Trong nền kinh tế của hầu hết các quốc gia, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm vị trí và vai trò rất quan trọng, được coi là “cỗ máy tạo việc làm”, là động lực cho tăng trưởng. Với quy mô nhỏ và cơ cấu tổ chức đơn giản, các doanh nghiệp này có thể linh hoạt thích ứng kịp thời với những thay đổi của thực tế. CHLB Đức, Quốc gia có số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 30%, là một minh chứng điển hình. Nước Đức đã thành công trong việc biến khu vực doanh nghiệp sản xuất có quy mô nhỏ và vừa thành guồng máy cung cấp hàng xuất khẩu.

Khác với các doanh nghiệp thương mại hoặc dịch vụ, doanh nghiệp sản xuất sử dụng nguồn lực, tư liệu sản xuất kết hợp với ứng dụng khoa học công nghệ để tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Doanh nghiệp sản xuất muốn hoạt động được cần có những khoản đầu tư lớn cho tài sản cố định như nhà xưởng, máy móc, thiết bị, công nghệ.

Do đó, nếu sản phẩm sản xuất ra mà không tìm thấy thị trường tiêu thụ thì sẽ rất khó để chuyển sang sản xuất sản phẩm khác. Ví dụ, doanh nghiệp đầu tư sản xuất quạt điện thì không thể ngay lập tức chuyển sang sản xuất máy bơm nước; hoặc doanh nghiệp trong ngành dệt may thì không thể quyết định đầu tư sang lĩnh vực sản xuất giấy. Nếu thực hiện việc chuyển đổi sản xuất một cách đường đột, thiếu tính toán căn cơ, thì hậu quả là toàn bộ nhà xưởng, máy móc, thiết bị, công nghệ có thể biến thành thành đống sắt vụn. Vì vậy, có thể nói, việc đầu tiên  doanh nghiệp sản xuất nhỏ và vừa cần làm, trước khi bỏ vốn đầu tư, là: xây dựng một chiến lược phát triển đúng đắn, trong đó xác định được cặp sản phẩm – thị trường phù hợp.

Qua khảo sát nhiều doanh nghiệp sản xuất có quy mô nhỏ và vừa, Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược (SLEADER) nhận thấy, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp có chuyên môn kỹ thuật rất tốt, nhưng chưa được đào tạo bài bản về quản trị. Do thiếu kiến thức về quản trị doanh nghiệp, cũng như thiếu tư duy và khả năng hoạch định chiến lược, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa “lao theo” những cơ hội kinh doanh ngắn hạn, nhất thời, chưa thực sự chú trọng đến xây dựng chiến lược phát triển lâu dài và bền vững với những mục tiêu, sứ mệnh được xác định rõ ràng.

Thực trạng này đã được giáo sư nổi tiếng về chiến lược của Đại học Havard là M. Porter phát biểu khi ông đến Việt Nam vào năm 2010: “Thành công của doanh nghiệp Việt Nam hôm nay vẫn dựa vào việc tận dụng những cơ hội ngắn hạn thay vì phát triển trên nền tảng lợi thế cạnh tranh bền vững.Lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam cần hiểu các quy luật cơ bản của chiến lược thay vì trở thành nạn nhân của các trào lưu thời thượng trong quản trị”. Về thực trạng này, có thể thấy: nguyên nhân trước hết là do chủ doanh nghiệp chưa hiểu rõ lợi ích của chiến lược như là lợi thế cạnh tranh bền vững.

Vì phải xoay xở để tồn tại, ít có điều kiện giao lưu, học hỏi nâng cao trình độ, cho nên chủ doanh nghiệp không biết được ba lợi ích căn bản mà một chiến lược đem lại. Đó là,  định hướng tương lai rõ ràng, hay nói cách khác vạch rõ đích đến và con đường đi cho doanh nghiệp;  căn cứ để phân bổ nguồn lực một cách khôn ngoan, ưu tiên nguồn lực cho lĩnh vực tạo ra đột phá, giảm nguồn lực ở những lĩnh vực chưa thực sự cần thiết; tạo niềm tin và gắn kết trong nội bộ doanh nghiệp, mà có được điều này mới tạo nên sức mạnh thực sự cho doanh nghiệp.

Một nguyên nhân khác cũng góp phần hạn chế tầm nhìn của chủ doanh nghiệp, đó là các hoạt động mang tính tự phát, sản xuất dựa trên việc xoay xở theo tình huống còn phổ biến, thấy có lời thì kinh doanh, thấy sản phẩm nào bán được thì sản xuất. Khi đặt câu hỏi: “Tại sao các doanh nghiệp vừa và nhỏ  không có định hướng chiến lược trước khi tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh?” thì câu trả lời thường nhận được là: “do quy mô nhỏ, vốn mỏng nên không có điều kiện đầu tư cho chiến lược bài bản ngay từ đầu như các doanh nghiệp lớn”.

Đến đây, có thể đưa ra khuyến nghị cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nói chung và trong lĩnh vực sản xuất nói riêng là: chính vì quy mô nhỏ, ít vốn nên lại càng phải bắt đầu bằng việc hoạch định chiến lược để tối ưu hoá nguồn vốn, tránh việc đầu tư dàn trải, tổn thất nhiều về tiền bạc mà không mang lại hiệu quả như mong muốn.

[VIDEO] Tại sao các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực sản xuất cần xây dựng chiến lược?

TS. Dương Thị Thu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược