Trang chủ » Từ đường làng ra cao tốc
Từ đường làng ra cao tốc
Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược
Từ khóa
Tác giả
admin
Chia sẻ
Từ đường làng ra cao tốc
Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược
Từ khóa
Ngày đăng
Tác giả
admin
Chia sẻ
Doanh nghiệp Việt Nam có vượt qua được những rào cản được đặt ra la liệt trên những con đường làng, đường xã, đường huyện trước khi đặt được chân lên con đường cao tốc này hay không?
Theo điều tra của VCCI, 58% các doanh nghiệp phải xin giấy phép con thì mới có thể hoạt động. Mặc dù chính đã yêu cầu các bộ cắt giảm điều kiện kinh doanh, khiến cho thủ tục xin phép minh bạch, dễ dàng hơn, nhưng vẫn còn nhiều điều cản trở doanh nghiệp.
Khi làm ra các giấy phép con, cơ quan cấp phép thường cố gắng cài cắm thêm quy định về thời hạn của giấy phép đó, cái thì 5 năm, cái thì 3 năm, có cái chỉ có 1 năm. Mỗi lần hết hạn doanh nghiệp lại phải đi xin lại, cũng lại hồ sơ, cũng lại giải trình, cũng lại qua nhiều cửa thì mới được gia hạn giấy phép.
Có doanh nghiệp phản ánh, họ đã xin được đất 30 năm để kinh doanh, nhưng giấy phép kinh doanh chỉ cho thời hạn có 3 năm. Khi họ kêu gọi nhà đầu tư chung vốn để thực hiện dự án, người ta bảo: “Nhà nước chỉ cho giấy phép 3 năm, thì ta chỉ nên mua máy móc cũ, sau 3 năm hết khấu hao. Chứ giờ mua máy mới mà vài năm nữa lại không được gia hạn giấy phép thì máy đó bán cho ai?”
Không chỉ liên quan chuyện mua máy cũ máy mới, thời hạn giấy phép còn ảnh hưởng đến quyết định của doanh nghiệp trong việc xây dựng nhà xưởng kiên cố hay tạm bợ, có làm thương hiệu hay không, có đầu tư cho nghiên cứu phát triển hay không, có bỏ tiền cho nhân viên đi học hay không,…?
\\
Nhà nước muốn doanh nghiệp lớn, làm ăn bài bản, đầu tư cho cơ sở vật chất, cho thương hiệu, cho công nghệ, cho con người… nhưng nhà nước chỉ cấp phép cho có 3 năm. Thử hỏi ai còn dám bỏ tiền đầu tư kinh doanh dài hạn?
Nếu nhà nước lo ngại doanh nghiệp làm sai, vi phạm pháp luật thì đã có quy định về thanh tra, kiểm tra định kỳ. Nếu doanh nghiệp vi phạm thì nhà nước có quyền xử phạt, tước giấy phép. Vậy thì quy định thời hạn giấy phép đâu còn ý nghĩa. Trên thực tế, nó được vẽ ra để cán bộ kiếm thêm phong bì mỗi lần doanh nghiệp phải xin xỏ.
Đẻ ra giấy phép con, đẻ ra thủ tục hành chính đã là một thứ cực chẳng đã. Ông Nguyễn Sinh Hùng, khi còn làm Chủ tịch Quốc hội từng nói: “Thủ tục hành chính cay nghiệt, độc ác lắm.”
Có lần, một cán bộ pháp chế của một bộ nói với tôi: “Chị cũng cố gắng nói các đơn vị trong bộ bỏ cái thời hạn giấy phép đi, nó chẳng có ý nghĩa gì cả vì đằng nào mình cũng đã có thanh tra, kiểm tra rồi. Nhưng các đơn vị nhất định không chịu bỏ, còn quay ra nói chị là trong bộ với nhau mà còn phá nồi cơm của anh em!”
Chính phủ đã rất nỗ lực cắt giảm giấy phép con để bảo đảm quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Nhưng quyền tự do kinh doanh đó sẽ vẫn bấp bênh nếu các giấy phép con còn lại có thời hạn quá ngắn.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đa số các bộ đã hoàn thành việc cắt bỏ, đơn giản hoá điều kiện đầu tư, kinh doanh trong năm 2018; trung bình trên 50% số điều kiện kinh doanh đã được cắt bỏ hoặc đơn giản hoá.
Kết quả này rất đáng khích lệ, nhưng dường như còn khá ve vuốt và bỏ qua bao nhiêu rủi ro, rào cản mà các doanh nghiệp đang đối mặt vì thực tế là Nghị quyết số 02 đầu năm nay của Chính phủ (NQ 19 trước đây) cũng yêu cầu các bộ “tiếp tục rà soát, trình Chính phủ bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không rõ ràng, không cụ thể, không khả thi”.
Đáng tiếc, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến cuối tháng 6 vừa rồi, Bộ này chỉ nhận được vỏn vẹn phản hồi từ 2 Bộ (Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) có kế hoạch thực hiện yêu cầu này.
Mà ngay cả Bộ Công thương cũng còn đầy rẫy các rào cản. Chẳng hạn bộ này vẫn còn níu kéo quy định về kiểm tra formaldehyte trên sản phẩm dệt may, kiểm tra hiệu suất năng lượng, giấy phép bổ sung về phân phối rượu mà cộng đồng doanh nghiệp kêu khóc bấy lâu nay. Một bộ được tiếng là cải cách mà còn như thế, thử hỏi các bộ khác như thế nào?
Với cách quy định về điều kiện kinh doanh hiện tại, nhiều doanh nghiệp không tính toán trước được họ sẽ cần bỏ chi phí bao nhiêu, thời gian bao lâu để chính thức bắt tay vào kinh doanh. Họ không muốn gia nhập thị trường do chi phí tuân thủ cao, do rủi ro cao.
Còn những doanh nghiêp hiện hữu cũng khó khăn trong mở rộng sản xuất cũng như khó giảm chi phí hoạt động vì càng mở rộng, càng rủi ro.
Đã đến lúc Chính phủ cần thể hiện cam kết của mình bằng cách loại bỏ những quy định về thời hạn của các giấy phép kinh doanh. Chỉ khi đó, các doanh nghiệp, nhà đầu tư mới yên tâm bỏ tiền để phát triển kinh tế.
Các điều kiện kinh doanh, tư duy về quản lý chuyên ngành không được gỡ bỏ, thì các nỗ lực dồn dập của Chính phủ trong ký kết các hiệp định thương mại tự do không được hậu thuẫn bên trong, các tác động dự kiến từ các hiệp định đó tới nền kinh tế sẽ khó được hiện thực.
Việc ký hiệp định EVFTA gần đây được coi là đường cao tốc nối liền hai bên, nhưng thực tế mà tôi vừa nêu đặt ra câu hỏi không thể né tránh: Doanh nghiệp Việt Nam có vượt qua được những rào cản được đặt ra la liệt trên những con đường làng, đường xã, đường huyện trước khi đặt được chân lên con đường cao tốc này hay không?
Theo: Nguyễn Minh Đức (Vietnamnet)