Lãnh đạo không chỉ đơn thuần là một chức danh mà tạo ra ảnh hưởng với tất cả mọi người. Do đó, để trở thành người lãnh đạo giỏi, phải có những nguyên tắc riêng.

Ông Alain Goudsmet, Huấn luyện viên của các vị Lãnh đạo, Quản lý cấp cao
Ông Alain Goudsmet, Huấn luyện viên của các vị Lãnh đạo, Quản lý cấp cao

Tại chương trình đầu tiên trong chuỗi “Energizers for Performance” với chủ đề: “Nhà lãnh đạo quên mình để kiến tạo văn hoá chiến thắng”, diễn giả Alain Goudsmet, Huấn luyện viên của các vị Lãnh đạo, Quản lý cấp cao cho biết, để các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực quản trị & lãnh đạo hướng đến sự phát triển bền vững, lãnh đạo doanh nghiệp ngoài việc đối mặt với các vấn đề chuyên môn, cần phải tuân thủ những quy tắc nhất định:

Nguyên tắc con số 3 thần kỳ sẽ tạo ra nguồn năng lượng

Theo diễn giả Alain Goudsmet, hiện nay, nhiều doanh nghiệp đặt quá nhiều mục tiêu cho sự phát triển trong tương lai và cho chính các nhân viên của mình, điều đó sẽ làm mọi thứ trở nên phức tạp hơn. Trong thực tế, sự tối giản và sự hiện hữu sẽ đem lại những tác động tốt hơn, thu hút sự chú ý của mọi người, từ đó sẽ tạo ra nguồn năng lượng. Có một nguyên tắc cơ bản, nguồn năng lượng sẽ luôn chảy tới những nơi mà chúng ta có sự chú ý, do đó, chúng ta cần phải tập trung vào một trọng tâm, một ưu tiên thì chúng ta sẽ có nguồn năng lượng.

“Chúng tôi thường nói đến con số 3 thần kỳ, tức là để điều hành một doanh nghiệp sẽ phải có rất nhiều mục tiêu, nhưng đối với từng đối tượng nhân viên của mình, người lãnh đạo chỉ nên xác định tối đa 3 mục tiêu, không nên nhiều hơn, 3 mục tiêu sẽ đảm bảo tính chất tối giản. Nhiều hơn 3 điều sẽ làm mất đi sự tập trung, mất đi trọng tâm của mình, mất đi nguồn năng lượng, cái gì phức tạp quá chúng ta sẽ không tạo được nguồn năng lượng”.

Để công việc được tốt và đạt hiệu quả cao thì phải đảm bảo được nguồn năng lượng: năng lượng về mặt tinh thần, năng lượng về mặt cảm xúc và năng lượng về mặt thể chất để chúng ta có được những gì chúng ta mong muốn. Bởi vậy, quản lý hiệu quả công việc chính là quản lý hiệu quả nguồn năng lượng.

Nguyên tắc chi phí năng lượng là yếu tố đánh giá năng lực cán bộ, nhân viên

Thực tế hiện nay có nhiều doanh nghiệp chỉ ưu tiên giải quyết bài toán làm sao cho công việc đạt được kết quả như mong muốn mà quên mất rằng họ đã tiêu tốn quá nhiều năng lượng cho nó, nếu việc này diễn ra trong thời gian dài thì doanh nghiệp sẽ kiệt sức, do đó không đảm bảo được yếu tố phát triển bền vững. Vì thế, chi phí năng lượng chính là yếu tố cần đưa vào để đánh giá năng lực cán bộ, cần kiểm tra xem, để đạt được kết quả đó họ đã phải bỏ ra bao nhiêu công sức. Tương tự với phương pháp luận này sẽ đánh giá năng lực của nhân viên, đo mức độ hiệu quả công việc họ đạt được bằng cách đánh giá năng suất công việc, đồng thời phải đánh giá chi phí năng lượng họ đã bỏ ra.

“Chúng ta luôn luôn cần so sánh mục tiêu chúng ta đề ra với nguồn năng lượng từng vị trí bỏ ra là bao nhiêu để đạt được kết quả đó, sau khi tính toán thì mới ra năng suất. Nếu năng suất công việc chỉ lớn hơn 1 chút so với năng lượng bỏ ra thì đồng nghĩa với việc hiệu quả công việc không cao, chúng ta cần phải thay đổi cách làm việc và cách tư duy”, ông Alain Goudsmet nhấn mạnh.

Nguyên tắc Người lãnh đạo tốt giúp năng lượng được lan truyền

Hiện nay chúng ta vẫn nhầm lẫn với hai khái niệm “người lãnh đạo” và “sếp”, chúng ta thường quan niệm rằng, nếu đã là chuyên gia và có kiến thức thì chúng ta có thể làm “sếp”, nhưng trở thành “sếp” theo cách đó chỉ được coi là một vị trí có trách nhiệm quản lý và điều hành công việc việc hàng ngày, “sếp” làm việc chủ yếu dựa vào lý trí. Còn “người lãnh đạo” đề cập nhiều hơn đến thái độ và cách tư duy, “nhà lãnh đạo phải tạo ra được nguồn cảm hứng, phải tạo ra sự nhiệt huyết trong tổ chức, phải vẽ ra được tương lại cho doanh nghiệp, kích hoạt được nguồn năng lượng và truyền đạt năng lượng cho họ đội ngũ của chúng ta”.

Đội ngũ lãnh đạo phải tạo ra sợi dây gắn bó giữa các thành viên trong đội ngũ thông qua việc đặt ra một mục tiêu chung cùng hướng tới, một quy tắc chung cùng tuân theo, tạo ra sự đồng lòng tin tưởng và cống hiến… Những điểm chung đó tạo ra tình cảm và nhiệt huyết, tình cảm đó sẽ tạo nên năng lương để phấn đấu, đó chính là bước chuyển tài năng lượng và kích hoạt năng lượng trong đội ngũ của những nhà lãnh đạo.

Ngoài ra, ông Alain Goudsmet cũng chia sẻ thêm những nguyên tắc cần thiết khác để Doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực quản trị & lãnh đạo hướng đến sự phát triển bền vững:

Nguyên tắc kéo nhân viên ra khỏi vùng an toàn của bản thân, người lãnh đạo tốt thì phải biết huấn luyện để giúp nhân viên hiểu được thông điệp: Vươn mình ra khỏi giới hạn của bản thân và thử thách chính mình sẽ mang đến sự khó khăn, nhưng chúng ta sẽ không thể phát triển được nếu mãi ở trong vùng thoải mái của bản thân. Thông qua những thất bại, vượt qua sự đau đơn, rút ra những kinh nghiệm, chúng ta sẽ chạm đến những điều bạn không ngờ tới.

Nguyên tắc phản hồi giữa người lãnh đạo và thành viên trong đội ngũ, để doanh nghiệp phát triển thì chính bản thân từng nhân viên trong doanh nghiệp đó phải tiến bộ, họ có thể đã làm rất nhiều các công việc khác nhau, nhưng nếu không có sự phản hồi từ lãnh đạo, họ sẽ khó nhận ra mình cần phải cố gắng ở đâu và cần sửa ở điểm nào, với sự phản hồi này họ sẽ có định hướng để thay đổi bản thân tốt hơn.