Nữ Tiến sĩ đam mê tìm chiến lược cho doanh nghiệp Việt

Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược

Từ khóa

Ngày đăng

Tác giả

Chia sẻ

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

Nữ Tiến sĩ đam mê tìm chiến lược cho doanh nghiệp Việt

Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược

Từ khóa

Tác giả

Chia sẻ

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

Trong cuộc đời của mình, tôi không thể nào quên được những khoảnh khắc của sự lựa chọn và những ngã rẽ. Đối với tôi, việc rời bỏ công việc ổn định ở một trường đại học để khởi nghiệp là một quyết định mang tính bước ngoặt.

Khởi nghiệp kinh doanh khi không còn trẻ nữa

Năm 2021, giữa những ảnh hưởng khắc nghiệt của dịch COVID-19 lên mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội, cái tên Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược (Sleader) và người lãnh đạo TS. Dương Thu trở nên nổi bật khi là đơn vị tiên phong trong việc đưa ra cách tiếp cận “Chủ động chuyển đổi” trong đại dịch tới các doanh nghiệp.

Các dự án lớn mà Sleader thực hiện được trong thời kỳ được đánh giá là vô cùng khó khăn của nền kinh tế toàn cầu này có thể kể đến như: “Xây dựng Chiến lược phát triển đến năm 2025, tầm nhìn 2035 của Tập đoàn GDC”; “Tư vấn xây dựng chiến lược phát triển Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; “Chiến lược phát triển thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045”. Những khách hàng là các tổ chức, tập đoàn lớn trong nước là những minh chứng cho tầm nhìn dài hạn của những người lãnh đạo và sự lan tỏa của cách tiếp cận “Chủ động chuyển đổi” tới khu vực doanh nghiệp và khu vực công.

Gặp gỡ để tìm hiểu về người phụ nữ dám nghĩ, dám làm, dám bước chân vào lĩnh vực rất khó, xưa nay thường dành cho nam giới, như “tư vấn chiến lược”, TS. Dương Thu có sự mềm mại, chỉn chu và bài bản của một người phụ nữ làm dịch vụ tư vấn nhưng cũng đầy quyết đoán, bản lĩnh của một doanh nhân. Trong đó, những “bứt phá” khi từ bỏ cương vị quản lý các chương trình đào tạo và tư vấn tại Viện Quản trị Kinh doanh, trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) là hành động quyết đoán bậc nhất của nữ doanh nhân.

Chị kể, năm 2015, chị được phân công tổ chức khóa khảo sát học tập trải nghiệm thực tế (study tour) cho một đoàn gồm 20 doanh nhân sang Nhật Bản tham quan và học hỏi kinh nghiệm. Liên tục trong 10 ngày là các chương trình làm việc dày đặc với các doanh nhân, nhà quản lý và các giáo sư nổi tiếng tại Nhật Bản. Trong suốt hành trình, mặc dù bận rộn với việc quản lý nhưng con mắt quan sát có chủ đích vẫn cho chị thấy cách con người, doanh nghiệp và đất nước Nhật Bản thực hành nghệ thuật kinh doanh.

“Được nghe các bài giảng với các chuyên gia cũng như trực tiếp đến tận nhà máy, công trường, siêu thị của Nhật Bản, tôi đã tự trả lời được câu hỏi tại sao Nhật Bản lại có thể phát triển vượt bậc đến vậy. Phương châm làm việc của người Nhật là luôn hết mình khi làm bất cứ công việc gì. Những hành động dù nhỏ, như việc nhân viên nhà hàng dùng một chiếc khăn đẹp phủ lên túi của cho khách hàng vừa thể hiện sự tế nhị vừa đảm bảo không ảnh hưởng đến không gian được trang trí đẹp đến từng chi tiết đã thực sự thu hút tôi. Tôi hiểu rõ, mỗi sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng là kết quả của quy trình làm việc khắt khe, nghiêm túc với nguyên tắc: “Tất cả dành cho khách hàng” – chị Thu chia sẻ.

Chữ “tín” chính đặc điểm nổi bật trong kinh doanh và sinh hoạt hằng ngày của người dân Nhật Bản. Các công ty Nhật có tầm nhìn xa, nhưng luôn chú trọng từng chi tiết nhỏ. Mọi hoạt động đều hướng tới sự phát triển bền vững chứ không phải vì lợi nhuận trước mắt. Đó cũng là lý do ở Nhật có rất nhiều doanh nghiệp đã có tuổi thọ ít nhất một thế kỷ và nhận được sự tin cậy của khách hàng quốc tế đối với các sản phẩm của xứ sở hoa Anh Đào.

