
Trang chủ / Tin nội bộ / Du xuân Lam Kinh: Hành trình trở về nguồn cội
Du xuân Lam Kinh: Hành trình trở về nguồn cội
Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược
Từ khóa
Tác giả
sleader
Chia sẻ
Du xuân Lam Kinh: Hành trình trở về nguồn cội
Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược
Từ khóa
Ngày đăng
Tác giả
sleader
Chia sẻ
Lam Kinh, vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lẫy lừng, nơi hội tụ của ý chí và lòng dân để tạo nên chiến thắng vang dội, đánh dấu mốc son rực rỡ trong lịch sử dựng nước và giữ nước, đặt nền móng cho thời kỳ hưng thịnh của dân tộc. SLEADER chọn du xuân Lam Kinh không chỉ là hành trình trở về nguồn cội mà còn là sự tiếp nhận ý chí kiên cường, tư duy lãnh đạo và tầm nhìn chiến lược.
Hành trình về Lam Kinh là trở về với những trang sử hào hùng, nơi ghi dấu cuộc khởi nghĩa Lam Sơn kéo dài suốt mười năm gian khổ (1418 – 1428). Dưới ngọn cờ đại nghĩa, Lê Lợi đã quy tụ anh hùng hào kiệt khắp nơi, xây dựng nghĩa quân Lam Sơn từ lực lượng nhỏ bé thành đội quân hùng mạnh. Nhờ mưu lược tài tình, tận dụng địa thế hiểm trở, nghĩa quân đã từng bước giành chiến thắng, mở rộng phong trào khắp cả nước, đưa cuộc khởi nghĩa địa phương trở thành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc vĩ đại. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn là thắng lợi của sức mạnh nhân dân, của tinh thần “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo”.
Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn không chỉ bắt nguồn từ lòng yêu nước và tinh thần quật cường của nghĩa quân, mà quan trọng hơn, đó là mưu lược kiệt xuất của Nguyễn Trãi – Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. Ông không chỉ là một quân sư tài ba mà còn là linh hồn của cuộc kháng chiến chống quân Minh, đóng vai trò quyết định trong việc hoạch định chiến lược và tổ chức lực lượng. Với Bình Ngô sách, Nguyễn Trãi đã vạch ra đường lối, phương châm cơ bản cho cuộc chiến tranh chính nghĩa giành độc lập, giúp Lê Lợi trù tính mọi kế hoạch, cùng các tướng lĩnh đưa nghĩa quân từ những ngày đầu gian khó trở thành một lực lượng hùng mạnh, tiến đến chiến thắng vẻ vang.
Chi phối toàn bộ tư tưởng và hành động của Nguyễn Trãi là triết lý nhân nghĩa. Ông từng khẳng định: “Phàm mưu việc lớn phải lấy nhân nghĩa làm đầu”, bởi theo ông, cốt lõi của nhân nghĩa chính là yêu dân, thương dân và giúp dân trừ bạo. Nguyễn Trãi có ý thức sâu sắc về vai trò quyết định của nhân dân trong lịch sử, coi nhân dân là cội nguồn sức mạnh vô địch. Ông hiểu rằng nhân dân chính là nước – có thể nâng thuyền, nhưng cũng có thể lật thuyền. Chính vì vậy, Lê Lợi và Nguyễn Trãi luôn kiên định với chủ trương dựa vào dân để đánh giặc, huy động sức mạnh toàn dân tộc, biến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn trở thành một phong trào chiến tranh Nhân dân sâu rộng. Giương cao ngọn cờ nhân nghĩa và chính nghĩa, hai ông đã tập hợp đông đảo quần chúng khắp cả nước, đoàn kết một lòng, tạo nên sức mạnh bất khả chiến bại, đánh bại quân Minh và mở ra một kỷ nguyên độc lập, thịnh trị cho Đại Việt.
