chiến lược rõ ràng thì dẫu có 10.000 người thông minh làm việc cho bạn, kết quả cũng sẽ chỉ tạo ra sự hỗn độn bởi 10.000 người đó sẽ tạo ra một loạt quyết định mà họ cho là đúng cho công ty.

Mục tiêu chiến lược cần phải rõ ràng, cụ thể, định lượng được và có giới hạn thời gian. Nếu chỉ nói chung chung rằng: “Chúng tôi muốn phát triển một cách có lợi nhuận” thì chưa đủ. Giữa phát triển và lợi nhuận – điều gì quan trọng hơn? Có thể có những mục tiêu thấp hơn phía sau mục tiêu chiến lược và những mục tiêu thấp hơn này đóng vai trò là thước đo giám sát tiến trình cho những cá nhân nào có trách nhiệm. Mục tiêu cuối cùng là thúc đẩy hoạt động trong nhiều năm tới và mục tiêu này nên luôn luôn rõ ràng. Như vậy, một tuyên bố chiến lược sẽ phải phản ánh được các quyết định cốt lõi nhất của công ty liên quan đến mục tiêu và cách thức để đạt mục tiêu. Các quyết định đó được xâu chuỗi và có tính nhất quán.

Việc lựa chọn mục tiêu có ảnh hưởng sâu sắc đến công ty. Khi Boeing thay đổi mục tiêu ban đầu của hãng từ việc trở thành công ty lớn nhất trong ngành công nghiệp sản xuất máy bay thành công ty có lợi nhuận nhất, doanh nghiệp này phải tái cấu trúc lại toàn bộ tổ chức, từ sản xuất đến bán hàng. Chẳng hạn như là, Boeing bỏ chính sách cạnh tranh với Airbus từng đồng xu một trong mỗi hợp đồng và hủy bỏ cam kết sản xuất hơn một nửa nhu cầu máy bay lớn nhất trong một năm.

Tuy nhiên, nếu chỉ đưa ra quyết định về mục tiêu chiến lược mà không nêu rõ cần phải hành động gì và làm như thế nào thì không tạo ra kết quả mong muốn. Để thực hiện được mục tiêu chiến lược cần phải có giải pháp chiến lượcđược quyết định trên cơ sở năng lực cốt lõi của công ty cũng như các ràng buộc của môi trường kinh doanh. Mục tiêu chiến lược và giải pháp chiến lược luôn có tính nhất quán, tương hỗ lẫn nhau và đảm bảo cho sự đột phá nếu thực thi nghiêm chỉnh.

Như vậy, chiến lược của một doanh nghiệp chính là chuỗi quyết định nhất quán nhằm định hướng tương lai dài hạn và tạo ra kết quả lớn lao, từ đó có sự đột phá về chất. Chiến lược được thể hiện dưới dạng tuyên bố hoặc ngầm định.

Chiến lược như ngọn đuốc soi sáng con đường phát triển của mỗi doanh nghiệp. Việc hiểu đúng về chiến lược và tuyên bố chiến lược rõ ràng để mọi người thấu hiểu sẽ tạo ra sự thống nhất trong công việc. Trên cơ cở đó, toàn bộ các nhà quản trị lẫn đội ngũ nhân viên sẽ có căn cứ để thực hiện vai trò của bản thân, đưa ra những lựa chọn, quyết định nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và đưa doanh nghiệp phát triển bền vững.

Nguồn: VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN LÃNH ĐẠO CHIẾN LƯỢC