Trang chủ » Chúng ta ‘dò đá qua sông’ đến bao giờ?
Chúng ta ‘dò đá qua sông’ đến bao giờ?
Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược
Từ khóa
Tác giả
admin
Chia sẻ
Chúng ta ‘dò đá qua sông’ đến bao giờ?
Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược
Từ khóa
Ngày đăng
Tác giả
admin
Chia sẻ
Hơn 3 thập kỷ qua cần được khép lại với tên gọi là Đổi Mới lần I với nhiều trì trệ, để mở ra Đổi Mới lần II.
Vào khung độ cuối của nhiệm kỳ XII của Đảng, Việt Nam vừa khởi động cuộc Cách mạng 4.0, mà có thể và cần được đặt thành Đổi Mới giai đoạn II, sau giai đoạn I từ năm 1986 đến nay.
Tất nhiên, toàn dân đang chờ mong ở những quyết định cuối cùng của Đại hội XIII của Đảng xem liệu cuộc Cách mạng 4.0 có được đặt mục tiêu trở thành Đổi Mới giai đoạn II.
Nói toàn dân đang chờ mong như trên là bởi vì ở Đổi Mới giai đoạn I, phải tới phút cuối cùng, những người Đổi Mới mới chiếm được đa số trong nghị trường của Đại hội VI. Sự kiện lịch sử này cho thấy Đổi Mới và Trì Trệ luôn song hành, mà sự vượt lên của Đổi Mới không hề dễ dàng đối với từng cán bộ, từng đại biểu và tập thể đại biểu của Đại hội Đảng, kể cả đại hội ở cấp cao nhất.
Như đã thấy, sau khi công cuộc Đổi Mới chính thức được khởi động năm 1986, thì phương thức “Dò đá qua sông” đã được lựa chọn để triển khai thực hiện hàng loạt chủ trương, chương trình, dự án Đổi Mới. Ở đây không phải chỉ vì trên nóng dưới lạnh, mà còn có cả trên lạnh dưới nóng, hoặc cả hai đều lạnh. Qui tụ lại, dò đá qua sông trở thành phương thức chung của bộ phận Trì Trệ tồn tại trong mỗi người, mỗi cán bộ, mỗi đại biểu trước công cuộc Đổi Mới.
Về hình thức, phương thức này nêu mục tiêu bảo đảm an toàn, tránh xẩy ra rủi ro trong thực hiện Đổi Mới. Nhưng thực tiễn của hơn 30 năm qua đã chứng tỏ rằng phương thức dò đá qua sông cùng lắm thì cũng chỉ phòng tránh được được những rủi ro ngắn hạn, trong khi đó lại tạo ra hàng loạt rủi ro dài hạn cho phát triển đất nước nói chung, cho nền kinh tế nhiều thành phần nói riêng.
Cục xương khó nuốt
Thật vậy, dò đá qua sông đã tạo ra nhiều rủi ro trong thực hiện Đổi Mới đối với khu vực Doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Sau nhiều thập niên phát triển, khu vực DNNN đã đạt tới đỉnh điểm vào năm 1990 với trên 12 nghìn doanh nghiệp hoạt động rộng khắp trong các ngành, các cấp của nền kinh tế.
Tại thời điểm đó, đã có quá nhiều áp lực từ khu vực DNNN đặt ra mà Nhà nước không thể giải tỏa được, trừ một tia sáng cuối đường hầm, đó là phải sắp xếp lại khu vực này với nhiều giải pháp như: cổ phần hóa, bán, khoán, thoái vốn, cho thuê, cho phá sản.
Mặc dù đã nhận ra tia sáng đó từ năm 1990, nhưng khi thực hiện, phương thức được chọn lại là dò đá qua sông. Kết quả là, tới nay, sau 29 năm, khu vực này sắp xếp vẫn chưa xong.
Để tránh rủi ro, phương thức đó hầu như loại bỏ tất cả các giải pháp đã được đặt ra trên đây, chỉ tập trung vào giải pháp cổ phần hóa. Thậm chí, khi triển khai, cổ phần hóa đã được cài cắm vào đó những ranh giới đỏ với đặc trưng chung là “Cổ phần hóa, không tư nhân hóa”.
