Trang chủ » Chung tay tiếp nối truyền thống và giữ gìn bản sắc văn hóa Việt
Chung tay tiếp nối truyền thống và giữ gìn bản sắc văn hóa Việt
Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược
Từ khóa
Tác giả
admin
Chia sẻ
Chung tay tiếp nối truyền thống và giữ gìn bản sắc văn hóa Việt
Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược
Từ khóa
Ngày đăng
Tác giả
admin
Chia sẻ
Sleader luôn nỗ lực xây dựng văn hóa doanh nghiệp và tạo lập môi trường để đội ngũ nhân viên được trải nghiệm, lĩnh hội thêm những kiến thức mới trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là văn hóa truyền thống và lịch sử dân tộc. Đây chính là đích đến trong chuyến du xuân đầu năm của Sleader tại cố đô Hoa Lư, Ninh Bình.
Dâng hương tại đền Gối Đại – Trung tâm tâm linh của Thung Nham
Điểm dừng chân đầu tiên của Sleader Team là đền Gối Đại linh thiêng nằm ở Trung tâm khu du lịch Thung Nham, phía Tây thành cổ Hoa Lư. Đây là ngôi đền cổ được vua Đinh Tiên Hoàng cho xây dựng để đời sau nhớ đến công lao trấn giữ cửa phía Tây Hoa Lư xưa của Việt Thắng Đại Vương. Cái tên Gối Đại có nghĩa là “nối tiếp triều đại này đến triều đại khác” – mong muốn đời sau luôn luôn tiếp nối truyền thống và ghi nhớ công ơn cha ông đã dựng nước, giữ nước. Tại đây mọc lên một cây đa kỳ lạ mà dân Ninh Bình thường gọi là “cây đa di chuyển”. Trong suốt một nghìn năm, cây đa đã “đi” được 3 bước xung quanh khu vực đền; nhưng điều kỳ lạ nhất là bước đi cuối của cây đa, thay vì tiến ra phía hồ nước theo đúng quy luật tự nhiên thì lại dịch chuyển về phía ngôi đền – như thể một bức bình phong thiên tạo để bảo vệ đền Gối Đại!
Tại đây, mọi người đã cùng nhau chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ngôi đền và gốc cây đa đại cổ thụ, bày tỏ lòng thành kính tới những vị thần linh trông coi ngôi đền. Hòa với cảnh non nước hữu tình, các thành viên Sleader đã cùng cầu mong các vị thánh thần phù hộ cho quốc thái, dân an, phù trợ cho Viện phát kiến được các giải pháp sáng tạo hơn nữa, góp phần thực hiện sứ mệnh đồng hành cùng các doanh nghiệp vì một Việt Nam hùng cường.
Trải nghiệm lịch sử qua trang phục truyền thống
Những năm gần đây, xu hướng gìn giữ nét đẹp văn hóa và lịch sử dân tộc đang dần trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết, trong đó, phong trào được hưởng ứng nhiệt liệt nhất là tìm về cổ phục Việt. Đây là một dấu hiệu thành công rực rỡ trong việc phục dựng những nét đẹp trong văn hóa cổ xưa và một bước tiến lớn trong việc tiếp nối hai thời đại, cũng như góp phần lan tỏa rộng rãi hơn những giá trị văn hoá Việt tới bạn bè năm châu. Trong chuyến du xuân năm nay, các thành viên Sleader đã được trải nghiệm một nét đẹp của văn hóa Việt qua những bộ áo Nhật Bình và áo tấc, cùng với những kiến thức mới vô cùng thú vị về những trang phục đặc biệt này.
Áo Nhật Bình là một dạng áo tứ thân có cổ áo hình chữ nhật to bản xếp thành hình chữ nhật. Có thể nói, áo Nhật Bình ra đời vào thời Nguyễn như một minh chứng rằng nước Việt ta cũng phát triển như các nước đồng văn khác thời bấy giờ. Và thật vậy, với những hình thêu cầu kỳ, tinh xảo, những chiếc cúc áo được làm bằng ngọc hoặc vàng, những màu sắc nổi bật mang vẻ sang trọng, quý phái, áo Nhật Bình mang trọn thần thái của một người phụ nữ quyền lực, sắc sảo, đài các.
Áo tấc là một dạng trang phục Việt cổ, và là một trong những mẫu gần nhất của áo dài hiện đại. Áo tấc, hay còn gọi là ngũ thân tay thụng, được xem là một bộ lễ phục, thường được mặc vào dịp lễ hội trọng đại, và phổ biến với mọi người ở mọi tầng lớp dưới triều Nguyễn. Một chi tiết đặc biệt trong thiết kế áo tấc, đặc biệt là áo tấc nam, là 5 khuy áo được kết theo quan điểm ngũ thường của Nho giáo và cân bằng ngũ hành trong triết học phương Đông. Có thể nói, áo tấc là hiện thân của những giá trị quan trọng nhất của người Việt tự cổ chí kim, mỗi thiết kế đều mang những ý nghĩa sâu sắc, phù hợp từ những người dân thường tới những bậc vua quan quyền quý.
Lần đầu được khoác trên người những bộ trang phục truyền thống, các thành viên Sleader đều cảm thấy rất vui và tự hào khi được chung tay tiếp nối truyền thống, lan tỏa lịch sử và văn hóa Việt đến với cuộc sống hiện đại. Chuyến du xuân của Sleader không chỉ có những kỉ niệm vui và thú vị mà còn là một trải nghiệm vô giá khi lần đầu được hóa thân thành những người Việt xưa giữa phong cảnh sơn thủy hữu tình với ngôi Đền cổ kính linh thiêng. Đồng thời, Sleader còn được tham quan và chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên tại đảo hoa, cổng trời, thưởng thức những món đặc sản tươi sạch đến từ nông trại hữu cơ của Thung Nham. Hy vọng, Xuân Tân Sửu sẽ đem lại góc nhìn mới về giá trị văn hóa Đông Tây cho các thành viên Sleader, gắn kết tinh thần của toàn thể đội ngũ và sẵn sàng cho sự đột phá của năm 2021!
Tin bài và ảnh: Viện Lãnh đạo Chiến lược (Sleader)
Tin bài liên quan:
>> Văn hóa Sleader: Ngôi sao Tháng 1/2021 – Chánh văn phòng Phùng Hương
>> Viện Sleader giới thiệu phương pháp Đồng hợp tại Hội thảo Quốc gia về Quản trị thông minh
>> Kết hợp tư duy Đông Tây – Tương lai của doanh nghiệp Việt
>> Phần mềm MSA – Giải pháp tối ưu trong đánh giá hệ thống quản trị doanh nghiệp