sleader
  • VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN LÃNH ĐẠO CHIẾN LƯỢC

  • info@sleader.vn

    Hotline: 024 3201 1519

    • Tiếng Việt
    • English
  • X

    Tp. Hồ Chí Minh lo thiếu lao động sau Covid-19? Chỉ là trong ngắn hạn

    Tại Chợ đầu mối Bình Điền

    Sau 2 tuần hạ nhiệt dịch bệnh và nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, Thành phố Hồ Chí Minh ước tính đang “thiếu 60.000 lao động trong các khu công nghệ cao” và Bình Dương thiếu 50.000 lao động tới cuối năm 2021, theo phát ngôn chính thức từ cơ quan quản lý lao động của hai địa phương được VNExpress dẫn nguồn (Người dân Tây Nguyên trở lại Đông Nam Bộ tăng cao – VnExpress). Ngay từ khi dòng người rời Thành phố và các trung tâm công nghiệp thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bắt đầu vào tháng 7, nhiều nhà quan sát đã lo lắng về tình trạng thiếu cung lao động cho khu vực này khi dịch bệnh được kiểm soát. Và điều này là sự thật trong ngắn hạn, thời hạn chỉ được tính bằng tuần ngay sau khi nới lỏng giãn cách.

    Sự linh hoạt của dòng chảy lao động sẽ tự điều chỉnh nhanh chóng chỉ trong một hai tháng tới khi các cơ sở kinh doanh thực sự hoạt động đầy đủ trở lại, và thời gian này sẽ ngắn hơn khoảng thời gian để hơn 1 triệu người đã về quê. Vì sao chúng ta có thể tin tưởng vào sự điều chỉnh linh hoạt của thị trường lao động? Vì khi chúng ta nhìn vào họ là ai và lý do họ rời Thành phố, Đồng Nai, Bình Dương, ta nhận thấy đó chính là lý do sẽ khiến họ quay trở lại.

    Một trung tâm thương mại tại Tp. Hồ Chí Minh vào đầu tháng 10/2021

    Người ra đi: Họ là ai và vì sao? 

    Thứ nhất, người lao động thuộc những ngành nghề có thể chuyển sang làm việc trực tuyến, thì họ vẫn đang duy trì công việc và phần đông vẫn ở thành phố. Với một số lao động làm việc trực tuyến khi về quê, thì việc quay trở lại thành phố là tất yếu. Khi đó, ngoài công việc chính, họ còn bổ sung cung lao động cho các lĩnh vực khác khi họ đi làm thêm.

    Thứ hai, với những người lao động về quê khác, “Tránh dịch” chỉ là lý do được nói ra bên ngoài, nguyên nhân thực sự là người lao động không có đủ nguồn lực để chống chọi với dịch bệnh, mà cụ thể là họ mất việc làm, không có thu nhập, trong khi các khoản chi phí vẫn phát sinh đều đặn (thuê nhà, ăn uống, chăm sóc sức khỏe). Những người này là công nhân trong nhà máy phải giảm quy mô hoạt động do yêu cầu phòng dịch, người làm công cho khu vực dịch vụ như du lịch – nhà hàng – khách sạn, công nhân vận chuyển tại các chợ đầu mối… Khi về quê, họ có thể tạm thời thoát khỏi nỗi lo phải chi tiền ra mỗi ngày nhờ dựa vào gia đình, nguồn thực phẩm tự cung tự cấp hoặc giá thực phẩm rẻ hơn tại quê, tuy nhiên, họ không giải được bài toán tìm kiếm thu nhập. Nhiều công việc không có sẵn việc làm tại quê, còn những công việc  khác thì phải cạnh tranh với lao động sẵn có tại quê để giành một mức lương thấp hơn ở thành phố.

    Nền kinh tế các địa phương cũng vận hành chậm lại do sự lan tỏa tác động của chuỗi cung ứng bị đứt gãy, bản thân họ chưa trở lại trạng thái bình thường vốn không tạo đủ việc làm cho cư dân địa phương, thì chắc chắn không thể hấp thụ được lực lượng lao động trở về từ Thành phố và các trung tâm công nghiệp. Tạo ra của cải mới là giải pháp căn cơ, tiết kiệm chỉ là sự ứng phó tình thế. Vì vậy, khi nỗi lo dịch bệnh giảm bớt, người lao động buộc phải tìm tới nơi nào sẽ cho họ cơ hội việc làm để tạo ra thu nhập, và đó là Thành phố.

    Tác giả: TS. Trần Thị Hồng Liên, ĐHQG TP Hồ Chí Mình, Chuyên gia tư vấn Sleader 

    Xem thêm