Tưởng là tránh được rủi ro, nhưng chính phương thức dò đá qua sông được áp dụng trong sắp xếp lại DNNN đã và đang tạo ra những rủi ro dài hạn cho toàn bộ khu vực kinh tế này, trong đó: hàng loạt “quả đấm thép” là Tổng công ty, Tập đoàn kinh tế nhà nước được thành lập bằng sáp nhập nhiều doanh nghiệp nhỏ, yếu kém vào một doanh nghiệp được coi là mạnh để nhanh chóng có qui mô lớn, được hưởng nhiều ưu đãi, đến nay nhiều đơn vị bị rơi vào phá sản, hoặc “đã chết mà chưa được chôn”; hơn chục đại án thua lỗ đã qua nhiều đợt vượt lỗ, nay vẫn lỗ lớn; trên 3 triệu tỷ đồng tài sản công của 17 Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước được Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nắm giữ, dù đang đẩy mạnh cổ phần hóa, nhưng đã qua 4 năm của kế hoạch 5 năm (2016-2020) mà chỉ thực hiện được trên 27%…
Những rủi ro này như những cục xương vừa khó nuốt vào, vừa khó nhả ra khiến nền kinh tế đã ra đường băng từ lâu mà vẫn không thể cất cánh được.
Luẩn quẩn và vừa-nhỏ-li ti
Dò đá qua sông đã tạo ra rủi ro không chỉ với khu vực kinh tế nhà nước mà cả với khu vực kinh tế tư nhân.
Một trong những chủ trương nổi tiếng của Việt Nam khi khởi động công cuộc Đổi Mới năm 1986 là “phát triển nền kinh tế nhiều thành phần”, trong đó có “kinh tế tư nhân”.
Nhưng khi thực hiện, chủ trương này đã chọn phương thức dò đá qua sông. Trên thực tiễn, sau 20 năm, kinh tế tư nhân mới nhận được một điểm cộng (+) mới, khi được xác định là có “vị trí quan trọng” trong nền kinh tế; phải 5 năm sau nữa mới được xác định là “một động lực” của nền kinh tế; và gần đây mới được cộng thêm cụm từ “quan trọng” vào động lực trên.
Vậy là, từ khi có chính danh trong các thành phần kinh tế của đất nước, phải dò đá qua sông tới 33 năm, kinh tế tư nhân mới được xác định là “một động lực quan trọng” của nền kinh tế.
Việc công nhận theo từng nấc và rất muộn màng này đã đẩy khu vực kinh tế tư nhân tới thực trạng phát triển như hiện nay. Trong đó, hơn 5 triệu hộ kinh tế gia đình đã phát triển theo động thái nhúc nhích; hơn 500 nghìn doanh nghiệp hoạt động (trong hơn 700 nghìn doanh nghiệp đăng ký) với qui mô vừa và nhỏ, được cộng thêm động thái mới, đó là li ti hóa; 5 doanh nghiệp tỷ USD trong danh sách thế giới, nhưng chỉ một, hai Tập đoàn đang hướng tới trở thành quả đấm thép của nền kinh tế mở của Việt Nam; đặc biệt, hơn chục nghìn Hợp tác xã được xác định là kinh tế tập thể, từ nhiều năm qua luôn kỳ vọng trở thành kinh tế doanh nghiệp mà vẫn không thành.
Cùng trong thời gian 3 thập kỷ, kinh tế tư nhân của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đã kịp tạo ra một Thần kỳ, một Rồng, một Hổ kinh tế, còn tư nhân Việt Nam vẫn luẩn quẩn với vừa-nhỏ-li ti, mang trong mình những rủi ro hiện hữu trong nền kinh tế toàn cầu hóa.
Nền kinh tế nhiều thành phần của Việt Nam có duy nhất một thành phần “ngoại” là Kinh tế đầu tư nước ngoài, còn lại tất cả đều là các thành phần kinh tế “nội”.
Trong Đổi Mới giai đoạn I, các thành phần kinh tế nội đều nhất loạt chọn phương thức dò đá qua sông để thực hiện các phương án, chương trình, chính sách đổi mới.
Kết quả là: Kinh tế cá thể, tiểu chủ, gia đình chưa có chính danh trong hệ thống kinh doanh; kinh tế hợp tác nhưng đất đai trước đây thuộc sở hữu tập thể, nay thuộc sở hữu toàn dân; kinh tế tư nhân chưa kịp được làm động lực quan trọng của nền kinh tế; kinh tế nhà nước chưa sắp xếp xong; kinh tế tư bản nhà nước đã lâu không còn được nhắc tới.
Chỉ riêng kinh tế đầu tư nước ngoài không chọn phương thức dò đá qua sông, đã phát triển trở thành một điểm sáng trên thế giới, một độc đáo của Việt Nam so với các quốc gia khác.
Nếu ngay từ đầu, sự độc đáo này được lan tỏa ra tất cả các thành phần kinh tế của đất nước, thì Việt Nam ngày nay không phải là quốc gia đã ra đường băng mà không biết cất cánh, “chưa giầu đã già”. Nếu Đại hội XIII của Đảng sắp tới là dịp kết thúc Đổi Mới giai đoạn I, mở ra Đổi Mới giai đoạn II với đặc trưng của cuộc Cách mạng 4.0, thì đây là lúc phương thức dò đá qua sông, đại diện của những thế lực Trì Trệ trong Đổi Mới, cần được đặt cáo chung với nội hàm thật rõ ràng.