Từ những cảm nhận về cách làm kinh doanh của con người ở đất nước Phù Tang, so sánh với Việt Nam, chị thấy rằng đa số các doanh nghiệp Việt có quy mô nhỏ và vừa, lãnh đạo có chuyên môn nghiệp vụ tốt, nhưng chưa được đào tạo bài bản về quản lý chuyên nghiệp. Do thiếu kiến thức về quản lý chuẩn, cũng như thiếu tư duy và kỹ năng hoạch định chiến lược, nên các hoạt động mang tính tự phát, chủ yếu xoay xở theo tình huống, khi thấy có lời thì kinh doanh và sản phẩm nào có thể bán được thì sản xuất. Thay vì vạch ra tầm nhìn, định hướng chiến lược để thành công lâu dài, họ thường chỉ đạo bằng các kinh nghiệm nên vai trò của cá nhân lãnh đạo rất cao, nhưng doanh nghiệp hay tổ chức thường bị động trên con đường phát triển lâu dài.

Clip chia sẻ về chặng đường khởi nghiệp của TS. Dương Thu:

 

Trong khi đó, để có được những tư vấn trong xây dựng chiến lược phát triển lâu dài và bền vững khi ấy tại Việt Nam, doanh nghiệp chỉ có thể tìm đến các các công ty tư vấn lớn như McKinsey, BCG, Bain & Company với mức giá thậm chí lên tới hàng triệu đô la cho 1 dự án tư vấn chiến lược. Cả khó khăn về nguồn lực tài chính cũng như hạn chế về tầm nhìn đã tạo nên những rào cản khiến các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ rất khó có thể đầu tư cho một chiến lược kinh doanh phù hợp ngay từ đầu.

Cơ hội, tiềm năng thị trường trong mảng tư vấn chiến lược doanh nghiệp đã mở ra con đường mới cho Dương Thu, thỏa mãn khao khát làm điều lớn hơn những gì đang làm. “Tứ thập nhi bất hoặc”, khi đã thấy đường đi thì không nghi ngờ, cương quyết theo đuổi – chị đem suy nghĩ khởi nghiệp này chia sẻ với các chuyên gia hàng đầu về quản trị chiến lược và nhận được những tư vấn quý giá.

Tháng 4/2017, Viện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo Chiến lược (Sleader) ra đời, bắt đầu hành trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt tìm “con đường đi”. TS. Dương Thu chính thức rời trường đại học, dấn thân vào kinh doanh và trở thành nữ doanh nhân “trẻ” khi bước sang tuổi 44.

Bước đi bài bản trên “vai người khổng lồ”

Đầu năm 2017, trong khuôn khổ chuyến công tác tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 47 Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Thụy Sỹ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp gỡ Chủ tịch Viện nghiên cứu Malik Thụy Sỹ – Giáo sư Fredmund Malik. Tại buổi tiếp, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Giáo sư và Viện Malik tiếp tục triển khai hiệu quả các thỏa thuận hợp tác với Việt Nam.

Cuộc gặp gỡ của người lãnh đạo cấp cao cũng là khởi đầu cho cơ duyên hợp tác chính thức của Sleader với đối tác chiến lược là tổ chức hàng đầu thế giới về điều khiển học, quản trị và lãnh đạo – Viện Malik Thụy Sỹ từ năm 2019.

Chị Thu kể: “Bước vào thị trường tư vấn cho doanh nghiệp muộn hơn những người khác, chị hiểu phải tìm cho được những đối tác quốc tế lớn, có cùng chí hướng để cùng thực hiện mục tiêu xây dựng chiến lược cho doanh nghiệp Việt. Sau 2 năm tìm kiếm đối tác, nữ doanh nhân đã được gặp GS. Fredmund Malik – người sáng lập Viện Malik, người cũng từng quyết định rời trường đại học để tự mình thực hiện các ý tưởng mới, đưa các mô hình quản lý đến với các tổ chức và doanh nghiệp.

Khi trao đổi chi tiết với Viện Malik, Thụy Sỹ thì cả hai bên đều nhận thấy cách tiếp cận rất giống nhau, đặc biệt là về sứ mệnh và con đường. Sự bắt tay hợp tác của lãnh đạo Viện Malik – tổ chức tư vấn có trụ sở tại nhiều nước trên thế giới, cung cấp giải pháp tư vấn cho hơn 1.000 tổ chức và doanh nghiệp, trong đó có những tên tuổi lớn của châu Âu như Airbus, Exxon Mobil, BMV, Volkswagen, Daimler, Siemens… đã “rút ngắn” chặng đường đi của Sleader.

Cụ thể, với các công cụ thông minh từ trường phái quản lý Thụy Sỹ như “Đồng hợp Malik”, “Bánh xe quản lý”, “Hai đường cong chữ S”, “Hệ thống quản lý tích hợp IMS” kết hợp với cách tiếp cận hài hòa Đông Tây của Sleader, đã tạo ra những sản phẩm, dịch vụ khác biệt, dành riêng cho các doanh nghiệp, địa phương Việt Nam.

