Trang chủ / Mục tiêu chiến lược và Mục tiêu tài chính
Mục tiêu chiến lược và Mục tiêu tài chính
Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược
Từ khóa
Ngày đăng
Tác giả
admin
Chia sẻ
Nội dung
Mục tiêu chiến lược và Mục tiêu tài chính
Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược
Từ khóa
Ngày đăng
Tác giả
admin
Chia sẻ
Darwin đã từng nói “những người sống sót sau cùng không phải là người mạnh nhất hay thông minh nhất, mà là người dễ thích nghi nhất để thay đổi”. Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam và thế giới đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp cũng phải tìm cách thay đổi và thích ứng với sự thay đổi mạnh mẽ của môi trường kinh doanh. Một trong các giải pháp được ưu tiên trước hết, đó là điều chỉnh kế hoạch tài chính để vượt qua những khó khăn không thể đoán định trước, nhưng không đánh mất niềm tin vào một chiến lược đã được lựa chọn trước khi dịch bệnh xảy ra.
Có hai loại mục tiêu quan trọng mà nhà quản trị luôn phải đặc biệt chú ý, đó chính là thành tích về lợi nhuận (mục tiêu tài chính) và thành tích về hoạt động chiến lược (mục tiêu chiến lược). Trong khi mục tiêu chiến lược là kết quả của việc cụ thể hoá sứ mệnh và tầm nhìn, thì mục tiêu tài chính phục vụ cho việc thực hiện mục tiêu chiến lược. Mục tiêu tài chính ở từng giai đoạn có thể khác nhau nhưng không nằm ngoài kịch bản của mục tiêu chiến lược, hướng vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Chẳng hạn, Công ty sữa Vinamilk xác định mục tiêu chiến lược dài hạn là đạt mức doanh số để trở thành một trong 50 Công ty sữa lớn nhất thế giới. Tuy nhiên trong từng thời điểm cụ thể Công ty đặt ra các mục tiêu tài chính khác nhau, như là đạt mức doanh số 3 tỷ USD trong giai đoạn từ 2012-2017 và 9 tỷ USD trong giai đoạn 2018-2023.
Mục tiêu chiến lược và mục tiêu tài chính có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, trong đó mục tiêu tài chính là một phần quan trọng của mục tiêu chiến lược. Việc đạt được mục tiêu về tài chính là điều bắt buộc đối với mọi Công ty nếu muốn duy trì hoạt động kinh doanh. Điều này được nhận thấy rõ ràng hơn trong thời kỳ suy thoái kinh tế, khi mà doanh thu và tiền mặt luôn giảm nhanh hơn chi phí. So với bong bóng Dotcom 2001 hay suy thoái toàn cầu 2007-2008 thì cuộc khủng hoảng do Covid-19 lần này nguy hiểm hơn khi vừa giảm cung vừa giảm cầu, khiến nền kinh tế rơi vào tình trạng đóng băng, ngủ đông. Trước khó khăn này, các tổ chức kinh doanh cần thực hiện những điều chỉnh nhanh chóng và quyết đoán để thay đổi hoàn cảnh.
Cụ thể hơn, các doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid cần phải xem xét lại nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài chính. Đánh giá dòng tiền là một trong những nội dung quan trọng cần thực hiện thông qua việc trả lời những câu hỏi: Doanh nghiệp có chịu đựng được vài quý sụt giảm khi nền kinh tế không tăng trưởng? Doanh nghiệp sẽ thực hiện kế hoạch dự phòng như thế nào? Có thể cắt giảm chi phí ở đâu mà không gây tổn hại cơ bản cho doanh nghiệp?
Bên cạnh đó, việc dự báo doanh số cần được thực hiện một cách khoa học dựa trên việc thay đổi hành vi, thói quen chi tiêu của khách hàng. Như vậy, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, tài chính luôn là thước đo sức khỏe cũng như độ dẻo dai của doanh nghiệp trước mọi biến động.
