Trang chủ / Giải cứu tương lai
Giải cứu tương lai
Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược
Từ khóa
Ngày đăng
Tác giả
admin
Chia sẻ
Nội dung
Giải cứu tương lai
Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược
Từ khóa
Ngày đăng
Tác giả
admin
Chia sẻ
Một công ty Na Uy chia sẻ lo lắng với tôi, nếu họ nhập hạt điều từ Việt Nam song nó lại có nguồn gốc từ châu Phi hay Ấn Độ thì sao.
Đó là một hội thảo về “Phong trào thương mại có đạo đức” – một phong trào có nguồn gốc tại Na Uy. Họ biết Việt Nam đã nhập điều nguyên liệu từ châu Phi và Ấn Độ, chế biến rồi xuất khẩu. Tôi ngỡ ngàng với câu hỏi này. Tôi đã luôn rất tự hào về việc Việt Nam đã “biết” nhập điều thô để chế biến, tái xuất, gia tăng giá trị thay vì bao năm qua, chúng ta chỉ trồng ra nông sản, hái xuống và xuất thô.
Vậy mà ưu điểm đó giờ đây lại mang đến mối quan ngại với khách hàng, đó là tính nguyên gốc của sản phẩm.
Tôi lờ mờ nhận ra bản chất vấn đề, là vì những người chế biến, xuất khẩu điều của Việt Nam vẫn chỉ nói chung chung chứ chưa làm những việc cần làm tới nơi tới chốn để sản phẩm của mình có đủ “áo mũ” như ai mà đường hoàng ra thế giới.
Ví dụ, ngay tại hội thảo đó, đại diện nhóm công tác xây dựng chỉ dẫn địa lý của một tỉnh tuyên bố, “hạt điều Việt Nam ngon nhất thế giới và hạt điều của chúng tôi ngon nhất Việt Nam”, do vậy càng cần có chỉ dẫn địa lý cho vùng này. Thế nhưng người trình bày hùng hồn kế hoạch xây dựng chỉ dẫn địa lý lại không thể trả lời hai câu hỏi đơn giản của cử tọa, rằng hiện giá hạt điều thô là bao nhiêu đồng một cân, và bằng chứng nào cho thấy là hạt điều vùng của anh ngon nhất Việt Nam.
Trong khi nhiều người Việt vẫn không ngớt tự hào về nông, thủy sản của mình, thì giữa năm nay, gần 1.000 tấn mực khô ứ đọng tại Núi Thành, Quảng Nam, trầy trật mãi mới giải cứu được chỉ vì lý do rất sơ đẳng. Trung Quốc yêu cầu xuất hàng qua đường chính ngạch thay vì tiểu ngạch như trước, thương lái không đến thu mua bởi mực không đủ các điều kiện về truy xuất nguồn gốc dù các chủ tàu hạ giá thấp. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến hàng trăm hộ ngư dân và nghề đánh mực truyền thống. Và rồi, người ta lại kêu gọi các doanh nghiệp trong nước làm ơn mua giùm.
Cuối cùng, số mực cũng được giải cứu với giá rẻ. Nhưng không biết ai sẽ định hướng lại về nông, thủy sản, cập nhật cách làm của bạn hàng rồi phổ biến cho nông dân, giúp vận hành thật linh hoạt chu trình tiêu thụ nông sản khi đối tác đã thay đổi cách làm ăn?
Chẳng khó gì dự đoán rằng Trung Quốc còn tiếp tục từ chối rất nhiều hàng tiểu ngạch – hầu hết các nông, thủy sản của Việt Nam – bởi họ đang chấm dứt buôn bán tiểu ngạch để chuyển qua chính ngạch. Trong khi đó, nông dân bên mình vẫn chưa được cập nhật, trợ giúp thông tin, vẫn tà tà đánh bắt, trồng cấy và xuất thô làm theo cách cũ.
Đến khi phía họ không mua, hàng sẽ còn ứ đọng. Hôm nay chúng ta vui vì thanh long, vải được giá, nhưng mai lại buồn ngay vì dưa hấu, dứa phải đổ cho bò ăn vì Trung Quốc không mua.
Bộ Nông nghiệp, sau nhiều tranh cãi, đầu năm nay đã công bố danh mục 13 nông sản chủ lực của quốc gia nhằm làm căn cứ để hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Các nông sản chủ lực được Bộ này chọn lựa gồm: lúa gạo, cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, chè, sắn, rau quả, thịt lợn, thịt và trứng gia cầm, cá tra, tôm, gỗ và sản phẩm từ gỗ. Theo dự tính của nhà quản lý, những sản phẩm này sẽ được ưu tiên đầu tư thông qua các doanh nghiệp, để rồi có thể đi đầu ra nước ngoài, kéo theo sự cất cánh của nền nông nghiệp.
Nhưng tôi rất quan ngại, liệu các sản phẩm chủ lực của chúng ta có nhiều và dàn trải quá không và còn không thấy lý do thuyết phục về việc chọn lựa này. Danh sách hoa, á hậu nông sản có những sản phẩm đang đứng trước thử thách sống còn như cây hồ tiêu; hay phải đương đầu với tình trạng thiếu đất sản xuất như cây cà phê do biến đổi khí hậu; rồi môi trường biến động của đồng bằng sông Cửu Long đang và sẽ ảnh hưởng mạnh đến diện tích và năng suất cây lúa, tôm, cá tra…
Có đến hơn 90% số nông sản xuất khẩu của Việt Nam vẫn ở dạng nguyên liệu thô, không qua chế biến với giá trị thấp. Ngoài ra, các quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, nhất là phục vụ xuất khẩu còn nhiều khó khăn. Rất nhiều câu hỏi quan trọng với nông nghiệp còn nằm đó.
Chúng ta hãy xem xét, chắt lọc lại các sản phẩm nông nghiệp quốc gia và có chiến lược đầu tư với lộ trình, mục tiêu cụ thể cùng các tiêu chí, chỉ số rõ ràng; làm rõ các bên liên quan, đặc biệt người nông dân được đặt ở vị trí nào trong chiến lược đó. Có như thế mới không còn các vở kịch mà tỷ phú hồ tiêu bỗng chốc đi bán rau.
Tôi mong rằng danh mục các sản phẩm nông nghiệp chủ lực được giám sát, thống kê và có điều chỉnh phù hợp với chiến lược cụ thể cho từng sản phẩm trong từng giai đoạn, trong đó không chỉ chú trọng xuất khẩu mà còn phải hoạch định lộ trình cho thị trường trong nước để đảm bảo chúng ta không quá phụ thuộc vào thị trường bên ngoài.
Tôi cũng chưa thấy chiến lược cho các sản phẩm này chú trọng về chất lượng sản phẩm, truy nguyên nguồn gốc, các yếu tố xã hội như bảo vệ phụ nữ, lao động trẻ em, bình đẳng giới; các hành động cụ thể về bảo vệ môi trường cũng như ứng phó biến đổi khí hậu… Nếu không, hình ảnh nông sản Việt Nam khó có thể bền vững và tin cậy trong mắt thế giới.
Tư duy tiếp cận cũ chắc chắn không thể hứa hẹn một tương lai tươi sáng cho ruộng vườn.
Theo: Trần Ban Hùng (VnExpress)