Sứ mệnh được thiết kế để cung cấp định hướng cho tổ chức. Sứ mệnh (mission) là bản tuyên bố về lý do tồn tại của mỗi doanh nghiệp. Để xác định được sứ mệnh, cần trả lời cho câu hỏi “Doanh nghiệp được thành lập và tồn tại để làm gì?”. Điều đầu tiên mà các doanh nghiệp cần đầu tư chính là một tuyên bố sứ mệnh được viết cẩn thận, trước cả khi họ bắt đầu bán sản phẩm hay dịch vụ của mình.

Sứ mệnh được hình thành dựa trên ba trụ cột chính: (1) ngành nghề kinh doanh, (2) triết lý kinh doanh, (3) ước vọng của lãnh đạo doanh nghiệp. Trong khi Sứ mệnh của Google là sắp xếp thông tin của toàn thế giới và làm cho những thông tin đó trở nên dễ tiếp cận và hữu ích khắp mọi nơi, thì Microsoft xác định sứ mệnh là đem máy tính tới mọi nhà bằng việc đơn giản hoá các công việc phức tạp. Sứ mệnh chỉ rõ những điều  tốt  đẹp  và  những  lợi  ích  cho tất cả các bên liên quan. Một sứ mệnh được công nhận không chỉ là dẫn dắt tổ chức đi đúng hướng, mà còn giúp thu hút các nhà đầu tư, nguồn nhân lực chất lượng cao, kết nối mọi thành viên trong tổ chức đoàn kết, hành động để đạt mục tiêu chung. Nói một cách ví von khác, tuyên bố sứ mệnh giúp lãnh đạo doanh nghiệp “hiệu triệu thiên hạ”.

 

Tuy nhiên, trên thực tế các doanh nghiệp Việt Nam rất ít công bố sứ mệnh hoặc công bố sứ mệnh chưa thực sự đúng như bản chất. Để lý giải tình trạng này, Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược (Sleader) đã thực hiện các cuộc khảo sát với các chủ doanh nghiệp, nhà quản trị và chuyên gia.  Các ý kiến tập trung vào 3 nguyên nhân chính, đó là:

Thứ nhất, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam ở quy mô nhỏ và vừa, được thành lập với mục đích là tìm kiếm lợi nhuận để tồn tại và phát triển. Do phải “mưu sinh”, nên nhiều doanh nghiệp nên chưa nghĩ đến những điều to lớn như “sứ mệnh”.

Thứ hai, lãnh đạo các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp lớn chưa nhận thức đúng đắn về lợi ích của việc tuyên bố sứ mệnh. Ngoài việc xác lập ngọn cờ để quy tụ sức mạnh của người lao động, sứ mệnh chính là nền tảng, căn cứ để xây dựng mục tiêu chiến lược phù hợp với khát vọng của tổ chức. Cho dù sứ mệnh là thứ không thay đổi nhưng nó lại thúc đẩy sự thay đổi tích cực của  tổ chức, góp phần thúc đẩy người lao động thực thi các mục tiêu chiến lược, vốn luôn được coi là đầy thách thức. Ví dụ, Công ty gốm sứ Minh Long nhờ xác định sứ mệnh vượt xa tầm nhìn thông thường, nên đã vượt qua nỗi lo về hàng gốm sứ Trung Quốc cạnh tranh để đưa ra chiến lược nội địa đầy mạo hiểm nhưng thành công.

Thứ ba, do ảnh hưởng của nền kinh tế tiểu nông, văn hóa kinh doanh theo “kiểu nhỏ lẻ” và “phường hội” nên các doanh nghiệp Việt Nam thường có tầm nhìn ngắn hạn, thiếu nhất quán. Các doanh nghiệp mới chỉ tìm ra lý do để kiếm tiền trong một thị trường thu nhỏ và điều kiện không thay đổi. Chính vì vậy thay vì tuyên bố sứ mệnh hay đề ra một định hướng lâu dài cho tổ chức, thì chủ doanh nghiệp hay chọn con đường tắt với những lợi ích trước mắt. Điều này dẫn đến phần lớn các doanh nghiệp thường nhỏ, phân tán và không chắc chắn khi thị trường mở rộng.

Có thể nói việc không công bố sứ mệnh một trong những vấn đề của các doanh nghiệp Việt Nam, đây chính là lý do chính khiến Việt Nam ít có doanh nghiệp tỉ đô như Google, có tầm nhìn 100 năm như Jack Ma, hay trở thành thương hiệu toàn cầu như Amazon, Facebook và Microsoft.

            Nguồn: VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN LÃNH ĐẠO CHIẾN LƯỢC