Ví dụ, Công ty Thế giới Di động đã đặt ra hai nhiệm vụ liên quan đến mục tiêu tài chính để có thể trụ vững trên thị trường. Một là, tập trung ưu tiên quản lý dòng tiền có sẵn phục vụ kinh doanh, đảm bảo duy trì hoạt động ổn định, không mở rộng nhiệm vụ tăng nguồn vốn vì khả năng huy động vốn giai đoạn này là bất khả thi. Hai là, điều chỉnh cơ cấu chi phí sau khi có sự phân tích nguồn vốn, giúp doanh nghiệp có thêm dòng tiền để duy trì hoạt động kinh doanh. Công ty đã thực hiện việc phân công nhân sự làm luân phiên để cắt giảm chi phí, thương lượng với chủ cho thuê mặt bằng để giảm giá, đồng thời tìm kiếm vị trí có giá rẻ hơn, cho thuê lại một phần tòa nhà Công ty và chuyển những cửa hàng thành kho lưu động hàng hóa.
Mục tiêu về tài chính có thể ngắn hạn hoặc dài hạn tùy thuộc vào yếu tố chủ quan (mục tiêu chiến lược phát triển doanh nghiệp) và yếu tố khách quan (môi trường kinh doanh, chính sách của Nhà nước, đối tác, khách hàng). Về yếu tố khách quan, mặc dù Chính phủ đã hoạch định mục tiêu chung về sự phát triển bền vững tới năm 2030, được thể hiện nhất quán và trải rộng trên tất cả các lĩnh vực: Kinh tế (chỉ tiêu GDP, GNP), Chính trị (môi trường hòa bình, thân thiện), Xã hội (giáo dục, văn hóa, lịch sử).
Tuy nhiên, khi có sự tác động tiêu cực khách quan từ dịch Covid-19, Chính phủ và các Bộ, Ngành đã sớm thích nghi và giải quyết các thách thức thông qua hàng loạt các chính sách về tài chính đã được ban hành như: Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân khi gặp khó khăn; Nghị định 41/2020/NĐCP gia hạn nộp thuế cho các doanh nghiệp; Thông tư 01/2020/TT-NHNN với mục đích cơ cấu lại thời gian trả nợ và miễn giảm lãi suất cho doanh nghiệp. Xét trên khía cạnh chủ quan, các doanh nghiệp có vai trò trụ cột trong nền kinh tế, cũng đã đi đầu trong việc thay đổi mục tiêu tài chính cũng như chia sẻ khó khăn với khách hàng. Ví dụ như Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) đã giảm giá điện, khuyến khích giao dịch trực tuyến; Các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay, giảm phí dịch vụ thanh toán; Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (VNA) và Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) phối hợp thống nhất giảm giá máy bay 50%, xây dựng các tour du lịch trên cơ sở giảm giá thành, tăng quyền lợi cho khách hàng.
Tại thời điểm hiện tại, có thể thấy, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng rất nhiều tới đời sống kinh tế-xã hội nói chung và các doanh nghiệp nói riêng. Phần lớn các doanh nghiệp đều phải có sự điều chỉnh mục tiêu tài chính để tồn tại và thích ứng với tình hình trước mắt nhưng cũng không từ bỏ mục tiêu chiến lược lâu dài. Chẳng hạn, để đạt mục tiêu tài chính ngắn hạn, một số doanh nghiệp trong ngành dệt may Việt Nam đã có những thay đổi linh hoạt chuyển sang sản xuất khẩu trang để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, thay vì sản xuất các mặt hàng thời trang như trước đây; Nhà máy ô tô Vinfast thuộc tập đoàn Vingroup đã tập trung sản xuất máy thở. Mặc dù vậy, về lâu dài các doanh nghiệp này vẫn phải quay về ngành nghề cốt lõi của mình để tiếp tục khẳng định những thế mạnh đã được thị trường thừa nhận.
Có một câu hỏi luôn được các nhà quản trị đặt ra, đó là nên ưu tiên mục tiêu nào mục tiêu chiến lược hay mục tiêu tài chính? Không có câu trả lời cho mọi doanh nghiệp và trong mọi hoàn cảnh, bởi vì các doanh nghiệp khởi nghiệp khác với doanh nghiệp đã có thương hiệu trên thị trường, doanh nghiệp nhỏ và vừa khác các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp hoạt động trong thời kỳ thị trường sôi động khác với doanh nghiệp hoạt động khi thị trường trầm lắng.
Tóm lại, có thể khẳng định một điều chắc chắn, đó là mục tiêu chiến lược đúng là mục tiêu đem lại kết quả tài chính tốt nhất, bởi vì một khi doanh nghiệp đạt được tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư (ROI) cao chính là đã thể hiện được lợi thế cạnh tranh hay nói cách khác là sẽ đạt được mục tiêu chiến lược.
Nguồn: Viện Lãnh đạo Chiến lược (SLEADER)