Cáo chung cho phương thức dò đá qua sông
Trước hết, đặt một kế hoạch ngắn hạn để kết thúc quá trình sắp xếp lại khu vực DNNN, không thể tiếp tục chấp nhận kéo dài tới vô tận. Việc sắp xếp này đã từng giao cho hệ thống hành chính nhà nước thiết kế và tổ chức thực hiện trong Đổi Mới giai đoạn I nhưng không thành.
Nay, trong Đổi Mới giai đoạn II, Kế hoạch kết thúc trên đây cần được coi là một đại sự của quốc gia, do Quốc hội quyết định, và được tổ chức thực hiện từ một cơ quan đặc biệt do Quốc hội thành lập và giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Cơ quan này được giao đủ thẩm quyền để triển khai thực hiện kế hoạch kết thúc trên, và chịu trách nhiệm trước Quốc hội về các quyết định của mình. Cho dù chưa có tiền lệ về một “Kế hoạch kết thúc” như trên, nhưng vì là một quốc gia đại sự, Quốc hội vẫn có thẩm quyền theo Hiến định để quyết định một kế hoạch như thế.
Thứ hai, đặt một Chương trình thực hiện chủ trương Đổi Mới phát triển Kinh tế tư nhân với chính danh là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Theo đó:
i/Ban hành một luật về Danh mục các Điều kiện kinh doanh áp dụng cho thành phần Kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác, đồng thời xóa bỏ tất cả các Điều kiện kinh doanh được đặt ra trong Đổi Mới giai đoạn I (hiện đang còn trên 6 nghìn Điều kiện kinh doanh chính, chưa kể các điều kiện phi chính thức, trá hình,…).
ii/ Ban hành cơ chế kiến tạo những Tập đoàn kinh tế tư nhân với tư cách là những quả đấm thép của nền kinh tế.
Thứ ba, đặt khu vực kinh tế cá thể, tiểu chủ, hộ gia đình vào hệ thống kinh doanh của nền kinh tế. Theo đó, khu vực kinh tế này không tiếp tục bị gạt khỏi Luật Doanh nghiệp như trong Đổi Mới lần I. Từ đòi hỏi đó, cần sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp để kinh tế hợp tác, cá thể, tiểu chủ, hộ gia đình đều có thể trở thành đối tượng được điều chỉnh từng phần của luật này.
Thứ tư, đặt khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài vào giai đoạn phát triển mới phù hợp với nền kinh tế Việt Nam và thế giới đã, đang thay đổi theo cuộc Cách mạng 4.0, thích ứng với trật tự thế giới đang được sắp xếp lại. Theo đó, thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc theo hướng: công nghệ cao, ô nhiễm môi trường thấp, không gây rủi ro về an ninh quốc phòng.
Xây dựng và phát triển nền kinh tế nhiều thành phần là một sáng tạo của Việt Nam ngay từ khi khởi động công cuộc Đổi Mới năm 1986. Sau 3 thập kỷ thực hiện Giai Đoạn I, công cuộc Đổi Mới này đã kịp tạo ra một độc đáo được thừa nhận rộng rãi trên thế giới, đó là mở cửa thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài với dấu ấn về tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 200%GDP và cán cân đang thăng bằng tích cực.
Tuy nhiên, giai đoạn này lại không đạt được một thành tựu ấn tượng nào tương tự như vậy đối với phát triển các thành phần kinh tế trong nước kể cả với Kinh tế nhà nước, tập thể, tư nhân, cá thể-tiểu chủ-hộ gia đình. Thực tiễn này đã thể hiện khá sinh động cán cân giữa Đổi Mới và Trì trệ.
Trong dư luận xã hội đã không ít ý kiến cho rằng hơn 3 thập kỷ qua cần được khép lại với tên gọi là Đổi Mới lần I với nhiều trì trệ, để mở ra Đổi Mới lần II. Tuy nhiên, nếu xem xét Đổi Mới là một quá trình liên tục, phát triển theo cả bề rộng và chiều sâu, thì những gì đã qua nên được coi là Đổi Mới giai đoạn I với sự hiện diện của phương thức dò đá qua sông.
Việc đặt cáo chung cho phương thức dò đá qua sông trong Đổi Mới giai đoạn II sẽ làm cho Việt Nam không chỉ nổi tiếng trên thế giới về phát triển Kinh tế đầu tư nước ngoài mà còn cả về phát triển các thành phần kinh tế trong nước. Giấc mơ cất cất cánh của nền kinh tế Việt Nam sau nhiều lần lỡ dịp sẽ sớm trở thành hiện thực trong Đổi Mới giai đoạn II này.
Theo: TS. Đinh Đức Sinh (Vietnamnet)