Nếu Nguyễn Trãi là người kiến tạo chiến lược, thì Lê Lợi chính là vị tướng lĩnh tài ba hiện thực hóa chiến lược đó bằng nghệ thuật dụng binh kiệt xuất. Ông không chỉ xây dựng lực lượng quân đội mà còn biết duy trì sức mạnh tinh thần cho nghĩa quân trong suốt mười năm chiến đấu gian khổ. Dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi, nghĩa quân Lam Sơn từng bước chuyển từ thế yếu sang thế mạnh, từ phòng thủ sang chủ động tấn công, đánh bại quân Minh trong những trận quyết định như Tốt Động – Chúc Động, Chi Lăng – Xương Giang, buộc kẻ thù phải đầu hàng. Đặc biệt, khi chiến thắng đã trong tầm tay, thay vì tiêu diệt hoàn toàn quân địch, Lê Lợi chủ trương cấp lương thảo, thuyền bè cho chúng rút lui, thể hiện một tầm nhìn chiến lược và nhân văn sâu sắc, tránh để nhà Minh có cớ tiếp tục xâm lược Đại Việt trong tương lai. Chính sự kết hợp giữa tư duy chiến lược sắc bén của Nguyễn Trãi và tài thao lược của Lê Lợi đã làm nên thắng lợi vĩ đại của khởi nghĩa Lam Sơn, mở ra kỷ nguyên độc lập, thái bình cho dân tộc.
Sau khi lên ngôi năm 1428, Lê Lợi đổi tên Lam Sơn thành Tây Kinh (Lam Kinh) và biến nơi đây thành một trung tâm văn hóa – chính trị quan trọng. Đây cũng là nơi yên nghỉ của các vua triều Lê Sơ, từ vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) đến các đời vua kế tục. Điện Lam Kinh được mở rộng theo thời gian, trở thành nơi tổ chức các nghi lễ triều đình và lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của triều đại Lê Sơ.
Hơn sáu thế kỷ đã trôi qua, Hào khí Lam Sơn không chỉ sống trong những ký ức lịch sử mà còn tiếp tục lan tỏa trong đời sống hiện đại. Đó là tinh thần không khuất phục trước nghịch cảnh, là khát vọng vươn xa, là sự kiên định trong mục tiêu và bản lĩnh để vượt qua mọi thử thách. Lam Kinh không chỉ là nơi để nhớ về quá khứ, mà còn là nguồn cảm hứng để mỗi thế hệ tiếp tục hành trình dựng xây và phát triển đất nước. Và chính từ Lam Kinh – nơi từng ghi dấu một cuộc khởi nghĩa vĩ đại – ánh sáng của tinh thần quật khởi ấy sẽ còn mãi tỏa rạng, trường tồn cùng dòng chảy của dân tộc Việt Nam.
Chuyến du xuân Lam Kinh của SLEADER không chỉ là hành trình về nguồn mà còn là sự tiếp nhận tinh thần kiên cường, tư duy lãnh đạo và nghệ thuật quản trị chiến lược. Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn để lại cho hậu thế bài học không chỉ về chiến tranh mà còn về quản trị, về cách thức dẫn dắt một tổ chức đi đến thành công. Một tập thể muốn vươn xa không thể chỉ dựa vào nguồn lực sẵn có, mà cần đến tư duy chiến lược, khả năng tổ chức và sức mạnh của sự đồng lòng. Bước vào năm 2025, SLEADER hành động với khát vọng đổi mới, ý chí bền bỉ và tinh thần quật khởi của hào khí Lam Sơn. Và từ Lam Kinh, nơi từng ghi dấu một cuộc khởi nghĩa vĩ đại, ánh sáng của tư duy chiến lược và lãnh đạo sẽ tiếp tục lan tỏa, là kim chỉ nam cho hành trình phát triển vững bền của SLEADER trong năm 2025.
Những hình ảnh trong chuyến du Xuân tại Lam Kinh của SLEADER:
Tin bài và ảnh: Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược (SLEADER)