Cuốn sách “ Paul Doumer, Toàn quyền Đông Dương, Bàn đạp thuộc địa”của tác giả Amaury Lorin đã làm sáng tỏ vai trò lịch sử của một cá nhân, đó chính là Paul Doumer, người đứng đầu bộ máy cai trị ở Đông Dương, giai đoạn 1897-1902. Ông đã để lại dấu ấn sâu đậm đối với 1 giai đoạn lịch sử đầy những khoảng tối sáng xen lẫn.

Gạt bỏ những khoảng tối, xét trên điểm sáng, có thể thấy rằng trong 5 năm nhiệm kỳ của mình Paul Doumer đã tạo một “bước ngoặt lớn” cho Đông Dương (Lào, Việt Nam, Campuchia) cùng với đó là việc nhiều cây cầu và cơ sở hạ tầng để đời khắp cả nước: cầu Long Biên (Hà Nội), cầu Tràng Tiền (Huế), cầu Bình Lợi (Sài Gòn), cảng Hải Phòng, hệ thống đường sắt xuyên Đông Dương, đường sắt Vân Nam. Paul Doumer còn đóng vai trò quan trọng đối với văn hoá và khoa học: Xây dựng khu nghỉ dưỡng trên cao ở Đà Lạt, lập ra nhiều học viện nghiên cứu như Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp – EFEO, Đại học Y Hà Nội, Viện Pasteur Nha Trang… mang mục đích phát triển dài lâu tại Việt Nam.

Nhìn nhận trên góc độ quản trị Paul Doumer là nhà quản trị hiệu quả. Bản chất của quản trị là đúng việc, đúng người, đúng chỗ, đúng thời điểm. Ông đã làm được tất cả những điều đó và tạo ra kết quả rõ rệt sau 5 năm nắm quyền tại Đông Dương. Quay lại thời điểm lịch sử khi mà Toàn quyền Đông Dương Armand Rousseau qua đời đột ngột vào tháng 12.1896 tại Hà Nội. Paul Doumer trong đúng lúc đó xuất hiện như một người thích hợp, người mà nước Pháp cần cho Đông Dương. Trong số tất cả nhân lực của bộ máy chính trị Pháp, Paul Doumer được biết đến “như là người có tinh thần thép, ý chí bền bỉ cũng như năng lực làm việc khác thường”. Ông chính là người được chuẩn bị tốt nhất để thực thi một nhiệm vụ rất khó khăn như vậy. Ông là con người được thời khắc lịch sử lựa chọn. Như vậy là tìm được đúng người, đặt đúng chỗ và đúng thời điểm.

Khi đặt chân tới Đông Dương, Paul Doumer đã ghi nhận tình hình tài chính nợ đầm đìa, nhất là tại Bắc kỳ và Trung kỳ. Ông đã xác định một sứ mệnh rõ ràng, đó là đưa Đông Dương thoát khỏi tình trạng trì trệ, vực dậy tình hình tài chính bấp bênh và khôi phục uy thế của chính quyền. Những sáng kiến hay giải pháp mà Paul Doumer đưa ra ở vị trí người đứng đầu Đông Dương không hề cuốn theo những sự kiện có tính tức thời, mà đúng hơn là được cân nhắc nhằm theo đuổi và thực hiện có chủ đích chính sách và tham vọng. Lựa chọn và làm việc đúng, kết hợp với ý chí, tính thực dụng và lòng kiên trì đã giúp Paul Doumer đẽo tạc nên một thuộc địa châu Á giống như một “ cỗ xe lăn” không thể cản được. Đông Dương hiện đại được kiến thiết nhờ vào một hành động có chủ đích và một chuỗi liên tục các bước tiến táo bạo của Paul Doumer.

Bằng những nỗ lực vượt qua trở ngại, Paul Doumer đã đạt được kết quả mà nhiều người tiền nhiệm trước đó không làm được. Cụ thể là, sau 5 năm Paul Doumer nắm quyền, Đông Dương không còn phải trông chờ vào ngân sách của Pháp quốc nữa, mà thậm chí trở thành “ chỗ dựa” đắc dụng đối với chủ nghĩa tư bản Pháp. Được vực dậy, được tự chủ, được tổ chức rất tốt, Đông Dương lần đầu tiên trở thành thuộc địa tạo ra lợi nhuận, với giá trị trao đổi thương mại trong năm tăng gấp đôi, đạt con số 1,5 tỷ franc. Paul Doumer, người tạo ra sự thịnh vượng kinh tế cho Đông Dương, đã giúp nước Pháp củng cố đáng kể vị thế cường quốc của mình, nhất là cuộc đua đối đầu nước Pháp với nước Anh vào thời kỳ chuyển giao giữa thế kỷ XIX và thế kỷ XX. Đồng thời, dưới thời kỳ của Paul Doumer đã hình thành lên một bộ máy nhà nước có câú trúc chặt chẽ và ổn định, bộ máy chỉ bắt đầu hoạt động sau khi ông rời khỏi Đông Dương duy trì được các đặc tính cốt yếu của nó cho đến tận Thế chiến thứ 2.

Vốn là hiện thân của một hiện tượng lịch sử, đại diện cho nước Pháp, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer trong nhiệm kỳ của mình không khi nào hết khó khăn. Tuy nhiên, vượt lên trên một nhiệm kỳ theo kiểu “ đến hẹn lại lên”, vượt lên cả sứ mệnh là người đứng đầu bộ máy cai trị ở Đông Dương, ông đã truyền vào mảnh đất này một cá tính riêng, nhưng không tránh khỏi những hạn chế và cả những thất bại.

Nguồn: Viện Lãnh đạo Chiến lược (Sleader)