Tóm lược: Trong các cuộc suy thoái năm 1980, 1990 và 2000, 17% trong số 4.700 công ty đại chúng được nghiên cứu hoạt động rất tệ: họ bị phá sản, bị tư nhân hóa hoặc bị mua lại; nhưng cũng có 9% trong số đó phát triển mạnh mẽ, vượt trội hơn ít nhất 10% về doanh thu và lợi nhuận so với các đối thủ cạnh tranh. Vậy, các công ty nên chuẩn bị như thế nào trước một cuộc suy thoái và họ nên làm gì khi suy thoái xảy ra? Bài này sẽ mang đến những lời khuyên cho bốn lĩnh vực: nợ, ra quyết định, quản lý lực lượng lao động và chuyển đổi kỹ thuật số.

Đầu năm 2000, công ty kinh doanh sách trực tuyến Amazon.com chỉ mới 5 tuổi đã bán ra 672 triệu đô la trái phiếu chuyển đổi nhằm củng cố tình hình tài chính. Một tháng sau, bong bóng dot-com bùng nổ. Vài năm sau đó, hơn một nửa số công ty kỹ thuật số khởi nghiệp đã ngừng hoạt động – gồm rất nhiều đối thủ của Amazon trong lĩnh vực thương mại điện tử lúc bấy giờ.

Suy thoái – được định nghĩa là tăng trưởng kinh tế âm trong hai quý liên tiếp – có thể do các cú sốc kinh tế (chẳng hạn như giá dầu tăng đột biến), khủng hoảng tài chính (như khủng hoảng xảy ra trước cuộc Đại suy thoái 2009), hay những thay đổi nhanh chóng của kỳ vọng kinh tế (nguyên nhân khiến bong bóng dot-com tan vỡ), hoặc một sự kết hợp nào đó của cả ba. Hầu hết các công ty đều bị ảnh hưởng trong thời kỳ suy thoái. Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu (và doanh thu) giảm trong khi sự mơ hồ về tương lai gia tăng. Nhưng nghiên cứu cũng cho thấy có nhiều cách để giảm thiểu thiệt hại.

“Suy thoái kinh tế là một bài tập đầy áp lực trong quản lý sự thay đổi. Để định hướng thành công trong một cuộc suy thoái, một công ty cần phải linh hoạt và sẵn sàng thích ứng.”

1. Giảm nợ trước suy thoái

Điều đầu tiên và quan trọng nhất là đừng để cạn tiền. Suy thoái kinh tế thường dẫn tới doanh thu giảm và do đó khoản tiền để chi trả cho các hoạt động cũng sẽ giảm. Nếu Amazon không huy động được một khoản tiền trước khi vụ phá sản dot-com xảy ra, cơ hội lựa chọn của công ty sẽ bị thu hẹp hơn rất nhiều. Chính nhờ số tiền thu được từ trái phiếu, phần lỗ trong các khoản đầu tư đã được bù đắp và Amazon Marketplace, nền tảng dành cho người bán bên thứ ba của Amazone ra đời. Thậm chí, trong và sau suy thoái, Amazon đã có thể mở rộng sang các phân khúc mới như nhà bếp, du lịch, may mặc và vào thị trường Canada.

Nợ nần càng lớn, bạn càng cần nhiều tiền lưu động để trả gốc và lãi. Khi một cuộc suy thoái xảy ra và lượng tiền để quay vòng cạn kiệt, bạn sẽ đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Trước sức ép từ những khoản nợ phải trả, các công ty sẽ buộc phải cắt giảm chi phí, thường là bằng cách sa thải nhân viên. Kéo theo đó, năng suất sẽ giảm và cơ hội để bắt đầu các khoản đầu tư mới cũng không còn.

Nếu dự liệu rằng sắp tới sẽ có một cuộc suy thoái, công ty nên cân nhắc việc giảm nợ. Bạn cần xem xét kỹ danh mục đầu tư của mình, có thể chọn bán bớt tài sản để giảm nợ chứ không nhất thiết phải cắt giảm các hoạt động cốt lõi của công ty.

2. Tập trung vào việc ra quyết định

Khảo sát về quyền tự quyết cho thấy các công ty nơi mà quản lý nhà máy có ít quyền quyết định trong vấn đề đầu tư, ra mắt sản phẩm mới, bán hàng và marketing được coi là có mức độ tập quyền cao. Khi thu thập dữ liệu về những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc Đại suy thoái, các nhà nghiên cứu thông tin: “Việc phân quyền giúp các công ty/tổ chức hiệu quả hơn khi đối mặt với hoàn cảnh khắc nghiệt nhất trong khủng hoảng”. Tuy nhiên, họ cũng phát hiện ra rằng, lợi ích của việc phân quyền giảm dần đi khi điều kiện kinh tế được cải thiện.

Điều này cho thấy, trong những thời điểm không rõ ràng, việc ủy quyền ra quyết định đặc biệt có giá trị. Những công ty phân quyền thực hiện trao quyền quyết định cho các cấp thấp hơn sẽ có khả năng thích ứng tốt hơn với các điều kiện thay đổi, chẳng hạn như điều chỉnh sản phẩm để đáp ứng nhu cầu mới.

Trong thời kỳ suy thoái, các công ty dễ rơi vào bẫy tập trung quyền lực. Nhưng tính chất mơ hồ của một cuộc suy thoái đòi hỏi phải thử nghiệm đối với việc ra quyết định trong toàn tổ chức. Ngay cả khi các công ty quyết định không phân quyền thì họ vẫn có thể thu thập thông tin đầu vào từ nhân sự ở tất cả các cấp để đưa ra những quyết định quan trọng.

Đồng hợp Malik – Công cụ thông minh giúp vận dụng hiệu quả trí tuệ số đông để giải quyết các thách thức của tổ chức và doanh nghiệp.

3. Đừng chỉ chăm chăm vào cắt giảm nhân sự

Cắt giảm nhân sự là điều không thể tránh khỏi trong thời kỳ suy thoái. Trong cuộc Đại suy thoái, chỉ riêng năm 2009 đã có 2,1 triệu người Mỹ bị mất việc làm. Tuy nhiên, các công ty nổi lên mạnh mẽ nhất từ cuộc khủng hoảng lại ít dựa vào việc sa thải nhân viên để cắt giảm chi phí, mà dựa nhiều hơn vào việc nâng cao hiệu suất lao động.

Đó là bởi, sa thải không chỉ gây hại đến người lao động mà còn gây tốn kém cho các công ty. May mắn thay, sa thải không phải là cách duy nhất để cắt giảm chi phí lao động. Các công ty nên xem xét các phương án giảm giờ làm, cho nghỉ luân phiên và trả lương theo hiệu suất.

Một điểm hấp dẫn của việc giảm giờ làm và cho nghỉ luân phiên là, tương tự như cắt giảm nhân sự, các công ty vẫn có toàn quyền quyết định người lao động nào bị ảnh hưởng. Trong khi đó, việc cắt giảm lương toàn diện hoặc ngừng sử dụng lao động mà không xem xét đến năng suất của nhân viên có thể gây phản tác dụng, làm tổn hại tinh thần của cả công ty và đẩy những nhân viên hiệu quả nhất rời đi. Đến khi suy thoái qua đi, việc tuyển dụng và đào tạo nhân viên mới trở nên khó khăn và rất tốn kém, dẫn đến cơ hội tồn tại sau đó của các công ty giảm sút nghiêm trọng.

Ngoài ra, trả lương theo hiệu suất, hay trả thù lao dựa trên một số thước đo về hiệu suất lao động hoặc kết quả kinh doanh, cũng là một cách khác để kiểm soát chi phí lao động mà không làm ảnh hưởng đến năng suất chung. Với việc trả lương theo hiệu suất, người lao động được khuyến khích để thích ứng với các điều kiện thay đổi và các công ty cũng trở nên linh hoạt hơn trong thời kỳ khó khăn.

4. Đầu tư vào công nghệ

Suy thoái xuất hiện là để khuyến khích việc áp dụng các công nghệ mới. Số liệu thống kê cho thấy, ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc Đại suy thoái tại Hoa Kỳ, các công ty đã tăng cường đầu tư vào công nghệ thông tin và tăng yêu cầu về kỹ năng CNTT trong thông tin tuyển dụng.

Có thể là vì việc áp dụng công nghệ sẽ tốn ít chi phí hơn trong thời kỳ suy thoái. Khi nền kinh tế đang trong tình trạng tốt, một công ty sẽ dồn hết cho việc đẩy mạnh sản xuất và kinh doanh. Nhưng khi số lượng người sẵn sàng mua hàng giảm đi, các hoạt động không cần phải duy trì ở mức tối đa, ngân sách hoạt động được giải phóng để đầu tư vào các sáng kiến CNTT mà không làm giảm doanh số bán hàng.

Hơn nữa, về thực tế quản lý, công nghệ có thể làm cho doanh nghiệp của bạn minh bạch hơn, linh hoạt hơn và hiệu quả hơn, giúp ban quản lý hiểu rõ hơn về doanh nghiệp, mức độ ảnh hưởng của suy thoái và tìm thấy tiềm năng cải thiện hoạt động.

Như chúng ta đã thấy, suy thoái kinh tế có thể tạo ra khoảng cách hiệu suất lớn và lâu dài giữa các công ty. Công nghệ kỹ thuật số cũng có thể làm điều tương tự. Sẽ đến lúc các công ty bỏ qua quá trình chuyển đổi kỹ thuật số nhận ra rằng những khoảng cách đó là không thể vượt qua trong cuộc suy thoái kế tiếp.


Nguồn: Sleader tổng hợp và biên dịch

Walter Frick (2022). How to Survive a Recession and Thrive Afterward. Harvard Business Review, <How to Survive a Recession and Thrive Afterward (hbr.org)>. Trích xuất ngày 31/3/2022.