Làm đúng việc và làm việc đúng cách

Vốn được đào tạo căn bản về quản trị kinh doanh nên TS. Dương Thu quyết định làm đúng ngay từ đầu: Từ trang trí không gian làm việc đến thiết kế vận hành website, hoạch định chiến lược và tuyển dụng và đào tạo nhân sự đều được tiến hành một cách chuyên nghiệp, hướng tới phát triển bền vững.

Đội ngũ nhân sự của Sleader được tuyển chọn kỹ lưỡng và thu hút từ nhiều nguồn khác nhau, TS. Dương Thu khẳng định đây đều là những nhân sự “chất lượng cao”. Vì vậy, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp phải tính đến việc giảm lương hay cắt giảm nhân sự, Sleader vẫn lựa chọn cách duy trì những điều kiện tốt nhất cho nhân viên, bố trí các công việc thích hợp như nghiên cứu thị trường, xây dựng các sản phẩm mới, nhận chuyển giao các công cụ tư vấn từ Viện Malik, Thụy Sỹ để sẵn sàng đón “sóng phục hồi” của nền kinh tế.

Bằng nhiều nỗ lực, Sleader đã dần dần khẳng định được chỗ đứng trong lĩnh vực tư vấn chiến lược, khách hàng bắt đầu tìm đến và đề nghị hợp tác. Sleader cung cấp dịch vụ tư vấn và chuyển giao công nghệ quản lý cho khách hàng có tên tuổi trong nhiều lĩnh vực như: Petrolimex, VAECO, EVN, VNH, MHDI, GDC, PVChem, LAFCO, Tiến Nông…

Những sản phẩm tư vấn đạt chất lượng “quốc tế” nhưng chỉ với chi phí “nội địa” của tổ chức tư vấn tròn 5 năm tuổi đã và đang từng bước thuyết phục được các đối tác lớn trong nước, trở thành tổ chức tư vấn chiến lược có uy tín.

TS. Dương Thu, với vai trò của một nhà tư vấn chiến lược đã khẳng định “Con đường đúng; tương lai sáng” sau rất nhiều khó khăn của khởi nghiệp. “Chuyên gia tư vấn” của chính Sleader cũng tự tin đặt ra mục tiêu lớn, đó là xây dựng Sleader trở thành thương hiệu quốc gia về tư vấn chiến lược vào năm 2025.

>> Đọc thêm: Hành trình 5 năm dấn thân vào khởi nghiệp kinh doanh của Viện trưởng Sleader

Doanh nghiệp Việt cần tầm nhìn xa

Chia sẻ về cuốn sách mà chị là chủ biên “Giải mã Chiến lược Đông Tây” và cuốn sách “Quản lý: Những điều cốt lõi” do chị và cộng sự dịch, TS. Dương Thu tự hào vì đây đều là những cuốn sách được độc giả đánh giá 5 sao và nằm trong top 20 sách bán chạy về quản trị, lãnh đạo trên trang phát hành sách trực tuyến.

Viện trưởng Sleader cho biết: Trong giai đoạn giãn cách do đại dịch COVID-19, rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn chồng chất và bối rối trước sự phức hợp của trạng thái “bình thường mới”. Đó là lý do chính mà chị và TS. Trần Thị Hồng Liên quyết định ra mắt tập sách. Đây được xem như cuốn cẩm nang diễn đạt những nội dung phức tạp bằng ngôn từ dễ hiểu (như những câu chuyện, tình huống hay ví dụ thực tiễn) để mọi thành viên của một tổ chức đều có thể tham gia xây dựng chiến lược.

Nỗ lực để xây dựng chiến lược cho doanh nghiệp Việt và các tổ chức, địa phương còn được TS. Dương Thu khẳng định bằng việc tham gia nhiều sự kiện tư vấn, đào tạo cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, chia sẻ thông tin về chiến lược và quản lý tại các hội nghị, hội thảo của Hội Khoa học phát triển nguồn Nhân lực Nhân tài Việt Nam, Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, Tổ chức kết nối thương mại toàn cầu (BNI), Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp, Câu lạc bộ Doanh nghiệp Doanh nhân Họ Dương Việt Nam, Cà phê Thứ 7…

Khởi nghiệp muộn, nhưng có thể thấy, TS. Dương Thu đang có những bước đi bài bản với tầm nhìn xa của người lãnh đạo, vốn là một chuyên gia tư vấn chiến lược. Đây có thể xem là hình mẫu tham khảo cho các doanh nghiệp Việt trên con đường phát triển và khẳng định thương hiệu, từ đó có những đóng góp to lớn hơn vào sự phát triển chung về kinh tế, xã hội của đất nước.

Nguồn Báo Tin Tức Thông Tấn Xã Việt Nam